Thế giới tuần qua: "Rạn nứt" lòng tin

08:11, 02/11/2013

Bê bối nghe lén của các cơ quan tình báo Mỹ; Nga tập trận tên lửa lớn; Tình hình Trung-Nhật “nóng bất thường”… là những tin tức thu hút sự quan của dư luận quốc tế trong tuần qua.

1. Thông tin các cơ quan tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của các cơ quan chính phủ, nguyên thủ các quốc gia và các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có cả những đồng minh “thân thiết”, đã và đang gây ra "cơn bão ngoại giao" trong quan hệ giữa Mỹ với các nước.

Quan hệ Mỹ - Đức đang trong thời kỳ căng thẳng bởi Mỹ bị tố nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Getty
Quan hệ Mỹ - Đức đang trong thời kỳ căng thẳng bởi Mỹ bị tố nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Getty

Phản ứng trước việc này, Liên minh châu Âu đã nhất trí thành lập "một mặt trận chung" nhằm chống lại chương trình do thám của Mỹ. Tại trụ sở LHQ, Đức và Brazil đang phối hợp để đưa ra Đại hội đồng LHQ một dự thảo nghị quyết nêu rõ sự bất bình của cộng đồng quốc tế.

Trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt tình hình, ngày 31-10, Nhà Trắng thông báo đã ngừng việc theo dõi các cơ quan tài chính của thế giới có trụ sở tại Washington, và trước đó là đối với trụ sở LHQ ở New York.

Nhiều nhà phân tích nhận định, lòng tin là chỉ số quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế. Chỉ số lòng tin bị ảnh hưởng có thể gây ra những rạn nứt nghiêm trọng.

2. Với màn trình diễn ngoạn mục tháo gỡ “ngòi nổ” Syria, Tổng thống Nga V. Putin đã “qua mặt” Tổng thống Mỹ B. Obama để trở thành nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2013 do Tạp chí danh tiếng của Mỹ Forbes bình chọn.

Tổng thống Nga V. Putin là người quyền lực nhất thế giới. Ảnh: AP

Ông Obama tụt xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng, tiếp sau đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Đức Giáo hoàng Francis. Thủ tướng Đức Angela Merkel xếp ở vị trí thứ 5 và tiếp tục là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Forbes khẳng định, Tổng thống V. Putin đã củng cố được quyền lực ở nước Nga và cả trên sân khấu chính trị thế giới. Nếu không có giải pháp thông minh của Nga - buộc Syria phải tiêu huỷ vũ khí hoá học, đổi lại Mỹ và các nước đồng minh ngừng tấn công nước này - thì rất có thể một cuộc chiến khốc liệt sẽ lan rộng toàn khu vực Trung Đông.

3. Ngày 31-10, các thanh sát viên quốc tế cho biết toàn bộ các kho vũ khí hạt nhân mà Syria báo cáo đã được niêm phong cẩn thận.

Chuyên gia của OPCW tiến hành tiêu hủy thiết bị sản xuất vũ khí hóa học ở Syria. Ảnh: AFP

Trước đó, các chuyên gia đã tiêu hủy toàn bộ thiết bị sản xuất, đồng thời tiến hành niêm phong tổng số 1.000 tấn nguyên liệu hóa học (có thể sử dụng để sản xuất vũ khí) và 290 tấn vũ khí hóa học.

Hội đồng điều hành Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) sẽ họp vào ngày 5-11 tới để quyết định lộ trình phá hủy các vũ khí hóa học và hóa chất trên.

Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, các kho vũ khí hóa học của Syria phải được tiêu hủy toàn bộ vào giữa năm 2014.

4. Cuộc "khẩu chiến" về tranh chấp trên biển Hoa Đông đang đẩy hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Trung Quốc vào "vùng xám" của quan hệ song phương.

Bản đồ cho thấy vị trí quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ảnh: lj.libraryjournal.com

Trong khi Bắc Kinh bảo vệ các hoạt động tuần tra bình thường tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư (Senkaku), thì Tokyo lại coi đây là hành động vi phạm lãnh hải Nhật Bản.

Trước đó, Nhật Bản cũng phản ứng gay gắt khi 4 máy bay quân sự Trung Quốc ngày 25-10 xuất hiện trên vùng trời giữa đảo Okinawa và Miyako hướng về phía Thái Bình Dương.

Quan hệ đôi bên càng trở nên căng thẳng kể từ khi Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc Điếu Ngư (Senkaku) hồi tháng 9-2012.

5. 4 chiếc phi cơ chở khách nội địa của Trung Quốc hôm 31-10 buộc phải hoãn bay hoặc hạ cánh khẩn cấp, sau khi nhận được điện thoại đe dọa đánh bom từ cùng một người.

An ninh đã được thắt chặt sau vụ tấn công ở quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: Reuters

Vụ việc này xảy ra chỉ vài ngày sau vụ tấn công khủng bố tại Bắc Kinh ngày 28-10 làm 5 người chết và 38 người bị thương trước quảng trường Thiên An Môn. Ngoài 3 nghi phạm đã tử vong, 5 nghi phạm khác (đều đến từ khu tự trị Tân Cương) đã bị bắt ngay sau đó.

Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo những vụ việc trên đánh dấu sự thay đổi trong hoạt động của các phần tử vũ trang chống đối.

Giới phân tích cũng cho rằng vụ tấn công đã làm "bẽ mặt" giới cảnh sát và tình báo Trung Quốc, cho thấy một thực tế rằng lực lượng đông đảo này chưa đủ sức ngăn chặn mọi mối đe dọa về an ninh.

6. Chỉ 2 ngày sau khi lễ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và NATO xây dựng tại căn cứ Deveselu phía Nam Rumani, Nga đã tiến hành cuộc tập trận bất ngờ lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại đối với bộ ba hạt nhân chiến lược trong hệ thống phòng thủ của mình, gồm Binh chủng Phòng không-Vũ trụ và các đơn vị tên lửa của Lục quân.

Ảnh minh họa. Nguồn: blogspot

Cuộc tập trận của các lực lượng hạt nhân Nga diễn ra hôm 30-10, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Nga V. Putin. Tất cả đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt hàng chục mục tiêu.

Mặc dù mục đích thực sự của cuộc tập trận không được công bố nhưng có thể dễ thấy động thái trên của phương Tây đang làm cho Nga quan ngại và buộc Moscow phải có hành động đáp trả.

7. Iraq vẫn không thể có một ngày bình yên. Chỉ trong ngày 31-10 (giờ địa phương), 24 người thiệt mạng và 87 người khác bị thương trong các vụ bạo lực trên khắp Iraq.

Hiện trường một vụ đánh bom ở Iraq. Ảnh: PressTV

Theo Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Iraq, từ tháng 1 đến tháng 9-2013, gần 6.000 người thiệt mạng và 14.000 người khác bị thương trong các vụ bạo lực liên quan đến tấn công liều chết và khủng bố.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com