Thế giới tuần qua: Ông Y. Arafat có thể đã chết bởi một âm mưu đầu độc; Khẩu chiến vì nghe lén; Tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria thuận lợi

07:11, 09/11/2013

Có thêm nhiều tình tiết mới liên quan tới chương trình nghe lén của Mỹ, như việc Mỹ trả tiền cho các nhà mạng để có thông tin. Về vấn đề này, trong khi Mỹ thừa nhận đã “đi quá xa”, thì nước Anh và một loạt nước châu Âu bắt đầu cuộc “khẩu chiến” vì các cơ quan tình báo tổ chức theo dõi nhau. Kết quả phân tích mới nhất của các nhà khoa học chứng minh có thể cố lãnh đạo Palestine Y. Arafat đã chết bởi một âm mưu đầu độc… là thông tin được quan tâm trong tuần qua.

1. Đã có kết luận cuối cùng của chuyên gia Thụy Sĩ về cái chết của cố lãnh đạo Palestine Y. Arafat. Các nhà khoa học Thụy Sĩ đã tái khẳng định giả thuyết cho rằng cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat nhiều khả năng tử vong do bị đầu độc bằng chất đồng vị phóng xạ polonium-210. Kênh truyền hình Al-Jazeera ngày 6-11 dẫn báo cáo điều tra của các nhà khoa học Thụy Sĩ cho biết họ đã phát hiện hàm lượng polonium cao gấp ít nhất 18 lần mức bình thường trong mẫu xương và tế bào lấy từ thi hài của ông Arafat. Ngày 7-11, giới chức Palestine đã yêu cầu có một cuộc điều tra quốc tế về vụ việc.

Ông Y.Arafat và vợ trong một lần xuất hiện tại Trung Đông vào năm 2004. Ảnh: capitalfm.co.ke
Ông Y.Arafat và vợ trong một lần xuất hiện tại Trung Đông vào năm 2004. Ảnh: capitalfm.co.ke

Phản ứng về kết quả điều tra của các nhà khoa học Thụy Sĩ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor cho rằng báo cáo trên không thuyết phục.

Ông Yasser Arafat qua đời tại Pháp ngày 11-11-2004, thọ 75 tuổi. Các bác sĩ đã không xác định được rõ nguyên nhân cái chết và cho rằng ông bị đột quỵ. Tháng 11-2012, ba nhóm chuyên gia từ Thụy Sĩ, Pháp và Nga - do chính quyền Palestine chỉ định điều tra theo yêu cầu của bà quả phụ Suha Arafat đã cùng khai quật thi hài của ông Arafat và tiến hành các xét nghiệm, sau khi một báo cáo điều tra phát hiện các vật dụng cá nhân của ông Arafat có dấu vết của chất phóng xạ polonium-210.

2. Tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đang diễn ra thuận lợi. Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 7-11 thông báo các thanh sát viên quốc tế đã kiểm tra 22 trên tổng số 23 địa điểm chứa vũ khí hóa học được Syria khai báo trước đó. Chiến sự đã khiến đoàn thanh sát gặp khó khăn trong việc tiếp cận địa điểm cuối cùng.

Chính quyền Syria đang hợp tác rất tích cực với các thanh sát viên Liên hợp quốc và OPCW nhằm tiêu hủy 1.290 tấn vũ khí hóa học của nước này, dự kiến sẽ hoàn thành trước giữa năm 2014. Theo nhật báo Kommersant của Nga, vũ khí hóa học từ Syria có thể sẽ được đưa sang Albani tiêu hủy.  

Nhiều người dân bày tỏ ủng hộ quân đội Chính phủ. Ảnh: cmonitor.com

Liên quan tới Syria, các cuộc đàm phán không chính thức giữa các bên của Syria để kiến tạo một nền hòa bình cho nước này lại không như mong muốn. Hội nghị hòa bình về Syria, hay còn gọi là Hội nghị Geneva 2, dự kiến diễn ra trong tháng 11 này, lại tiếp tục bị trì hoãn. Các bên đã không đạt được nhất trí về thời gian và đại diện tham dự Hội nghị Geneva 2. Chính quyền Syria cũng nhấn mạnh, họ sẽ không tham dự Hội nghị nếu mục đích của sự kiện này là buộc Tổng thống Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực.

Theo thông báo của Liên hợp quốc ngày 5-11, cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua tại Syria, khiến hơn 120.000 người thiệt mạng; 6,5 triệu người Syria đã rời bỏ nhà cửa và 9,3 triệu người (khoảng 40% dân số Syria) cần viện trợ nhân đạo để duy trì cuộc sống. Trong khi đó, bạo lực vẫn chưa giảm xuống, hàng loạt vụ đánh bom xe, nã pháo ở khắp nơi khiến hàng chục người chết và bị thương trong tuần qua. 

3. Cuộc "khẩu chiến" về các hoạt động do thám trên diện rộng đang có thêm những tình tiết mới khi tờ "The Guardian" của Anh số ra ngày 2-11 dẫn các tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ cho biết, các cơ quan tình báo Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng đã hợp tác với Anh tiến hành các chương trình do thám trực tuyến và điện thoại quy mô lớn.

