Chủ tịch Cu-ba kêu gọi Mỹ từ bỏ các yêu sách chính trị

08:12, 24/12/2013

Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô ngày 21-12 cảnh báo, La Ha-ba-na sẵn sàng đối đầu với Mỹ trong vài thập kỷ tới nếu nước này không từ bỏ các yêu sách chính trị về thể chế của Cu-ba. Dù vậy, Chủ tịch Cu-ba cũng ghi nhận những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa hai nước.

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội ngày 21-12, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô cho biết, Mỹ và Cu-ba đã có "nhiều cuộc đối thoại về lợi ích chung" giữa hai quốc gia và hai nước có triển vọng tiếp tục đà phát triển tích cực này. Khẳng định một mối quan hệ “văn minh” giữa hai nước là mong muốn chung của đại đa số người dân hai phía, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô cũng nhấn mạnh nếu thực sự muốn đạt tiến triển trong quan hệ song phương, hai nước cần phải chấp nhận những khác biệt của nhau.

Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô phát biểu trong phiên bế mạc quốc hội.  Ảnh: Internet
Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô phát biểu trong phiên bế mạc quốc hội.
Ảnh: Internet

“Chúng tôi không đề nghị Mỹ thay đổi hệ thống chính trị và xã hội của họ, do đó cũng sẽ không chấp nhận đàm phán về thể chế của nước mình. Nếu hai bên thực sự mong muốn cải thiện mối quan hệ song phương, chúng ta sẽ phải học cách tôn trọng sự khác biệt của nhau và làm quen với việc sống hòa bình với những khác biệt đó. Nếu không, La Ha-ba-na sẵn sàng duy trì quan hệ nguội lạnh thêm 55 năm nữa với Oa-sinh-tơn", Roi-tơ dẫn lời Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô tuyên bố.

Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp chống Cu-ba sau khi Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô lên nắm quyền vào năm 1959 và chính thức áp dụng lệnh cấm vận đối với đảo quốc Ca-ri-bê này từ năm 1962 cho đến nay. Về mặt kỹ thuật, luật pháp Mỹ yêu cầu Cu-ba phải có sự thay đổi về chế độ trước khi hai bên có thể bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ giữa hai nước bắt đầu xuất hiện dấu hiệu "tan băng" khi hai bên đạt được một số thỏa thuận nối lại dịch vụ bưu chính, dịch vụ lãnh sự cũng như tổ chức các cuộc đối thoại ngăn chặn thảm họa và nhiều vấn đề an ninh khác. Gần đây nhất, tại lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Nam Phi Nen-xơn Man-đê-la hôm 10-12, trong lúc bước về phía bục để phát biểu, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã dừng lại và bắt tay Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô. Giới truyền thông mô tả đây là "cái bắt tay lịch sử" giữa các nhà lãnh đạo của hai nước lâu nay vẫn coi nhau là “kẻ thù”.  Hồi tháng trước, ông B.Ô-ba-ma cũng cho rằng, có thể đã đến lúc Oa-sinh-tơn phải xem xét lại chính sách của mình với Cu-ba - quốc gia mà Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận trong 5 thập niên qua.

Chính sách cấm vận của Mỹ đã làm Cu-ba thiệt hại lớn về kinh tế và vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Đại sứ Vê-nê-xu-ê-la tại LHQ X.Môn-ca-đa cho rằng, việc Mỹ cấm vận Cu-ba là nhằm hạn chế năng lực của Chính phủ Cu-ba trong việc tiếp cận với những điều cần thiết đối với sức khỏe, giáo dục, công nghệ, lương thực, thực phẩm và sự phát triển. "Lệnh cấm đó chỉ mang đến gánh nặng cho người dân Cu-ba, qua đó làm hạn chế quyền được phát triển của đất nước và người dân Cu-ba. Chính sách này đã lỗi thời và không còn chỗ đứng trong thế giới hiện nay”, ông Môn-ca-đa nói. Ngày 29-10 vừa qua, 188/193 quốc gia thành viên LHQ cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết Đại hội đồng LHQ lên án lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Cu-ba. Đây là lần thứ 22 liên tiếp, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ và cũng là lần đầu tiên ngoài Mỹ, chỉ có I-xra-en phản đối nghị quyết, trong khi các quốc gia châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh đều công khai lên án chính sách bất công của Oa-sinh-tơn.

Xét trong bối cảnh mối quan hệ hai nước đang có những chuyển biến đáng kể thời gian qua, nhiều ý kiến bày tỏ sự lạc quan cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba có thể, dù ít hay nhiều, sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com