Mỗi đất nước có một nền văn hóa, sinh hoạt khác nhau nên đa phần chị em người Việt sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới đều phải biết cách vận dụng linh hoạt, khéo léo để vừa hội nhập thành công ở nước sở tại, vừa giúp nhau gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và hướng về quê hương. Tuy nhiên, để có được điều đó không thể không kể đến vai trò của Hội Phụ nữ.
Những chia sẻ không thể không kể…
Tại tỉnh Sa-va-na-khẹt (CHDCND Lào), tình đoàn kết là điểm nổi bật của các thành viên trong Hội người Việt. Bà Trần Thị Bạch Lan, Trưởng ban phụ nữ Hội, người vừa được nhận Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động chị em gia nhập Hội: "Chị em phụ nữ Việt ở Lào thường khá rụt rè. Kinh nghiệm là mình phải đến tận nơi, chứ nếu chỉ đứng bên trên lãnh đạo thì người ta không nghe. Chúng tôi đã tạo lập sân chơi cho chị em bằng cách tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao, xây dựng CLB Aerobic, yoga. Từ đó, số hội viên tham gia ngày càng đông.
Còn bà Bùi Thanh Hường, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh U-đôn Tha-ni (Thái Lan) chia sẻ: Hội Phụ nữ tỉnh U-đôn Tha-ni được thành lập từ năm 2004. Để có được con số 700 hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt thường xuyên như hiện nay là cả một sự cố gắng và nỗ lực của ban chấp hành Hội. Hội Phụ nữ tỉnh đã thực hiện phân chia nhóm thành 5 khu vực để sinh hoạt, như vậy vừa dễ dàng quản lý vừa phát huy tốt các hoạt động ở từng khu vực, đồng thời cùng nhau tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống.
Niềm vui của trẻ em và bà con ở miền Tây Nam Bộ trong ngày khánh thành cầu mới do Việt kiều xây tặng. Ảnh: Internet |
Ở Ăng-gô-la chưa có Hội Phụ nữ Việt Nam, chỉ có người chuyên trách về công tác phụ nữ trong Hội. Do vậy, Hội nghị phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài vừa qua đã mở ra cánh cửa mới trong công tác này. Bà Nguyễn Thị Việt Anh, Ủy viên BCH Hội người Việt Nam tại Ăng-gô-la cho biết: "Sau hội nghị này, tôi sẽ về Ăng-gô-la đề nghị BCH Hội người Việt thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ăng-gô-la để tập hợp những phụ nữ có tâm huyết, có trình độ và có tấm lòng đối với con cháu ở Ăng-gô-la. Cũng mong rằng, Hội LHPN Việt Nam sẽ tư vấn cho chúng tôi đưa ra những tiêu chí nhất định, những phấn đấu rõ ràng của phụ nữ Việt Nam nói chung. Riêng cá nhân tôi mong muốn sớm thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam để tập hợp tất cả những người phụ nữ đang sống tại Việt Nam, tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của từng người và có những trợ giúp nhất định và động viên những người có điều kiện hãy làm những công việc từ thiện bằng tấm lòng để giúp đỡ con cháu chúng ta khi xa Tổ quốc”.
Mong muốn được đóng góp cho quê hương
Ở nước ngoài, bên cạnh việc hòa nhập với cộng đồng sở tại, chị em phụ nữ còn phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam qua các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống... Bà Trần Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Slô-va-ki-a cho biết: "Chúng tôi tham gia vào các lễ kỷ niệm như Tết Nguyên đán, Tết Độc lập 2-9, Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi 1-6... Những ngày nào có ý nghĩa trong việc duy trì phong tục tập quán của người Việt mình, chúng tôi luôn phát huy và làm rất tốt.
Tại Hội nghị phụ nữ Việt Nam tại nước ngoài vừa được tổ chức, các chị em phụ nữ Việt Nam tại nhiều nước cũng bày tỏ niềm đồng cảm với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời hướng về quê hương bằng trái tim chân thành của mình. Bác sĩ châm cứu Lê Thúy Oanh, người Việt tại Hung-ga-ry bộc bạch: "Tôi mong muốn có nhiều đóng góp cho đất nước. Ở Hung-ga-ry ngoài việc làm chuyên môn, tôi còn làm Chủ tịch Hội từ thiện. Tôi có tham gia quyên góp ủng hộ những chương trình từ thiện ở Việt Nam như ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam, Quỹ "Trái tim cho em”...
Phụ nữ Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong gia đình và cộng đồng xã hội. Một số đại biểu cũng nêu ý kiến với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Hội LHPN Việt Nam cần quan tâm thường xuyên hơn để động viên và phát huy tiềm năng của chị em phụ nữ, nhằm góp phần xây dựng và phát triển đất nước./.
Theo: Đại Đoàn Kết