Hoạt động nghe lén đã đi quá xa. Ảnh: washingtonpost

Liên quan tới chương trình nghe lén trải rộng gần như khắp toàn cầu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận trong một số trường hợp, hoạt động của Washington đã "đi quá xa". Tổng thống Barack Obama nhận thức rõ điều này và đang xem xét lại toàn diện chương trình do thám. Trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt làn sóng chỉ trích khắp các châu lục, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để giải quyết mối quan ngại về chương trình do thám bí mật tràn lan của nước này.

Tuy nhiên, bất chấp những cam kết hợp tác và kiềm chế, ngày 4-11 một số quan chức Mỹ vẫn lên tiếng bảo vệ chương trình do thám điện tử. Trong một diễn biến liên quan, ngày 5-11, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật Cấp phép tình báo 2014, trong đó bao gồm khoản ngân sách thường niên đối với các hoạt động do thám của Mỹ và các biện pháp nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn sự rò rỉ thông tin mật, tương tự vụ tiết lộ của Edward Snowden mới đây. Giới lãnh đạo Mỹ mới đây cũng tuyên bố không khoan hồng cho cựu điệp viên CIA Snowden. Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho rằng "không có bất kỳ lý do gì để xóa bỏ những cáo trạng đối với Snowden".

Nhiều thông tin tình báo được lấy từ các nhà mạng. Ảnh: AP

Trong một diễn biến mới nhất, tờ "The New York Times" ngày 7-11 đưa tin mỗi năm Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thanh toán biên lai 10 triệu USD cho nhà mạng AT&T để đổi lại dữ liệu về các cuộc điện thoại nhằm phục vụ công tác điều tra chống khủng bố ở nước ngoài. Mặc dù không khẳng định hay phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận này, song người phát ngôn AT&T Mark Siegel cho biết mọi hoạt động của công ty đều phù hợp với luật pháp Mỹ và nước ngoài. Trong khi đó, CIA khẳng định các hoạt động tình báo của mình không vi phạm quyền cá nhân của người Mỹ bởi cơ quan này luôn đảm bảo chỉ mua lại thông tin từ hoạt động tình báo nước ngoài và công tác phản gián theo luật của Mỹ.

4. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 7-11 cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, các cơ quan kiểm tra kỷ luật nước này sơ bộ đã xác minh xử lý 129.000 vụ việc phản ánh liên quan vấn đề tham nhũng, hủ bại, xử lý 108.000 người. Kể từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) hồi tháng 11-2012 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của CCP đã tiến hành điều chỉnh bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực giám sát và lực lượng thụ lý án.

Ông Bạc Hy Lai, một quan chức cấp cao bị đưa ra xét xử. Ảnh CCTV

5. Ngày 7-11, Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc cùng với Đức) đã khởi động cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày tại Geneva (Thụy Sĩ) về chương trình hạt nhân của Tehran. Các cường quốc thuộc Nhóm P5+1 sẽ cân nhắc nới lỏng có giới hạn các biện pháp trừng phạt đối với Iran để đổi lại các bằng chứng rõ ràng cho thấy Tehran có những bước đi nhằm chấm dứt phát triển của chương trình hạt nhân.

Trong khi đó, kênh truyền hình Press TV của Iran ngày 5-11 đưa tin Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano sẽ tới Tehran vào ngày 11-11 tới nhằm thúc đẩy một thỏa thuận thanh sát với Iran.

6. Do sức ép tài chính, Mỹ sẽ giảm quy mô quân đội. Ngày 5-11, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thừa nhận, trong tình hình ngân sách quốc phòng bị cắt giảm mạnh hiện nay, nước Mỹ sẽ giảm quy mô quân đội, vì vậy Mỹ sẽ giảm vai trò của sức mạnh quân sự. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng, quân đội Mỹ cần tiến hành tái cơ cấu theo hướng quân đội tổ chức lại một lực lượng quân sự có quy mô nhỏ hơn, được trang bị vũ khí hiện đại thay vì một lực lượng cồng kềnh với thiết bị vũ khí lạc hậu.

Lính đặc nhiệm Mỹ. Ảnh: navyseal.com

Trong một bước đi đầu tiên, trung tuần tháng Bảy vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thông báo sẽ cắt giảm 20% biên chế của các cơ quan cấp bộ và quân binh chủng với lộ trình kéo dài từ năm 2015 đến năm 2019. Về phần tài chính, Bộ Quốc phòng Mỹ phải cắt giảm khoản ngân sách gần 500 tỷ USD theo lộ trình 10 năm.

7. Bộ Ngoại giao Pháp xác nhận hai nhà báo Claude Verlon và Ghislaine Dupont làm việc cho Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đã bị bắt cóc sau khi họ vừa kết thúc cuộc phỏng vấn tại nhà riêng của một thành viên thuộc tổ chức ly khai có tên là Phong trào Giải phóng Dân tộc Azawad (MNLA). Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã xác nhận hai nhà báo trên đã bị bắn chết tại thị trấn Kidal thuộc miền Bắc Mali.

