P5+1 và I-ran "tiến gần" tới một thỏa thuận hạt nhân

08:11, 19/11/2013

Ngày 16-11, Hãng tin Roi-tơ dẫn lời Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp khẳng định: P5+1 và I-ran đang tiến gần tới một thỏa thuận hạt nhân sơ bộ và không nên bỏ qua một “cơ hội rất tốt” để đạt được thỏa thuận này. Trước đó một ngày, một quan chức cấp cao của Mỹ cũng cho biết, hai bên có thể đạt được thỏa thuận khi các nhà đàm phán gặp lại nhau từ ngày 20-11 tại Giơ-ne-vơ...

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran Mô-ham-mát Gia-va Gia-ríp và đại diện nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) sẽ nhóm họp lần nữa vào ngày 20-11 để tiếp tục những tiến triển đột phá trong vòng đàm phán trước đó. Cũng tại đây, ông Gia-ríp sẽ gặp Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), bà Ca-thơ-rin A-stơn. Sứ mệnh của họ là tìm được một thỏa thuận tạm thời về vấn đề hạt nhân I-ran, nhằm tạo bước đệm cho phép họ có thêm thời gian thương thảo một thỏa thuận toàn diện và vững chắc để chấm dứt những tranh cãi trong một thập kỷ qua. Nếu đàm phán tiến triển tốt, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri và các đồng cấp châu Âu sẽ có mặt tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) để hoàn tất thỏa thuận.

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU bà C.A-stơn và Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Gia-ríp tại vòng đàm phán ở Giơ-ne-vơ vừa qua. Ảnh: Internet
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU bà C.A-stơn và Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Gia-ríp tại vòng đàm phán ở Giơ-ne-vơ vừa qua. Ảnh: Internet

Dù đặt nhiều hy vọng vào vòng đàm phán sắp tới, nhưng các bên cũng không thể phủ nhận những thách thức vẫn còn đó khi vòng đàm phán ngày 9-11 thất bại vào phút chót. Bộ trưởng Ngoại giao I-ran cho rằng, chính sự chia rẽ trong các nước phương Tây đã khiến cuộc đàm phán trở nên bế tắc. Ông Mô-ham-mát A-li Sa-ba-ni, một nhà phân tích chính trị thân cận với ông Gia-ríp cũng cho hay: “Thực tế, bản dự thảo đưa ra hôm 9-11 là của Mỹ và chính Pháp là nước phản đối nó, không phải I-ran”.

Trong khi đó, trên bình diện công khai, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri từ chối đưa ra lời bình luận hay chỉ trích nhằm vào phía Pháp, chỉ nói rằng: “I-ran và Nhóm P5+1 đã có những bước tiến quan trọng và sẽ tiếp tục gặp lại nhau trong tháng này”. Nhưng giới ngoại giao thì nhìn nhận, thỏa thuận đổ bể vào phút chót là do có tác động của Pháp. Theo các nhà ngoại giao này, sự cản trở của Pháp trước hết bắt nguồn từ sự không hài lòng đối với nội dung dự thảo của hiệp định. Theo quan điểm của Pa-ri, thỏa thuận này dường như “ưu ái” Tê-hê-ran quá nhiều. Nó không yêu cầu I-ran chấm dứt việc xây dựng, hoàn thiện lò phản ứng hạt nhân ở A-rắc, mà chỉ tạm dừng 6 tháng. Pháp nhìn nhận điều này không có nhiều ý nghĩa, vì cuối cùng cơ sở hạt nhân này vẫn đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Lô-ren Pha-bi-út cũng cảm thấy không hài lòng với việc Nhóm P5+1 không ép buộc được I-ran dừng làm giàu urani 20% - giới hạn then chốt cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Pha-bi-út cho rằng: “Pháp kiên định lập trường, chứ không kiên quyết đóng mọi cửa ngõ thương thuyết”.

Quan điểm của Pháp hẳn không phải là điều mà Mỹ, EU, I-ran mong đợi, nhưng cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Bởi từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ đã thuận theo một chính sách ngoại giao cứng rắn, thể hiện qua các bước can dự ở Li-bi, Ma-li, Xy-ri và giờ là I-ran. Một nhà ngoại giao giấu tên nước này bày tỏ: “Trong một thập kỷ qua, quan điểm của Pháp về chương trình hạt nhân của I-ran không mấy thay đổi”. Các nhà phân tích dự báo, thái độ cứng rắn này chắc chắn sẽ đưa đến những thách thức không nhỏ cho các vòng thảo luận tới đây, khi mà các nhà đàm phán của cả Mỹ và I-ran đều cảnh báo rằng, cánh cửa hội đàm cho một giải pháp ngoại giao không phải luôn rộng mở hay kéo dài vô tận, trong bối cảnh hai nước đều chịu sức ép từ bên trong nội bộ.

Trong khi đó, cuộc đàm phán cũng chịu tác động không nhỏ từ phía I-xra-en. Ngay trước khi đàm phán diễn ra, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu đã phát biểu, rằng việc thông qua một thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và Nhóm P5+1 sẽ là "sai lầm lịch sử". Ông cảnh báo, I-xra-en sẽ không bao giờ chấp nhận thỏa thuận này và sẽ làm tất cả để tự bảo vệ mình. Nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái “không chấp thuận một thỏa thuận tồi” đã cho thấy, Pa-ri muốn thể hiện thái độ “nghiêng về phía đồng minh”. Điều này có thể giúp Pháp củng cố mối quan hệ với I-xra-en và tạo đà cho chuyến thăm từ ngày 17 đến 19-11 của Tổng thống Ô-lăng-đơ tới Ten A-víp. Còn đối với Oa-sinh-tơn việc “gật đầu” với thỏa thuận tạm thời với I-ran cũng đồng nghĩa với việc quay mặt với đồng minh I-xra-en. Vì thế, rõ ràng vòng đàm phán sắp tới giữa I-ran và nhóm P5+1 sẽ là phép thử đối với phương Tây. Nó đòi hỏi Pháp và Oa-sinh-tơn phải có một tiếng nói chung cho vấn đề hạt nhân I-ran, Thứ trưởng Ngoại giao I-ran phụ trách vấn đề châu Âu và châu Mỹ, đồng thời là thành viên đoàn đàm phán I-ran, Ma-rít Ra-van-chi cho biết./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com