Nam Xu-đăng hơn một tuần qua chìm trong bạo lực và nguy cơ nội chiến đang ngày càng cận kề. Ngày 23-12, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã khuyến nghị Hội đồng Bảo an LHQ triển khai thêm 5.500 binh sĩ và 423 cảnh sát để tăng cường cho Phái bộ LHQ đang làm nhiệm vụ tại quốc gia này...
Trước tình hình nguy ngập ở Nam Xu-đăng, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã gửi thư cho Hội đồng Bảo an LHQ khuyến nghị chuyển 5 đơn vị bộ binh, 3 máy bay trực thăng chiến đấu, 3 máy bay trực thăng vận tải và một máy bay quân sự C-130 đến quốc gia này. Lực lượng tăng viện này sẽ được rút từ các phái bộ khác nhau của LHQ tại châu Phi. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an cũng đã tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp về cuộc xung đột đang diễn ra ở Nam Xu-đăng để xem xét đề nghị của ông Ban Ki Mun.
Cuộc xung đột tại Nam Xu-đăng đã kéo dài một tuần qua và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt bởi các cuộc giao tranh tiếp diễn giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy. Hiện Chính phủ Nam Xu-đăng đã mất quyền kiểm soát tại thủ phủ Ben-tiu của bang U-ni-ti, một bang sản xuất dầu mỏ quan trọng. Lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Ri-ếch Ma-cha đã chiếm giữ thêm nhiều địa điểm trong cuộc giao tranh với quân chính phủ, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ nội chiến trở lại quốc gia non trẻ này như thời kỳ chưa tách khỏi Xu-đăng. Trước đó, lực lượng phiến quân vũ trang cũng đã giành quyền kiểm soát một số mỏ dầu của Nam Xu-đăng, đe dọa cắt đứt nguồn mạch kinh tế quan trọng vốn chiếm tới gần 99% ngân sách của chính phủ non trẻ này.
Bên trong một lán trại dựng tạm của người dân Nam Xu-đăng đi sơ tán để lánh nạn. Ảnh: Internet |
Cựu Phó Tổng thống Ri-ếch Ma-cha, người bị cáo buộc âm mưu tiến hành cuộc đảo chính bất thành tuần qua, đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại với chính phủ, song yêu cầu Tổng thống Xan-va Ki-ia trước tiên phải trả tự do cho các đồng minh chính trị của mình. Tuy nhiên, yêu sách này đã bị Chính phủ Nam Xu-đăng bác bỏ, khiến tình hình xung đột càng nghiêm trọng và chưa có biện pháp tháo gỡ.
Theo ước tính, hàng trăm người đã thiệt mạng và hơn 20.000 người đã phải sơ tán khỏi Thủ đô Giu-ba kể từ khi bạo lực bùng phát hơn một tuần qua. Diễn biến này làm gia tăng mối lo ngại sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Nam Xu-đăng. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 23-12 thông báo cung cấp 50 triệu ơ-rô viện trợ nhân đạo cho Nam Xu-đăng nhằm ngăn chặn nguy cơ này.
Trong khi đó, các nước đang khẩn trương tiến hành công tác sơ tán công dân nước mình khỏi Nam Xu-đăng. Mỹ đã triển khai khoảng 150 lính thủy đánh bộ tới một căn cứ ở vùng Sừng châu Phi để sẵn sàng cho khả năng tiến hành các đợt sơ tán công dân Mỹ tiếp theo khỏi đây. Trước đó, 3 máy bay vận tải CV-22 Osprey của Mỹ được điều tới Nam Xu-đăng để hỗ trợ sơ tán công dân Mỹ đã bị các tay súng tấn công, khiến công tác sơ tán gặp khó khăn. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo cho biết, 5 máy bay trực thăng dân sự Mỹ và LHQ đã đưa khoảng 380 công dân Mỹ cùng hơn 300 công dân các nước khác từ Thành phố Bo-rơ tới Thủ đô Giu-ba và các địa điểm an toàn khác. Anh cũng đã thực hiện chuyến bay cuối cùng nhằm sơ tán công dân nước mình khỏi Nam Xu-đăng. Tổng thống Kê-ni-a, U-hu-ru Kê-ni-át-ta cũng đã cho phép quân đội quốc gia tiến vào biên giới Nam Xu-đăng để giải cứu khoảng 1.600 công dân nước này đang mắc kẹt.
Trước diễn biến nghiêm trọng ở Nam Xu-đăng, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã kêu gọi chấm dứt mọi hành động bạo lực ở quốc gia này, đồng thời tuyên bố bất cứ hành động đảo chính quân sự nào cũng sẽ khiến Oa-sinh-tơn và các đồng minh chấm dứt sự ủng hộ về kinh tế cũng như ngoại giao đối với nước này.
Tổng thống B.Ô-ba-ma hối thúc các bên tại Nam Xu-đăng sớm tiến hành đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột./.
Theo: qdnd.vn