Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5: Khẳng định vai trò then chốt của ASEAN

08:11, 13/11/2013

Khoảng 200 đại biểu từ nhiều quốc gia đã tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng 11-11, tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều ý kiến tập trung đánh giá vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

3 cộng (+), 3 trừ (-)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng, trong 5 năm qua, kể từ hội thảo lần thứ nhất diễn ra vào năm 2009, tình hình Biển Đông và những vấn đề liên quan đến Biển Đông đã có nhiều thay đổi. Về mặt tích cực, nhận thức của cộng đồng khu vực và quốc tế về tầm quan trọng của Biển Đông đã cao hơn trước và cùng với nó, là sự gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Thêm vào đó, vì lợi ích của chính mình, cũng vì lợi ích của cả cộng đồng khu vực và quốc tế, các nước liên quan trực tiếp và gián tiếp tới Biển Đông đều đã điều chỉnh chính sách, có lúc quyết đoán, có lúc táo bạo, nhưng nhìn chung là đều kiềm chế, không để xảy ra xung đột. Ngoài ra, hình thành thêm các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, bắt đầu phát huy tác dụng trong việc kiềm chế xung đột, xử lý các vấn đề nảy sinh; theo đó, thay vì đối đầu, tập quán và văn hóa hợp tác giữa các bên liên quan đã được củng cố thêm một bước.

Theo ông Đặng Đình Quý, mặt không tích cực lớn nhất hiện nay chính là còn một vài bên liên quan đến tranh chấp quan niệm và theo đuổi các lợi ích trước mắt của mình ở Biển Đông, mà chưa tính đến đầy đủ lợi ích lâu dài và rộng lớn hơn của chính mình, lợi ích của các nước trong khu vực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Không những vậy, cách diễn giải và áp dụng luật quốc tế vẫn còn khác nhau, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đối với các vùng biển có chồng lấn, yêu sách ở Biển Đông, đối với quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Tiếp đó, là sự chần chừ, thiếu quyết tâm trong việc xây dựng một cơ chế hợp tác hiệu quả hơn trong quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột trên Biển Đông và hiệu quả hơn trong việc giữ nguyên trạng trong khi hướng tới một giải pháp cơ bản lâu dài cho khu vực này.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Internet
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Internet

“Biển Đông tiếp tục là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã xuất hiện và gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm. Cùng với những mặt chưa tích cực của tình hình, trong 5 năm qua, những xu hướng này sẽ làm cho tình hình Biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang”, ông Đặng Đình Quý nhận định.

Tầm quan trọng của một ASEAN đoàn kết

Những mặt tích cực và chưa tích cực mà Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý chỉ ra được xem vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của một thực tế là 5 năm qua, Biển Đông, mặc dù là khu vực cơ bản có hòa bình, ổn định nhưng luôn tiềm ẩn những căng thẳng, những vấn đề có thể trở thành xung đột nóng nếu thiếu vắng sự quan tâm và các nỗ lực xây dựng của các nước liên quan, của cộng đồng khu vực và thế giới, trong đó không thể bỏ qua vai trò của ASEAN.

Trong thông điệp được Phó Tổng thư ký ASEAN N.Lin chuyển giúp tới hội thảo, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, ASEAN là một chủ thể có vai trò quan trọng, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông, vì ASEAN có 8 nước ven Biển Đông, trong đó có 4 nước yêu sách chủ quyền lãnh thổ tại đây. Nếu không có hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. “Một ASEAN đoàn kết và có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực, thực thi hiệu quả các nguyên tắc được nêu trong Hiến chương ASEAN, như nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế và chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định chung của cả khu vực, sẽ giúp ASEAN có vai trò và đóng góp tích cực cho việc kiểm soát và tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông”, ông Lê Lương Minh nhấn mạnh. Với mục tiêu đó, theo Tổng Thư ký Lê Lương Minh, trong những năm qua, ASEAN đã nỗ lực để tạo ra một khuôn khổ đáng tin cậy, để các bên liên quan đối thoại và hợp tác. Tổng Thư ký ASEAN khẳng định, thời gian tới, ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cùng chung nhận định với Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sĩ U.Vi-la-cô-ta từ Đại học De La Salle của Phi-líp-pin cho rằng, một ASEAN đoàn kết đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và đi đến giải pháp cuối cùng cho tranh chấp Biển Đông.

Theo Tiến sĩ U.Vi-la-cô-ta, ASEAN không tồn tại trong một môi trường biệt lập và bất chấp sự khác biệt do bên ngoài đem lại, các nước thành viên ý thức được lợi ích bao trùm và chính yếu của họ là một tổ chức khu vực, khả năng không giới hạn cùng năng lực tập thể ngày càng tăng, tiếp tục định hình vận mệnh chung của khối. “Do đó, không bên nào sẽ được lợi trước một ASEAN bị chia rẽ, không có quốc gia nào bên trong và bên ngoài khu vực muốn một kịch bản như vậy”, ông U.Vi-la-cô-ta nhấn mạnh. Ông cũng cảnh báo một cuộc xung đột vũ trang, dù bất ngờ hay có chủ đích bùng phát trên Biển Đông, sẽ ngăn cản việc tiếp cận một trong những tuyến đường biển quan trọng bậc nhất trên thế giới - eo biển Ma-lắc-ca, gây hậu quả nghiêm trọng cho sự hội nhập dự kiến, khả năng kết nối và tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á.

Đánh giá về vai trò của ASEAN đối với tranh chấp tại Biển Đông, Tiến sĩ R.Em-mơ thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), Xinh-ga-po cho rằng, trong thời gian qua, ASEAN đã nỗ lực tập trung vào việc thiết lập cơ chế quản lý xung đột, được thể hiện trước hết thông qua việc thực hiện DOC và sau là hướng tới đàm phán COC có tính ràng buộc pháp lý. “Về phương diện này, ASEAN đã nỗ lực xây dựng lòng tin và quản lý xung đột nhằm giảm xung đột và sự phân chia quyền lực bất cân xứng tại Biển Đông” - Tiến sĩ R.Em-mơ nói. Giáo sư C.Thay-ơ thuộc Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a cũng cho rằng, Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về tranh chấp Biển Đông năm 2012, hay việc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra tháng 4-2013 tại Bru-nây, ra thông cáo khẳng định, ASEAN sẽ tham gia đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông với tư cách một khối, là những dấu hiệu tích cực mới nhất, cho thấy nỗ lực của khối trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com