Thế giới đổ dồn chú ý vào kế hoạch cải tổ kinh tế của Trung Quốc

08:11, 12/11/2013

Từ ngày 9 đến ngày 12-11, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành Hội nghị Trung ương III tại Bắc Kinh với nội dung trọng tâm là bàn thảo cải tổ sâu sắc và toàn diện lớn “chưa từng có”, bao gồm cả cải cách kinh tế và chuyển đổi các chức năng Chính phủ.

Kỳ vọng tạo động lực cho kinh tế thế giới

Giới quan sát cả trong và ngoài nước đều đổ dồn sự chú ý vào hội nghị trên nhằm biết được Trung Quốc sẽ tung ra những cải tổ thực sự nào và thực hiện được trong bao lâu. “Sự chú ý của thế giới đang hướng tới vào cái mà Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây gọi là “kế hoạch cải tổ toàn diện” - Tạp chí Phố Wall (Mỹ) bình luận. Còn Hãng tin Reuters (Mỹ) nhận định rằng Hội nghị Trung ương III của Trung Quốc là “cực điểm của một quy trình thảo luận kỹ lưỡng các cải cách, vốn đã được lập kế hoạch một cách cẩn thận”. Reuters khẳng định sau các hội nghị Trung ương tương tự trước đó, Trung Quốc thường đưa ra những cải cách kinh tế và phát triển công nghiệp quan trọng.

Báo New York Times (Mỹ) cho rằng Hội nghị Trung ương III sẽ “đưa nền kinh tế Trung Quốc theo hướng phát triển mới, tích cực, lâu dài và khiến nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU) phải phụ thuộc vào”. Trên thực tế, vào thời điểm toàn cầu suy thoái như hiện nay, Mỹ và EU - vốn đang hồi phục yếu ớt - đều kỳ vọng Trung Quốc có thể ''thổi bùng'' động lực vào nền kinh tế thế giới, trong khi một nền kinh tế Trung Quốc mạnh mẽ cũng giúp giảm áp lực lên các nền kinh tế châu Á khác.

Thế giới kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc.  Ảnh: Internet
Thế giới kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc.
Ảnh: Internet

Ông Han Jae-jin - nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Han Jae-jin (Hàn Quốc) - cho rằng những cải cách chức năng chính phủ - một trong những chủ đề trọng tâm mà Trung Quốc tập trung bàn thảo tại Hội nghị Trung ương III - cũng sẽ gửi tín hiệu tích cực tới thế giới. Việc cải tổ này được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc và đẩy mạnh lợi thế kinh tế của các nước láng giềng Trung Quốc, thậm chí cả thế giới. Ông Doris Fischer - Giáo sư thuộc ĐH Warzburg, Đức - cũng hy vọng sau hội nghị trên, Trung Quốc sẽ tạo thêm không gian phát triển cho lĩnh vực kinh tế tư nhân và chú trọng hơn tới lĩnh vực sáng tạo.

Kinh tế nội địa vẫn bộn bề

Dù được thế giới kỳ vọng, song thực chất kinh tế nội địa Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo Hãng tin Bloomberg (Mỹ), hệ lụy tăng trưởng tín dụng nóng trước đây, nợ địa phương cao và xuất khẩu yếu vẫn có thể khiến đà phục hồi của Trung Quốc chững lại. Tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã lên tới 207% khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục vượt tăng trưởng kinh tế, Mike Werner - nhà phân tích tại Sanford C.Bernstein Hồng Kông - cho biết. Việc này càng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về tình trạng nợ xấu trong ngân hàng. 5 nhà băng lớn nhất nước này hiện đã phải gánh thêm 22,4 tỉ NDT nợ xấu trong nửa đầu năm, nâng tổng nợ xấu lên 350 tỉ NDT, tương đương 1% các khoản vay.

Xuất khẩu Trung Quốc cũng giảm 0,3% trong tháng 9, một phần do nhu cầu tại các nước Đông Nam Á suy giảm. Hai tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhận định xuất khẩu giảm là một rủi ro với kinh tế Trung Quốc.

Giới phân tích cũng nhận định sự trỗi dậy gần đây của Trung Quốc sẽ không thể kéo dài. Do nước này còn phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính cấu trúc lớn, như lợi nhuận đầu tư và lực lượng lao động giảm sút, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng. Theo khảo sát của Bloomberg, GDP nước này có thể chỉ tăng 7,6% năm nay. Tốc độ này chậm hơn năm 2012 và là thấp nhất kể từ năm 1990. Thậm chí, sang năm 2014, tăng trưởng có thể chỉ còn 7,4%./.

Theo: laodong.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com