U-crai-na bất ngờ quay đầu với EU

08:11, 25/11/2013

Chính phủ U-crai-na đã gây bất ngờ khi đình hoãn một thỏa thuận thương mại quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) và tuyên bố sẽ trở lại đàm phán hợp tác với Nga.

Ngày 21-11, Chính phủ U-crai-na đã ra lệnh hoãn các hoạt động chuẩn bị hướng tới Hiệp định Liên kết U-crai-na - EU, được đánh giá sẽ là một thỏa thuận lịch sử của nước này với châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này diễn ra vào cuối tháng 11 tại Lít-va. Sắc lệnh công bố trên trang web của chính phủ yêu cầu “tạm ngừng tiến trình chuẩn bị cho Thỏa thuận Gia nhập giữa U-crai-na và EU”. Thay vào đó, chính quyền Ki-ép đề nghị thành lập một ủy ban thương mại 3 bên gồm U-crai-na, EU và Nga.

Sắc lệnh cũng nêu rõ, mục tiêu của Ki-ép khôi phục lại kim ngạch thương mại với Mát-xcơ-va, vốn đã bị suy giảm trong thời gian gần đây.

Tổng thống Nga Pu-tin (trái) và Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích trao đổi trong một cuộc gặp hồi tháng 10. Ảnh: Internet
Tổng thống Nga Pu-tin (trái) và Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích trao đổi trong một cuộc gặp hồi tháng 10. Ảnh: Internet

Theo Hãng tin Roi-tơ, theo kế hoạch ban đầu lẽ ra U-crai-na sẽ ký một thỏa thuận thương mại và hợp tác với EU vào ngày 29-11 nhằm hướng sự phát triển về châu Âu và tách xa khỏi Nga. EU mô tả thỏa thuận này sẽ giúp tăng cường đầu tư nước ngoài vào U-crai-na. Tuy nhiên, hôm 21-11, Tổng thống U-crai-na V.Y-a-nu-cô-vích tuyên bố, ông lo ngại thỏa thuận này sẽ khiến U-crai-na đánh mất quan hệ thương mại với Nga. Chính quyền Ki-ép ra lệnh đình hoãn thỏa thuận với EU vì "lợi ích an ninh quốc gia" và sẽ quay lại "đàm phán tích cực" với Nga.

Lôi kéo U-crai-na ngả theo phương Tây là một chiến lược lớn của EU. Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao giữa EU và U-crai-na trở nên gập ghềnh do vụ các quan chức EU gây sức ép buộc Tổng thống Y-a-nu-cô-vích trả tự do cho nhà lãnh đạo đối lập Giu-li-a Ti-mo-sen-cô - người mà EU coi là một tù nhân chính trị. Trong khi đó, Tổng thống Nga V.Pu-tin đe dọa sẽ trả đũa thương mại U-crai-na nếu nước này ngả về phía EU. Tổng thống Y-a-nu-cô-vích cho biết, ông lo sợ U-crai-na sẽ thiệt hại khoảng 500 tỷ USD thương mại với Nga trong những năm tới. Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Y-a-nu-cô-vích muốn dùng lá bài châu Âu để làm đối trọng với ảnh hưởng của Nga. Nhưng ông cũng ý thức được rằng, chơi với EU sẽ có lợi cho U-crai-na về lâu dài, nhưng trước mắt, Ki-ép sẽ phải trả giá đắt - cả về chính trị lẫn kinh tế. Do đó, hôm 21-11, Quốc hội U-crai-na đã bác dự luật cho phép cựu Thủ tướng Ti-mo-sen-cô ra nước ngoài trị bệnh. Thủ tướng M.A-da-rốp ra lệnh đình hoãn thỏa thuận với EU và nối lại đàm phán với Nga.

Quyết định của U-crai-na đã kéo theo những phản ứng trái chiều của Nga và phương Tây. Ngày 21-11, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Đmi-tơ-ri Pê-xcốp cho biết, nước này đánh giá cao quyết định trên của Ki-ép và hoan nghênh U-crai-na mong muốn hoàn thiện và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với Nga. Phát biểu trước báo giới, ông Pê-xcốp nhấn mạnh, U-crai-na là một đối tác thân cận của Nga, song Mát-xcơ-va sẽ tôn trọng mọi quyết định của Ki-ép về thỏa thuận với EU, cũng như việc U-crai-na có gia nhập Liên minh Hải quan hay không vì đây là công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Ông Pê-xcốp cam kết các cuộc tiếp xúc giữa Nga và U-crai-na ở cấp chuyên gia sẽ được khôi phục. Giới quan sát nhận định, đây là một chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Nga Pu-tin.

Trái ngược với lập trường của Nga, các quốc gia phương Tây bày tỏ sự "thất vọng sâu sắc" trước quyết định trên của U-crai-na. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Ca-thơ-rin A-stơn cho rằng, quyết định trên của Ki-ép "không chỉ là sự thất vọng đối với EU, mà còn cả đối với nhân dân U-crai-na".

Chia sẻ quan điểm này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gien Pxa-ki nhấn mạnh rằng "chúng tôi sẽ thực sự thất vọng nếu đây là quyết định cuối cùng của Chính phủ U-crai-na trước hội nghị ở Lít-va". Tuy nhiên, quan chức Mỹ cũng bày tỏ tin tưởng vẫn còn đủ thời gian giải quyết các bất đồng để ký Hiệp định Liên kết nếu các bên liên quan nỗ lực.

Phần lớn lãnh đạo EU đều lên tiếng cảnh báo rằng, trong nhiều năm tới U-crai-na khó có cơ hội mới ký kết hiệp định liên kết với EU, vì năm 2014 thành phần Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có nhiều thay đổi và năm 2015 U-crai-na tiến hành bầu cử tổng thống mới. Ngoại trưởng Đức G.Oét-xtơ-oen cho biết, EU vẫn muốn tăng cường quan hệ với U-crai-na và giờ quả bóng đang nằm ở phần sân của Ki-ép./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com