Thế giới tuần qua: Bất ổn tiềm ẩn

07:11, 23/11/2013

Đánh bom kép gần Đại sứ quán Iran tại Li-băng; Tương lai chủ quyền lãnh thổ Afghanistan; Mỹ và châu Âu xoa dịu bất đồng vì bê bối nghe lén… là những tin tức thu hút sự quan tâm của độc giả toàn cầu.

1. Sáng 19-11, hai vụ nổ lớn liên tiếp gần Đại sứ quán Iran ở thủ đô Beirut của Li-băng đã khiến ít nhất 23 người chết, 150 người bị thương.

Vụ nổ đầu tiên được thực hiện bởi một kẻ đánh bom tự sát đi xe gắn máy và vụ nổ thứ hai xuất phát từ một chiếc xe hơi cài bom. Nhóm Hồi giáo Abdullah Azzam - một nhóm chiến binh thuộc al-Qaeda - đã nhận trách nhiệm về vụ việc trên.

Hiện trường vụ nổ gần Đại sứ quán Iran ở Beirut. Ảnh: Reuters

Hiện trường vụ nổ gần Đại sứ quán IranBeirut. Ảnh: Reuters

Các vụ tấn công trên được cho là có liên quan đến cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm qua tại quốc gia láng giềng Syria, nơi các tay súng Hezbollah dòng Hồi giáo Shia và được Iran hậu thuẫn, đang sát cánh với quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad chống lực lượng nổi dậy, chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni.

Theo cảnh báo của nhiều nhà phân tích, đây có thể là sự mở đầu của một giai đoạn bất ổn mới tại Li-băng.

2. Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã ra lệnh toàn quốc treo cờ rủ trong ngày 22-11 để tưởng niệm tròn 50 năm ngày diễn ra vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.

Hình ảnh Kennedy (trái) chỉ vài phút trước khi bị bắn chết. Ảnh: Dallas Morning News

Trước đó, ông Obama cùng gia đình cựu tổng thống Bill Clinton đã đến đặt vòng hoa tại mộ của Kenedy tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington để tưởng nhớ vị lãnh đạo quá cố.

John F. Kennedy bị bắn chết khi đang đi trên một chiếc xe mui trần trong đoàn diễu hành tại thành phố Dallas, Texas hôm 22-11-1963. Vụ ám sát đã tạo nên một cú sốc đối với toàn thể nhân loại trên thế giới.

Cho đến nay, vụ ám sát Kenedy vẫn là chủ đề của cuộc tranh luận đầy sôi nổi với nhiều giả thuyết và kịch bản khác nhau.

 3. Ngày 21-11, Hội đồng Trưởng lão Afghanistan (Loya Jirga) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 4 ngày tại thủ đô Kabul nhằm thảo luận về Hiệp định An ninh song phương (BSA) liên quan tới sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại quốc gia Nam Á này sau năm 2014.

Quang cảnh nơi diễn ra hội nghị Loya Jirga ở Kabul. Ảnh: AFP

Đây được xem là quyết định khó khăn đối với Afghanistan khi đứng trước ngưỡng cửa một bên là sự bảo trợ của Mỹ và một bên là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, đồng thời là thử thách đối với chính quyền Tổng thống Hamid Karzai bởi nếu đôi bên đi đến một thỏa thuận thì rất có thể phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ phía người dân, vốn luôn mong muốn làm chủ trên mảnh đất của chính mình.

Trước đó, Mỹ và Afghanistan đã nhất trí về nội dung cuối cùng của Hiệp định BSA, trong đó, Mỹ đề nghị duy trì khoảng từ 10.000 lính tại Afghanistan sau lộ trình rút quân cuối năm 2014.

4. Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang bị phủ bóng đen bởi vụ bê bối nghe lén, cuộc họp giữa Ủy ban châu Âu (EC) và giới tư pháp Mỹ đã nhất trí về một thỏa thuận toàn diện trong việc bảo mật dữ liệu của người dùng internet.

Một người biểu tình ở Berlin giơ tấm áp-phích yêu cầu Chính phủ Đức cấp quy chế tị nạn chính trị cho Edward Snowden. Ảnh: Reuters

Kể từ khi cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ thông tin về việc các cơ quan tình báo Mỹ đã giám sát và nghe lén 35 nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới, kể cả các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu trong nhiều năm liền, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã trải qua những ngày căng thẳng.

Mặt khác, lo ngại bị do thám, các chính trị gia Đức đã chuyển sang dùng điện thoại di động được bảo mật sau thông tin điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel bị tình báo Mỹ nghe lén và việc các đại sứ quán Mỹ và Anh ở Berlin được cho đã cài đặt các thiết bị nghe lén trên nóc nhà

5. Đã hai tuần trôi qua kể từ khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền Trung Philippines hôm 8-11, gây thiệt hại nặng nề về người và của, các nỗ lực cứu trợ và khắc phục hậu quả vẫn đang được gấp rút tiến hành.

Rất nhiều nhà dân Philippines phải sống trong những lều tạm. Ảnh: Reuters

Tính đến nay, siêu bão Haiyan đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.400 người, làm ảnh hưởng đến 3,9 triệu người và phá hủy nặng nề nền kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng của nước này.

Mặc dù các quốc gia trên thế giới đã có những hành động thiết thực ủng hộ và trợ giúp người dân Philippines nhưng công tác vận chuyển hàng cứu trợ tới những vùng bị ảnh hưởng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

6. Ukraine đã bất ngờ từ bỏ liên minh mới với các nước láng giềng phía Tây khi đình chỉ thỏa thuận thương mại sắp ký kết với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tuyên bố, thay vào đó sẽ khôi phục đàm phán về một thỏa thuận với Nga. 

 
 Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov. Ảnh: Reuters

Cuộc xoay trục bất ngờ theo hướng đông của Ukraine được xem là một chiến thắng của Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Trong khi đó, giới chức EU và Mỹ đều tỏ ra thất vọng với quyết định xoay chiều của Kiev.

7. Ít nhất 32 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương tại thủ đô Tripoli của Lybia sau khi cuộc biểu tình đòi các nhóm vũ trang từng hỗ trợ lật đổ cố lãnh đạo Muammar Gaddadfi rời thủ đô nước này biến thành bạo lực.

Những người biểu tình tập trung tại khu vực phía Nam thủ đô Tripoli ngày 15-11. Ảnh: AFP

Kể từ làn sóng biểu tình lật đổ nhà lãnh đạo Gaddadfi, các nhóm vũ trang vẫn được duy trì tại Lybia và hiện nay đang là lực lượng đầy quyền lực tại quốc gia Bắc Phi này.

Thời gian qua, người dân ở Tripoli thường xuyên tổ chức biểu tình phản đối việc các nhóm vũ trang từ chối yêu cầu hạ vũ khí hoặc tham gia lực lượng an ninh quốc gia của chính phủ.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com