Miền trung Phi-líp-pin tan hoang sau bão

10:11, 12/11/2013

Ba ngày sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền Trung Phi-líp-pin và phá huỷ mọi thứ trên đường quét qua, sáng 10-11, Tổng thống nước này Ben-ni-nhô A-ki-nô tới Thị trấn Ta-clo-ban trên đảo Lây-tê, nơi bị tàn phá nặng nề nhất, để chỉ đạo công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả bão. Ông A-ki-nô xác nhận, mức độ thiệt hại ở thị trấn “rốn bão” này là cực kỳ lớn, nhưng từ chối đưa ra con số thống kê, bởi hệ thống liên lạc chưa được nối lại và cần thêm thời gian mới có đánh giá chính xác về thiệt hại. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng cứu trợ thiết yếu cho người dân.

Trong khi đó, một quan chức cảnh sát tỉnh Lây-tê ước tính, ít nhất 10 nghìn người trên hòn đảo 1,7 triệu dân này có thể đã chết, chủ yếu do đuối nước và nhà sập. Con số này cao hơn nhiều so ước tính của Hội Chữ thập đỏ Phi-líp-pin đưa ra trước đó là khoảng 1.200 người chết. Ta-clo-ban, thị trấn có hơn 220 nghìn dân, gần như bị san phẳng, với khoảng 90% các công trình và nhà cửa bị phá huỷ hoàn toàn. Hình ảnh trên các phương tiện truyền thông Phi-líp-pin cho thấy, đường phố, sân bay chìm trong biển nước, mạng viễn thông bị cắt đứt, các tuyến giao thông bị cô lập, xác người chết ngổn ngang trên phố, tình trạng thiếu đói dẫn đến nạn cướp phá, mất ổn định về an ninh. Rất nhiều người chưa thể tiếp cận các nguồn cứu trợ.

Sức tàn phá kinh khủng của siêu bão Haiyan tại Thị trấn Ta-clo-ban, tỉnh Lây-tê. Ảnh: Internet
Sức tàn phá kinh khủng của siêu bão Haiyan tại Thị trấn Ta-clo-ban, tỉnh Lây-tê. Ảnh: Internet

Theo giới chức Phi-líp-pin, khoảng 15 nghìn binh sĩ đã được điều động tới các khu vực bị bão tàn phá để tham gia công tác cứu hộ và phân phát lương thực cho người dân. Tuy nhiên, công tác cứu trợ hết sức khó khăn, hiện chỉ các máy bay quân sự có thể tiếp cận. Ngày 10-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phi-líp-pin cũng tới đảo Lây-tê phối hợp chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, với nhiệm vụ ưu tiên là cung cấp lương thực, nước uống và nơi trú ẩn cho những người còn sống; nhanh chóng thiết lập đường liên lạc và cấp điện. Cùng ngày, hai máy bay vận tải quân đội đã tới Ta-clo-ban mang theo hàng cứu trợ. Tuy nhiên, giới chức địa phương ước tính phải mất một tháng nữa mới có thể khôi phục cấp điện tại thị trấn này.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun và lãnh đạo nhiều nước đã gửi lời chia buồn tới người dân Phi-líp-pin. Các cơ quan cứu trợ LHQ đẩy nhanh nỗ lực hỗ trợ chính quyền Phi-líp-pin. Chương trình Lương thực thế giới hỗ trợ hai triệu USD và tiếp tục kêu gọi các nguồn viện trợ khác giúp Phi-líp-pin. Mỹ công bố hỗ trợ ban đầu 100 nghìn USD và điều động binh sĩ và máy bay, thiết bị giúp tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực thiên tai ở miền trung Phi-líp-pin. New Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a cũng viện trợ tổng cộng 490 nghìn USD cho các nạn nhân bão Haiyan…

Siêu bão Haiyan đổ bộ các đảo miền Trung Phi-líp-pin hôm 8-11 được đánh giá có sức tàn phá kinh khủng nhất trong lịch sử thế giới và cũng là thảm hoạ thiên tai nghiêm trọng mới nhất sau bão Bopha tràn vào Phi-líp-pin năm 2012./.

Theo Thời Nay
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com