Lấy lòng I-xra-en, Pháp đưa ra "yêu sách 4 điểm" với I-ran

08:11, 20/11/2013

Ba ngày trước thềm vòng đàm phán mới tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) giữa I-ran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ đã đưa ra 4 yêu sách để đổi lấy việc đạt được thỏa thuận với I-ran, nhằm kiểm soát thành công chương trình hạt nhân của nước này...

Tổng thống P.Ô-lăng-đơ nêu rõ, Pháp ủng hộ một thỏa thuận tạm thời nhưng trên cơ sở 4 điểm, bao gồm: Đặt ngay toàn bộ cơ sở hạt nhân của I-ran dưới sự giám sát của quốc tế; ngừng hoạt động làm giàu tới cấp độ 20%; giảm kho nguyên liệu hạt nhân hiện nay; ngừng xây dựng nhà máy nước nặng A-rắc. Trước đó, cũng trong ngày 17-11, Tổng thống P.Ô-lăng-đơ tuyên bố, Pháp sẽ không chấp nhận việc phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục các đòi hỏi và trừng phạt chừng nào Pa-ri chưa chắc chắn rằng Tê-hê-ran đã quyết định từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tổng thống P.Ô-lăng-đơ (bên trái) và Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu trong cuộc họp báo chung ngày 17-11. Ảnh: Internet
Tổng thống P.Ô-lăng-đơ (bên trái) và Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu trong cuộc họp báo chung ngày 17-11. Ảnh: Internet

Tuyên bố trên được Tổng thống P.Ô-lăng-đơ đưa ra trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông ba ngày, bắt đầu từ ngày 17-11, nhằm đáp lại sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo I-xra-en cũng như cải thiện vị thế, vai trò của Pa-ri ở khu vực này, đặc biệt là xung quanh tiến trình hòa bình Trung Đông và chương trình hạt nhân của I-ran. Trước đó, đích thân Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu và Tổng thống Si-môn Pê-rét đã có mặt tại sân bay để chào đón Tổng thống P.Ô-lăng-đơ. Giới quan sát cho rằng, việc I-xra-en đón tiếp long trọng Tổng thống Pháp là do "hiệu ứng Ke-ri". Ngoại trưởng Mỹ bị chỉ trích ngày càng nhiều tại Giê-ru-xa-lem vì đã có những nhận xét gay gắt về thái độ của I-xra-en tại cuộc đàm phán hòa bình với Pa-le-xtin và nhất là, bất đồng công khai với I-xra-en về chương trình hạt nhân của I-ran. Ngược lại, Tổng thống Pháp được các nhà lãnh đạo I-xra-en cho rằng, luôn có quan điểm cứng rắn và những đòi hỏi cao đối với Tê-hê-ran. Chính vì vậy, I-xra-en hy vọng, đây là cơ hội để Ten A-víp hối thúc Pa-ri duy trì quan điểm khi các bên gặp lại nhau ở Giơ-ne-vơ vào ngày hôm nay (20-11).

Thế nhưng, với ông chủ Điện Ê-li-dê, chuyến công du tới Trung Đông lần này quả là khó khăn. Nếu như cách đây 10 tháng, Tổng thống P.Ô-lăng-đơ có thể nồng nhiệt nói chuyện với Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu về những quan điểm chung liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran, thì nay, mọi chuyện đã khác. Trong nửa đầu năm 2013, đã có hai cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 với phía I-ran được tổ chức, trong đó, cuộc họp mới nhất vừa diễn ra ở Giơ-ne-vơ đầu tháng 11. Kết quả là, các bên nhất trí sẽ gặp lại nhau trong tuần này với những lạc quan cho rằng, một thỏa thuận mới về chương trình hạt nhân của I-ran sẽ ra đời. Tất nhiên, với vai trò đầu tàu EU, Pháp không thể nằm ngoài tiến trình trên.
Thế nên, việc ông P.Ô-lăng-đơ đưa ra yêu sách 4 điểm trên cũng khiến Ten A-víp “nửa mừng, nửa lo”. Mừng vì I-xra-en có thêm đồng minh ủng hộ Ten A-víp trong vấn đề trừng phạt I-ran. Lo vì nghi ngờ Pa-ri và một số quốc gia khác có thể "chơi trò hai mặt”. Ngay cả Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu cũng bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng" trước nỗ lực của các cường quốc, nhằm ký kết một thỏa thuận với I-ran về chương trình hạt nhân. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống P.Ô-lăng-đơ ngày 17-11, ông B.Nê-ta-ni-a-hu cho rằng, thỏa thuận trên, một khi được thông qua, sẽ giảm thiểu những trừng phạt đang áp đặt với I-ran và ảnh hưởng tiêu cực đối với thế giới. Theo Thủ tướng I-xra-en, các biện pháp trừng phạt đó đã phải "mất nhiều năm để thực thi" và giờ bị giảm thiểu trong khi đổi lại, I-ran "hầu như không phải đáp ứng điều kiện gì".

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao, nhà đàm phán cấp cao của I-ran, Áp-bát A-rác-chi cho rằng, vòng đàm phán sẽ không đạt được thỏa thuận nào nếu không có sự bảo đảm các quyền của Nhà nước I-ran đối với chương trình hạt nhân và làm giàu urani./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com