Ai Cập trước nguy cơ nội chiến

09:12, 30/12/2013

Theo các nhà phân tích, tình hình bất ổn tại Ai Cập nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vừa bị Chính phủ lâm thời cấm hoạt động. Nhiều phần tử Hồi giáo đã xuống đường để phản đối việc MB bị coi là tổ chức khủng bố.

Ngày 27-12, sau lễ cầu nguyện buổi trưa thứ 6 của người Hồi giáo, nhiều người Hồi giáo đã đổ xuống các đường phố của nước này nhằm phản đối tuyên bố ngày 25-12 của Chính phủ lâm thời Ai Cập coi tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) là tổ chức khủng bố. Các cuộc đụng độ nổ ra giữa người dân địa phương, cảnh sát và những người ủng hộ tổ chức MB tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 87 người bị thương. Lực lượng an ninh đã bắt giữ tổng cộng 265 người biểu tình, trong đó có 28 phụ nữ. Ba xe cảnh sát đã bị những người biểu tình đốt cháy.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ nước này, một thanh niên 18 tuổi đã bị bắn chết trong cuộc đụng độ tại Thành phố Đa-mi-ét-ta ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nin. Hai người còn lại bị thiệt mạng tại Thủ đô Cai-rô và tỉnh Mi-ni-a ở vùng Thượng Ai Cập. Một nguồn tin chính thức tiết lộ phần lớn trong số 87 người bị thương do trúng đạn ghém. Đặc biệt, đụng độ đã làm bị thương Phó giám đốc Sở Cảnh sát tỉnh Mi-ni-a và một thành viên của Phong trào Tamarod (Nổi dậy) - lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30-6 vừa qua dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Hồi giáo Mô-ha-mét Mơ-xi.

Những người ủng hộ tổ chức MB biểu tình tại Cai-rô hôm 27-12. Ảnh: Internet
Những người ủng hộ tổ chức MB biểu tình tại Cai-rô hôm 27-12. Ảnh: Internet

Tình hình tại Ai Cập hết sức căng thẳng kể từ khi Tổng thống Mơ-xi bị lật đổ ngày 3-7 vừa qua. Bất ổn gia tăng không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đất nước Kim Tự Tháp mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và hình ảnh của Ai Cập trên trường quốc tế. Nhiều người dân Ai Cập cho biết, họ đã ý thức rõ cái giá quá đắt của bạo loạn và mong muốn nhanh chóng thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay. Một người dân Ai Cập nói: “Tôi không ủng hộ ai, kể cả Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như các tổ chức chính trị khác trong xã hội. Tôi chỉ muốn bày tỏ quan điểm của mình, đó là chúng tôi muốn sống trong tự do, hòa bình và dân chủ”.

Ngày 27-12, một luật sư của MB cho biết chính quyền Ai Cập đã ra lệnh phong tỏa tài sản của tất cả các thành viên Hội đồng Hướng dẫn và các tổ chức phi chính phủ (NGO) có liên hệ với phong trào Hồi giáo này. Thứ trưởng Tư pháp Ai Cập Ê-dát Kha-mít xác nhận tài sản của 132 thủ lĩnh của MB đã bị "đóng băng" theo phán quyết trước đó của tòa án. Chính phủ cũng thành lập một ủy ban để quản lý tài sản, bao gồm cả xe cộ, đất nông nghiệp và cổ phần tại các Cty niêm yết của 1.054 NGO được cho là do MB điều hành. Trong khi đó, Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB đứng đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Mơ-xi, tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình ôn hòa trong tuần tới. Liên minh này cũng cáo buộc Chính phủ lâm thời Ai Cập "hành xử thô bạo đối với những nhóm người nghèo nhất trong xã hội", ra các quyết định "bất hợp pháp" và phạm các "tội ác khủng bố".

Theo các nhà phân tích, tình hình bất ổn tại Ai Cập nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tổ chức MB vừa bị chính phủ cấm hoạt động, coi là “tổ chức khủng bố” và chính thức bị gạt khỏi tiến trình chính trị ở Ai Cập. Nếu không có chính sách tốt để hòa giải dân tộc, Ai Cập sẽ phải đối mặt với nguy cơ nội chiến./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com