Tối 11-11, Thượng viện Thái-lan bỏ phiếu bác Dự luật Ân xá do Nghị sĩ đảng Vì nước Thái cầm quyền Worachai đề xuất, trong bối cảnh có những cuộc biểu tình lớn, kéo dài, trên một số tuyến phố chính ở Thủ đô Bangkok và nhiều tỉnh của Thái-lan phản đối dự luật này.
Người biểu tình tràn ngập nhiều tuyến phố chính ở Bangkok. |
Dự luật Ân xá nhằm xóa tội cho mọi đối tượng liên quan các biến cố chính trị từ năm 2004 đến tháng 8-2013 (ngoại trừ những người phạm tội phạm thượng theo điều 112 của Bộ luật Hình sự).
Theo quy định luật pháp Thái-lan, Dự luật giờ đây được trả về Hạ viện, và sau 180 ngày, Hạ viện có thể lại đưa ra xem xét.
Tuy nhiên, Liên minh bốn đảng cầm quyền với đảng Vì nước Thái làm nòng cốt đã đưa ra cam kết bằng văn bản sẽ không đưa trở lại Dự luật Ân xá ra bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện nếu Thượng viện bác dự luật này.
Hạ viện cũng đã có hành động nhằm đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình, bỏ phiếu thông qua việc rút lại tất cả năm dự luật hòa giải và một dự luật ân xá khác với bản của Nghị sĩ Worachai, nằm trong chương trình nghị sự kỳ họp lần này.
Lo ngại xảy ra xung đột, bạo lực tại những cuộc biểu tình do có sự kích động của “bên thứ ba” đồng thời không muốn hình ảnh đất nước xấu đi trong mắt các nhà đầu tư và du khách, Thủ tướng Thái-lan Yingluck Shinawatra đã phát biểu ý kiến trực tiếp trên truyền hình trước khi Thượng viện xem xét Dự luật, kêu gọi những người biểu tình giải tán và cam kết Chính phủ được dân bầu sẽ tôn trọng tiếng nói của người dân, nhất định từ bỏ Dự luật Ân xá nếu Thượng viện không thông qua.
Sau khi được Hạ viện thông qua ngày 1-11 vừa qua, những cuộc biểu tình phản đối Dự luật Ân xá gia tăng cả về số lượng, cường độ và thành phần tham gia. Lớn nhất là cuộc biểu tình do Nghị sĩ đảng Dân chủ Suthep phát động với hàng chục nghìn người tham gia tại khu vực Tượng đài Dân chủ. Họ phản đối dự luật vì lo ngại nó mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra về nước mà không phải thụ án hai năm tù vì tội tham nhũng (bản án mà theo ông Thaksin là mang động cơ chính trị) và nếu được thông qua, luật này sẽ áp đặt một tiêu chuẩn sai lệch cho xã hội Thái-lan, khiến người ta tin rằng tham nhũng không phải là điều gì nghiêm trọng, rồi rốt cuộc sẽ được ân xá.
Với quyết định bác Dự luật của Thượng viện, yêu cầu của ông Suthep đưa ra đã không được đáp ứng. Muốn Dự luật phải bị hủy bỏ ngay trong kỳ họp QH lần này dự kiến kết thúc vào ngày 28-11 tới, ông Suthep kêu gọi Thượng viện bỏ phiếu coi Dự luật Ân xá là một dự luật tài chính, trả về Hạ viện để Hạ viện chuyển lại cho Thủ tướng (theo quy định dự luật tài chính phải do Chính phủ trình ra Quốc hội xem xét), và Thủ tướng không bảo trợ cho dự luật này, không đưa ra xem xét tại Quốc hội.
Ngày 11-11, ông Suthep tuyên bố sẽ cùng với tám nghị sĩ đảng Dân chủ khác rút khỏi danh sách nghị sĩ trong Hạ viện và kêu gọi người dân đình công ba ngày bắt đầu từ 13-11 để phản đối Chính phủ. Phe đối lập và các nhóm chống Chính phủ tuyên bố tiếp tục biểu tình cho đến khi Dự luật Ân xá chính thức bị hủy bỏ và không tin tưởng vào cam kết của Chính phủ. Một số nhóm biểu tình kêu gọi Chính phủ từ chức. Đảng Dân chủ đối lập tuyên bố sẽ yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Phản đối những người biểu tình đòi lật đổ Chính phủ, ngày 10-11, Mặt trân Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD – hay còn gọi là lực lượng áo đỏ) tổ chức biểu tình với sự tham gia của hàng chục nghìn người tại một khu vực giáp Thủ đô Bangkok, coi đây là một cuộc biểu dương lực lượng, thể hiện sự ủng hộ Chính phủ.
An ninh tại Bangkok được siết chặt, với trọng tâm bảo vệ là khu vực quanh Tòa nhà Chính phủ và Tòa nhà QH. Hàng nghìn cảnh sát đã được triển khai bảo đảm trị an, ngăn chặn “bên thứ ba” lợi dụng gây rối.
Theo nhandan.com.vn