"Sát thủ lá chắn tên lửa" và chiến lược răn đe hạt nhân của Nga

08:11, 06/11/2013

Dự kiến vào tháng 12 năm nay, Nga sẽ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 mang mật danh Rubezh thế hệ thứ hai được Nga tự hào gọi là “sát thủ của các lá chắn tên lửa”.

“Sát thủ” gây tranh cãi

Mặc dù cho đến nay, các thông tin về thiết kế của tên lửa RS-26 là tuyệt mật, nhưng một số tiết lộ ban đầu trên tờ Vedomosti (Nga) cho biết, RS-26 được trang bị đầu đạn tân tiến nhất, hoàn toàn mới và có khả năng tự phân tách (MIRV). Nó có thể mang theo nhiều đầu đạn có tốc độ siêu cao và cơ động. Tên lửa RS-26 sẽ được trang bị công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dẫn đường đa phương thức, chủ động giúp tăng mức độ tấn công chính xác mục tiêu và độ bảo mật tốt hơn. RS-26 sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn và hệ điều khiển quán tính truyền thống. RS-26 đạt trọng lượng phóng khoảng 60 tấn và tầm bắn tối thiểu 2.000km, tối đa khoảng 6.000km. Tính đến nay, ít nhất Nga đã 4 lần phóng thử thành công loại tên lửa đạn đạo này. Ngoài lần thử nghiệm tháng 12 năm nay, Nga còn dự tính sẽ có thêm một số lần thử nghiệm nữa đối với RS-26. Hồi tháng 6-2013, Phó Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Rô-gô-din gọi RS-26 là “kẻ hủy diệt hệ thống phòng thủ tên lửa” sau khi thử nghiệm thành công RS-26 với đầu đạn “giả”. Ông nhấn mạnh, RS-26 chính là sát thủ đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa, bất kể ở thời điểm hiện tại hay tương lai, sẽ không có loại tên lửa nào đánh chặn được. Sau khi đầu đạn của RS-26 được tách ra khỏi tầng cuối cùng của tên lửa, quỹ đạo bay với vận tốc siêu cao của nó sẽ trở nên không thể xác định được.

Sau khi được thử nghiệm thành công, Nga dự kiến sẽ bổ sung RS-26 vào nhóm chiến đấu đặc biệt của Binh chủng Tên lửa chiến lược Nga gồm bộ ba chiến lược: Tên lửa Yars, Topol-M và RS-26. Ngoài ra, RS-26 sẽ tăng cường đáng kể cho kho vũ khí ngày càng lớn mạnh của Nga, trong đó đáng kể có các tên lửa nhiên liệu rắn như SS-27, SS-29 và tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm Bulava.

Ngoài việc phát triển và chế tạo RS-26, Nga còn có kế hoạch phát triển một loại tên lửa liên lục địa phóng từ hầm ngầm dưới mặt đất. Nga cũng tuyên bố sẽ tái phát triển một số loại tên lửa liên lục địa từng được triển khai trong thời kỳ Xô-viết và sau này đã bị phá hủy.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cáo buộc Nga phát triển RS-26 đã vi phạm Hiệp ước thủ tiêu tên lửa hạt nhân tầm trung mà Nga ký với Mỹ năm 1987 (INF). Hiệp ước quy định, Nga và Mỹ không sở hữu các loại tên lửa có tầm bắn từ 500km đến 5.500km. Tuy nhiên, Nga phủ nhận cáo buộc với lý do RS-26 có tầm bắn còn vượt ngưỡng 5.500km quy định trong INF.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Ảnh: Internet
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Ảnh: Internet

Ngoài ra RS-26 cũng đang gây tranh cãi khi xét theo điều khoản của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) ký kết năm 2010, quy định Nga và Mỹ phải cắt giảm số lượng vũ khí tiến công chiến lược.

Đáp trả “phi đối xứng”

Không ngạc nhiên khi việc Nga phát triển RS-26 lại gây ra những tranh cãi như vậy. Với Nga, việc phát triển các vũ khí hạt nhân chiến lược như RS-26, được cho là sự đáp trả mạnh mẽ đối với kế hoạch lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO ở châu Âu, mà Nga vẫn lo ngại sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và đe dọa tới lực lượng hạt nhân chiến lược của mình. RS-26 được các quan chức Mỹ cho là có khả năng đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO ở châu Âu. Ngay các giới chức Nga cũng không ngại tuyên bố, RS-26 được chế tạo là để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Hơn nữa, Binh chủng Tên lửa hạt nhân chiến lược, với bộ ba chiến lược mà RS-26 sẽ là một thành viên tương lai, là một lực lượng đang giữ vai trò hàng đầu trong “Bộ ba răn đe hạt nhân” của Nga, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, tăng cường khả năng đánh đòn răn đe và trả đũa hạt nhân khi cần thiết. Quốc hội Nga đã không phê chuẩn Hiệp ước về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược 2 ký ngày 1-1-1993 với Mỹ. Vì mục đích của Mỹ là nhằm ép Nga cắt giảm các tên lửa hạng nặng có các đầu đạn tự tách (như RS-26).

Ngoài ra, trước những cảnh báo về xu hướng chiến tranh hiện đại trong tương lai là sử dụng công nghệ cao, việc tìm tới một biện pháp đáp trả “phi đối xứng” đang được các nước trên thế giới rất quan tâm.

Phần lớn các chuyên gia quân sự Nga đều cho rằng, ưu tiên hàng đầu phải dành cho bộ đội tên lửa chiến lược vì lực lượng này chính là biện pháp đối phó “phi đối xứng”. Nhà nghiên cứu quân sự, cựu Tham mưu trưởng Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga Vích-to E-xin khẳng định: “Đây chính là phương pháp ít tốn kém nhất và đây là sự đáp trả phi đối xứng hiệu quả nhất cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của người Mỹ”.

Tiếp tục hoàn thiện lực lượng răn đe hạt nhân đã trở thành một mục tiêu ưu tiên trong Sắc lệnh của Tổng thống Nga ngày 7-5-2012 về các kế hoạch xây dựng và phát triển LLVT Nga và hiện đại hóa các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga. Tổng Tham mưu trưởng các LLVT Nga Va-le-ri Ghê-ra-xi-mốp cho biết, ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng quân đội Nga từ nay đến năm 2020 là phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược.

Giới phân tích cho rằng, những tin tức về việc Nga phát triển và thử nghiệm tên lửa RS-26 một lần nữa đang làm nóng lên vấn đề phòng thủ tên lửa và không loại trừ khả năng, có thể bắt đầu một chặng mới của cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc tên lửa trên thế giới./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com