Hình ảnh 2 nhà báo Pháp trước khi bị giết. Ảnh: lacroix.com

Lực lượng Al-Qaeda ở khu vực Maghreb Hồi giáo (AQMI), ngày 6-11 đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ sát hại 2 nhà báo Pháp nhằm trả đũa việc Pháp gây ra tại Mali.

8. Vào lúc 14h38 giờ địa phương (tức 15h08 giờ Hà nội) chiều 5-11, tàu vũ trụ không người lái mang tên "Mars Orbiter" hay còn gọi là “Mangalyaan” đã được ấn nút phóng lên Sao Hỏa từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, thuộc bang Andhra Pradesh, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành khoa học không gian Ấn Độ. Dự kiến, con tàu nặng 1,3 tấn này sẽ lên tới quỹ đạo Sao Hỏa vào ngày 24-9-2014. Cho đến nay, chỉ có Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu thành công trong việc đưa tàu thăm dò lên Sao Hỏa và Mỹ là nước duy nhất đưa tàu thăm dò đáp xuống bề mặt Sao Hỏa.

Các kỹ sư Ấn Độ hoàn tất lắp đặt Mangalyaan. Ảnh Reutes

9. Ngày 4-11, Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết do Nhật Bản dẫn đầu kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân. Động thái này đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc tranh cãi kéo dài 20 năm về việc thông qua một nghị quyết như vậy. Với 164 phiếu thuận, 14 phiếu trắng và 1 phiếu chống, nghị quyết này kêu gọi tiến tới "một thế giới không vũ khí hạt nhân" và tái khẳng định "vai trò quan trọng của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân".

10. Tổ chức hợp tác Bắc Đại Tây dương (NATO) ngày 2-11 đã bắt đầu cuộc tập trận chiến lược lớn nhất trong 10 năm qua mang tên Steadfast Jazz và kéo dài đến ngày 9-11 tới. Cuộc tập trận do Trung tâm tác chiến thống nhất NATO chỉ huy. Cuộc tập trận diễn ra trên lãnh thổ Ba Lan và ba nước Baltic gồm Estonia, Litva và Latvia, với sự tham gia của gần 6.000 binh sĩ thuộc các đơn vị lục quân, hải quân và không quân từ 25 quốc gia, chủ yếu là thành viên NATO và các nước đối tác như Phần Lan, Thụy Điển và Ukraine. Các đại diện Nga đã được mời tới quan sát cuộc tập trận này.

Đổ bộ vào mục tiêu. Ảnh: polska.com

Vũ khí được huy động cho cuộc tập trận gồm các phương tiện chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống tăng- thiết giáp, chiến tranh điện tử và tình báo, 40 máy bay và máy bay lên thẳng gồm F-16, Mig-29, Su-22, Mi-8, 2 tàu ngầm, các tàu chiến và tàu chống mìn. Cuộc tập trận nhằm mục đích kiểm tra khả năng chỉ huy và kiểm soát cũng như hành động phối hợp của Lực lượng phản ứng nhanh của NATO nhằm đối phó các cuộc khủng hoảng quân sự và chống trả mọi cuộc tấn công từ bên ngoài. Cuộc tập trận góp phần hoàn thiện khả năng triển khai Lực lượng phản ứng nhanh của NATO tại mọi nơi để loại trừ mọi nguy cơ có thể xuất hiện.

Tuy nhiên, giới chức Nga cho rằng cuộc tập trận gần với đường biên giới phía Tây của họ trong bối cảnh dấy lên những quan ngại trước sự mở rộng của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh sẽ dẫn tới việc liên minh này phô diễn sức mạnh ở sân sau của Moskva.

Thực khách Nhật phải trả tiền oan vì trò dán sai nhãn cuả nhà hàng. Ảnh: japandailypress.com

11. Lại có một vụ bê bối dán nhãn thực phẩm tại Nhật Bản. Nhiều công ty tại Nhật Bản, chủ yếu là chuỗi cửa hàng hạng sang đã thừa nhận dán nhãn mác giả lên thực phẩm. Lời thú nhận của một số công ty đưa ra sau lời thú tội của một vài chuỗi khách sạn tại nước này hôm 5-11. Ngày 6-11, Tập đoàn Isetan Mitsukoshi Holdings Ltd cho biết 14 nhà hàng trong các cửa hàng bách hóa của tập đoàn này trên toàn quốc đã phục vụ món ăn bằng những nguyên liệu không giống như ghi trên thực đơn. Việc dán nhãn giả và dán nhãn sai nguồn gốc đối với 52 món ăn nhằm mục đích để đội giá thành lên cao hơn. Người tiêu dùng Nhật Bản đang rất bức xúc vì họ đã bỏ tiền để tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao hay sử dụng nguyên liệu đắt đỏ, nhưng hóa ra đó chỉ là hàng “bình dân”.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com