Họ đã gìn giữ bản sắc văn hóa Việt như thế!

08:11, 29/11/2013

Sống xa Tổ quốc, những người con đất Việt luôn tìm đến với nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Những năm qua, nhiều Hội Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài đã ra đời với sứ mệnh rất quan trọng: góp phần thiết thực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt cũng như giúp những đứa con xa quê vươn lên trong cuộc sống.

Hội Phụ nữ Ba Lan: Ngôi nhà thân thuộc của cộng đồng người Việt

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan cho biết, xuất phát từ nhu cầu của những đứa con xa quê cần có một tổ chức để kết nối họ lại, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống, năm 2002 Hội Phụ nữ Ba Lan đã được thành lập. Mặc dù là một tổ chức tự nguyện nhưng hoạt động của Hội luôn dựa trên những nguyên tắc đã được đề ra, có mục đích phù hợp với quyền lợi của chị em. Mỗi hội viên đều xác định tham gia bằng tình cảm và tấm lòng, phục vụ cộng đồng, chăm lo đời sống tinh thần của kiều bào ở xa Tổ quốc. Các hoạt động của Hội luôn phong phú, thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng người Việt và người dân bản xứ. Khó có thể kể hết những đóng góp của Hội trong việc chăm lo tinh thần cho cộng đồng người Việt tại Đông Âu trong hơn 10 năm qua. Nhưng với những người con đất Việt đã từng sống và làm việc tại đây chắc chắn không bao giờ quên những kỷ niệm, niềm xúc động khi nhận được lời thăm hỏi, động viên từ các thành viên của Hội khi ốm đau, hoạn nạn. Có những người không may qua đời lại không người thân thích, Hội đã đứng ra quyên góp để tổ chức tang lễ và hỏa táng đưa tro cốt về quê nhà.

Lớp học tiếng Việt dành cho con em người Việt tại Ru-ma-ni.  Ảnh: Internet
Lớp học tiếng Việt dành cho con em người Việt tại Ru-ma-ni.
Ảnh: Internet

Nói về những hoạt động của Hội, bà Thạch cho biết, bất kể ngày lễ, tết nào chị em cũng liên lạc tập hợp nhau lại quây quần bên nhau. Các ngày Quốc khánh 2-9, Giải phóng Thủ đô 10-10, Tết cổ truyền dân tộc, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Phụ nữ Việt Nam 20-10, Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, những ngày văn hóa Việt Nam... Hội đều tổ chức những hoạt động chào mừng sôi nổi thiết thực để khuấy động phong trào trong chị em. Thông qua những hoạt động này không chỉ giới thiệu, quảng bá truyền thống văn hóa Việt góp phần giữ gìn bản sắc mà còn quảng bá được hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Giữ gìn bản sắc văn hóa bằng những việc làm cụ thể

Trong cuộc trò chuyện, tiếp xúc với các đại biểu nữ kiều bào về dự Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội có thể thấy, việc giữ gìn truyền thống văn hóa, tiếng Việt không thể thiếu bàn tay của những người phụ nữ. Theo nhiều chị thì, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập, đoàn kết hướng về đất Mẹ là tâm nguyện của những người con xa quê hương. Vì vậy, những năm qua các chị đã nghĩ ra rất nhiều phương cách để giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng mẹ đẻ nơi xứ người.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc chia sẻ: Ở bất cứ nơi đâu, trách nhiệm đầu tiên của người phụ nữ Việt Nam cũng là chăm lo gia đình ổn định về kinh tế, phong phú về tinh thần và vững chãi về tâm linh. Nhưng ở nước ngoài, người phụ nữ còn phải gánh thêm sứ mệnh đặc biệt quan trọng, đó là giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam. Chính bản sắc ấy tạo cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài một vị thế vững chãi, đáng tôn trọng, đem lại sức mạnh cho mỗi con người Việt Nam. Bản sắc văn hóa ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh đời sống: ẩm thực, tình làng nghĩa xóm, nền nếp gia phong, phong tục lễ, tết… cho đến vấn đề lớn như duy trì tiếng mẹ đẻ. "Ở trong nước, các bà mẹ có sẵn môi trường thuận lợi, còn đối với chúng tôi là cả vấn đề khó khăn. Nhiều bà mẹ hằng tuần phải chở con hàng trăm km tham gia một buổi học tiếng Việt, hay Tết Trung thu, lễ Vu Lan - nơi mọi người có thể nói hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ... vất vả như vậy nhưng các mẹ vẫn vui vì tiếng Việt còn thì văn hóa còn".

Dù nỗ lực giữ ngọn lửa truyền thống văn hóa được những người phụ nữ bền bỉ gìn giữ rất nhiều năm nhưng nếu cứ làm một cách tự phát thì hiệu quả sẽ không cao. Nhiều ý kiến đề nghị, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cần những chiến dịch tuyên truyền bài bản chứ không làm nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Đặc biệt, cần tổ chức nhiều chuyến về nguồn cho thế hệ trẻ bởi thông qua những chuyến trở về quê mẹ này sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong việc hiểu văn hóa cội nguồn, cũng như được thực hành tiếng Việt./.

Theo: daidoanket.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com