Ngưỡng cửa đối với chủ quyền lãnh thổ của Áp-ga-ni-xtan

10:11, 22/11/2013

Ngày 21-11, Hội đồng Trưởng lão Áp-ga-ni-xtan (Loya Jirga) gồm 3000 thành viên đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 4 ngày tại thủ đô Ca-bun nhằm thảo luận về Hiệp định An ninh song phương (BSA) liên quan tới sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại quốc gia Nam Á này sau năm 2014. Đây được xem là quyết định khó khăn đối với Áp-ga-ni-xtan khi đứng trước ngưỡng cửa một bên là sự bảo trợ của Mỹ và một bên là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai) cho biết nếu BSA được ký kết, 10.000 - 15.000 binh sĩ nước ngoài sẽ lưu lại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014. Theo ông Ca-dai, lực lượng này ngoài Mỹ sẽ gồm cả binh sĩ từ các nước thành viên khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như "của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc một số quốc gia Hồi giáo khác". Cũng tại hội nghị, Tổng thống Ca-dai cho biết, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã gửi một bức thư đảm bảo rằng, BSA trên hết nhằm phục vụ lợi ích của Ca-bun. Tuy nhiên, Tổng thống Á-ga-ni-xtan cũng thừa nhận ông "không có nhiều lòng tin" đối với Mỹ và Mỹ cũng không "cho thấy sự tin tưởng" đối với ông.

Quang cảnh nơi diễn ra hội nghị Loya Jirga ở Ca-bun (Áp-ga-ni-xtan)
Quang cảnh nơi diễn ra hội nghị Loya Jirga ở Ca-bun (Áp-ga-ni-xtan)

Trước đó, Mỹ và Áp-ga-ni-xtan đã nhất trí về nội dung cuối cùng của Hiệp định BSA. Trong đó, phía Mỹ đề nghị khoảng từ 10.000 đến 13.000 lính Mỹ ở lại Áp-ga-ni-xtan sau lộ trình rút quân cuối năm 2014, được hưởng quyền miễn trừ trước luật pháp nước sở tại. Chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma (B.Obama) cũng yêu cầu cho phép lính Mỹ được quyền tự do tiến hành các chiến dịch quân sự, được quyền khám xét các nhà thờ và nhà dân Áp-ga-ni-xtan. Nếu hiệp định được ký kết, sau năm 2014 quân đội Mỹ sẽ được toàn quyền sử dụng căn cứ không quân Ba-gram ở phía Bắc thủ đô Ca-bun và được quyền sử dụng chung 8 căn cứ khác trên toàn lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan.

Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai cách đây vài ngày từng bác bỏ yêu sách của Mỹ về việc cho phép lính Mỹ lưu lại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 được quyền tự do khám xét các đền thờ và nhà dân trên địa bàn. Ông cho rằng, đề xuất của Mỹ không khác nào việc dọn đường cho các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan trong tương lai. Bên cạnh đó, phía Áp-ga-ni-xtan cũng phản đối đề xuất của Mỹ về việc tự do tiến hành các chiến dịch quân sự trên khắp lãnh thổ nước này. Ngoài những bất đồng về quyền tự do hành động của lính Mỹ, hai bên cũng không đạt được nhất trí về việc trao cho binh sĩ Mỹ quyền miễn trừ trước luật pháp nước sở tại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc thay đổi quyết định của Tổng thống Ca-dai được xem là sự “nhượng bộ” đúng thời điểm khi mà chỉ còn một thời gian ngắn nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, trong đó Quay-um Ca-dai (Qayoum Karzai), anh trai của ông Ha-mít Ca-dai cũng nằm trong danh sách ứng viên tổng thống. Trong bối cảnh chính phủ Áp-ga-ni-xtan đang mất dần sự ủng hộ của các nước phương Tây, việc Mỹ còn hiện diện và có tiếng nói tại quốc gia này có thể giúp Áp-ga-ni-xtan nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây. Ngoài ra, ký hiệp ước an ninh với Mỹ giúp ngăn chặn Áp-ga-ni-xtan rơi vào một cuộc nội chiến nếu quân đội rút quân quá sớm, bảo đảm một quá trình chuyển giao chính trị hòa bình trong năm 2014 thông qua một cuộc bầu cử dân chủ. Đương nhiên, ngoài lợi ích chính trị, quyết định của Tổng thống Ca-dai cũng chịu tác động không nhỏ từ những gói viện trợ không hoàn lại của Mỹ dành cho Áp-ga-ni-xtan. Theo nhà lập pháp Ha-gi Mi-đét Khan Ni-gia-bi (Haji Mirdad Khan Nijrabi), Mỹ đã đề nghị viện trợ cho Áp-ga-ni-xtan 4,1 tỷ USD dành cho việc xây dựng các lực lượng an ninh và 4 tỷ USD khác dành cho các cơ sở dân sự. Nếu hội nghị Loya Jirga quyết định bác bỏ nội dung hiệp định đã thỏa thuận, Áp-ga-ni-xtan có nguy cơ mất tất cả khoản viện trợ này.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận việc đưa ra quyết định này thực sự là một thử thách đối với chính phủ Áp-ga-ni-xtan. Bởi thỏa thuận rất có thể phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ phía người dân Áp-ga-ni-xtan, vốn luôn mong muốn “làm chủ” trên mảnh đất của chính mình. Song, đối với Áp-ga-ni-xtan - một quốc gia đã trải qua 12 năm chiến tranh và luôn phải gồng mình chống chọi lại các cuộc nổi dậy của các nhóm vũ trang cực đoan và lực lượng Ta-li-ban, vì lợi ích chính trị và quốc gia, Tổng thống H.Ca-dai khó có thể trì hoãn quyết định ký kết thỏa thuận này.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com