Phép thử lòng tin

09:11, 26/11/2013

Ngày 24-11, I-ran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran để đổi lấy việc Mỹ và các nước phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc gia Hồi giáo. Tuy mới là thỏa thuận ban đầu nhưng đây được cho là một thỏa thuận quan trọng mang tính bước ngoặt lịch sử. Lần đầu tiên sau gần một thập kỷ với rất nhiều nỗ lực, cộng đồng quốc tế mới đạt được một thỏa thuận, mở đường tiến tới giải quyết những tranh cãi dai dẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran.

Theo thỏa thuận, I-ran sẽ ngừng làm giàu u-ra-ni trên mức 5% trong vòng 6 tháng để đổi lại việc Mỹ và các nước phương Tây nới lỏng những biện pháp trừng phạt, chủ yếu là dỡ bỏ lệnh phong tỏa các tài khoản của I-ran ở nước ngoài. I-ran chấp nhận để Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát chặt chẽ các vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân. Trong thời gian 6 tháng này, I-ran cũng sẽ ngừng xây dựng lò phản ứng tại A-rắc, một trong những điểm bất đồng lớn nhất giữa I-ran với các đối tác đàm phán hạt nhân.

Ngoại trưởng I-ran Mô-ha-mét Gia-ríp và bà Ca-tơ-rin A-stơn, Cao ủy chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), tại cuộc đàm phán chương trình hạt nhân của I-ran tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Ảnh: Internet
Ngoại trưởng I-ran Mô-ha-mét Gia-ríp và bà Ca-tơ-rin A-stơn, Cao ủy chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), tại cuộc đàm phán chương trình hạt nhân của I-ran tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Ảnh: Internet

Đây là kết quả của gần 5 ngày đàm phán cực kỳ khó khăn tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) của I-ran và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc). Nó mở ra hy vọng bởi giúp hai bên vượt qua bất đồng xung quanh lập trường của I-ran muốn bảo vệ đến cùng chương trình hạt nhân mà nước này tuyên bố là vì mục đích hòa bình, trong khi điều phương Tây muốn là Tê-hê-ran phải chấm dứt hoàn toàn các hoạt động làm giàu u-ra-ni và từ bỏ hẳn chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận chưa tháo bỏ hoàn toàn tranh cãi giữa hai bên. Trước hết, thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực trong 6 tháng với những điều khoản mang tính thăm dò và vẫn có thể đảo ngược nếu bị vi phạm. Chưa hết, các lệnh cấm vận sẽ lập tức được nối lại, thậm chí còn khắc nghiệt hơn nếu I-ran không ngừng các hoạt động hạt nhân như thỏa thuận. Như vậy, I-ran đang phải đối mặt với một phép thử lòng tin của Mỹ và phương Tây.

Nguy cơ niềm tin và thỏa thuận bị phá vỡ không thể loại trừ, bởi không phải chưa từng có tiền lệ nếu nhìn lại lịch sử tranh cãi hạt nhân giữa I-ran với Mỹ và phương Tây. Một trong những nguy cơ đáng kể có thể được tạo ra do mâu thuẫn lợi ích chiến lược của các bên tham gia đàm phán hạt nhân. Có thể nói, chấp nhận ký vào thỏa thuận này, một số nước đàm phán đã phải tạm đặt nhẹ các lợi ích và ưu tiên chiến lược của mình ở khu vực. Với Mỹ, thỏa thuận này có thể sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ đồng minh với I-xra-en cũng như A-rập Xê-út, những nước luôn lo ngại trước nguy cơ I-ran trỗi dậy ở khu vực. Với Pháp, việc ký thỏa thuận có thể sẽ làm mất lòng một số quốc gia vùng Vịnh vốn là những đối tác thương mại mà Pháp rất cần tới trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Rõ ràng, cần xem xét đàm phán hạt nhân giữa I-ran với nhóm P5+1 trong tương quan những mối liên hệ ràng buộc ở Trung Đông để thấy rằng đây chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm mâu thuẫn" trong khu vực như tiến trình hòa bình I-xra-en và Pa-le-xtin, các điều chỉnh chính sách cũng như các ưu tiên chiến lược của Mỹ ở khu vực, cũng như động thái của các nước Vùng Vịnh…

Đánh giá trên không phải không có cơ sở khi thực tế cho thấy tiến trình hòa bình giữa I-xra-en và Trung Đông có phần ảnh hưởng đáng kể đến cách tiếp cận về chính sách của Mỹ đối với I-ran. Nhìn vào ưu tiên chính sách của Mỹ ở khu vực, có thể thấy tiến trình hòa bình Trung Đông và vấn đề hạt nhân I-ran luôn là hai mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Oa-sinh-tơn.

Trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông bế tắc, việc các bên đàm phán về vấn đề hạt nhân của I-ran đạt được thỏa thuận là rất đáng hoan nghênh. Nỗ lực này cho thấy thiện chí chính trị thực sự và quyết tâm mạnh mẽ của các bên đàm phán muốn sớm chấm dứt tranh cãi, gây căng thẳng quan hệ và kéo theo nhiều hệ lụy đối với tất cả các bên. Và điều quan trọng là các bên đã cho thấy họ không muốn bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi để giải quyết tranh cãi bằng giải pháp ngoại giao và hòa bình.

Bế tắc đã được khai thông và đang đi vào giải pháp. Dư luận đang hy vọng phép thử lòng tin sẽ thành công, mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa I-ran và các đối tác để tiến tới một thỏa thuận toàn diện cuối cùng, nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi hạt nhân giữa I-ran với Mỹ và phương Tây vốn gây rất nhiều quan ngại./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com