Thế giới tuần qua: Thêm dầu vào lửa

08:11, 30/11/2013

Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông; bước ngoặt lịch sử trong đàm phán giữa I-ran và nhóm P5+1; biểu tình quy mô lớn ở Thái Lan...là những tin tức nổi bật tuần qua.

1. Trung Quốc hôm 23-11 tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này đang tranh chấp với Nhật Bản, khiến mối quan hệ Nhật - Trung càng thêm căng thẳng, gia tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước. Theo tuyên bố, các máy bay phải cung cấp lịch bay, thông báo quốc tịch và duy trì liên lạc radio hai chiều khi bay vào ADIZ mà Trung Quốc vừa thiết lập, nếu không sẽ đối mặt với "các biện pháp phòng vệ khẩn cấp".

Một chiếc máy bay tuần tra biển P-3C của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản bay qua quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ảnh: Getty Images chụp năm 2011
Một chiếc máy bay tuần tra biển P-3C của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản bay qua quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ảnh: Getty Images chụp năm 2011

Phản ứng lại với tuyên bố của Bắc Kinh, Cơ quan hàng không Nhật Bản hôm 26-11 chỉ thị Hiệp hội hàng không quốc gia không tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc. Các phi cơ của Nhật Bản và Hàn Quốc đã bay qua ADIZ do Trung Quốc mới lập mà không thông báo trước và không gặp phải sự cản trở nào từ phía Bắc Kinh. Trước đó, ngày 25-11, Mỹ cũng phớt lờ đòi hỏi của Trung Quốc, điều hai máy bay ném bom B-52 đến khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Washington ngày 27-11 tái khẳng định cam kết đứng về phía Nhật Bản trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và nhất trí cùng nước đồng minh gây sức ép buộc Trung Quốc từ bỏ Vùng nhận dạng phòng không mới thiết lập.

Manila ngày 28-11 bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc có thể tìm cách kiểm soát vùng trời trên khu vực tranh chấp ở Biển Đông, sau tuyên bố ở Hoa Đông.

* Sau khi Bắc Kinh công bố ADIZ, hải quân nước này đã tiến hành một cuộc diễn tập “không chiến” trên Hoa Đông với sự tham gia của hàng chục chiến đấu cơ J-10 do nước này tự chế.

Bất chấp lời kêu gọi của chính phủ, hàng nghìn người biểu tình Thái Lan vẫn bao vây các cơ quan chính phủ nước này. Ảnh: AP

2. Hàng trăm nghìn người đã đổ ra các đường phố Bangkok những ngày qua, chiếm hoặc bao vây hơn 10 cơ quan chính phủ, cắt điện gây khó khăn cho một số công sở, thề lật đổ chính phủ bị cho là quá thân với cựu Thủ tướng Thaksin của bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Trước làn sóng biểu tình rầm rộ, Chính phủ Thái Lan đã áp đặt Luật An ninh nội địa (ISA) ở thủ đô và một số vùng lân cận nhằm kiểm soát tình hình an ninh. Thủ tướng Yingluck Shinawatra, người vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ngày 28-11, cho biết, chính phủ Thái Lan sẽ không sử dụng bạo lực để đàn áp biểu tình, và sẽ lắng nghe mọi ý kiến của các nhóm biểu tình chống đối.

Ngày 28-11, hàng nghìn người biểu tình đã xông vào trụ sở quân đội ở Bangkok, kêu gọi quân đội ủng hộ họ trong cuộc chiến hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

Triều Tiên phóng tên lửa hồi tháng 1 năm 2013. Ảnh minh họa: Getty Images

3. Triều Tiên hôm 27-11 chỉ trích Mỹ đang gây cản trở cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân bằng những "điều kiện phi lý", và tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường răn đe hạt nhân. Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp trả lại ý kiến trước đó của đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Glyn Davies, cảnh báo Washington sẽ gia tăng trừng phạt với Bình Nhưỡng nếu nước này không chứng tỏ thực tâm muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Phát ngôn viên của Triều Tiên cho rằng, những lời lẽ trên đi ngược với nỗ lực kêu gọi nối lại cuộc đàm phán 6 bên của Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã bị trì hoãn từ năm 2008.

4. Sau 5 ngày đàm phán cực kỳ khó khăn tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), ngày 24-11, I-ran và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận bước đầu mang tính bước ngoặt lịch sử về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran để đổi lấy việc Mỹ và các nước phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc gia Hồi giáo này.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại cuộc họp báo sau vòng đàm phán đầy triển vọng giữa Iran và P5+1. Ảnh: news.cn

Theo thỏa thuận, Iran cam kết không làm giàu uranium ở mức 5% trong vòng 6 tháng, tháo dỡ những phương tiện kết nối kỹ thuật làm giàu uranium, vô hiệu hóa kho dự trữ uranium với tỷ lệ gần 20%. I-ran cũng sẽ không cài đặt thêm máy ly tâm làm giàu uranium, ngừng chạy thử lò phản ứng mới. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt với I-ran được nới lỏng. I-ran sẽ được tiếp cận số tiền 4,2 tỷ USD đang bị phong tỏa do các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Tehran.

5. Ngày 26-11, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về "quyền riêng tư" do Đức và Brazil đệ trình. Mỹ và các đồng minh chủ chốt như Anh, Australia, Canada và New Zealand đều bỏ phiếu nhất trí thông qua nghị quyết này. Theo Nghị quyết, việc các chính phủ, các công ty giám sát và chặn thông tin để thu thập dữ liệu "có thể vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền." Nghị quyết nêu rõ Ủy ban Nhân quyền Đại hội đồng Liên hợp quốc "hết sức quan ngại về những ảnh hưởng tiêu cực" mà chương trình do thám và chặn thông tin có thể gây ra đối với các quyền của con người.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com