Chuyến thăm hàn gắn quan hệ đồng minh rạn nứt

09:11, 05/11/2013

Ngày 3-11, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri đã đặt chân tới Ai Cập, quốc gia đầu tiên trong chuyến công du dài ngày của ông tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Chuyến thăm được xem là một nỗ lực hàn gắn mối quan hệ đang ngày càng rạn nứt của Mỹ với Ai Cập - quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Ke-ri tới Ai Cập kể từ khi Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi bị phế truất, song theo AP, có vẻ như giới chức Ai Cập lại không mấy hào hứng với chuyến thăm này của  Ngoại trưởng Mỹ. Tất cả các cơ quan chức năng Ai Cập đều từ chối xác nhận thông tin về chuyến thăm này. Chưa bao giờ một vị Ngoại trưởng Mỹ lại có chuyến thăm bí mật như vậy tới Ai Cập. Điều này đã cho thấy mối quan hệ rạn nứt khá sâu giữa hai nước, AP nhận định.

Hồi tháng trước, Oa-sinh-tơn đã đình chỉ các gói viện trợ quân sự lớn cho Ai Cập trong bối cảnh hơn 1.000 người thiệt mạng do đụng độ giữa lực lượng an ninh với những người biểu tình trong các cuộc tuần hành ủng hộ ông Mơ-xi nổ ra từ tháng 7. Quyết định của Mỹ đã khiến giới lãnh đạo Ai Cập tức giận và Mỹ đã tìm cách xoa dịu bằng thông báo Oa-sinh-tơn đang cơ cấu lại viện trợ dành cho quốc gia này, trong đó bao gồm cả khoản viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD. Mỹ có ba thập niên ủng hộ cựu Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc vì Ai Cập có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Mỹ ổn định an ninh tại Trung Đông. Tuy nhiên, mới đây, Cai-rô tuyên bố rằng, nước này đang xem xét để định vị lại đường hướng đối ngoại phục vụ lợi ích quốc gia, trong đó có việc cân nhắc mở rộng quan hệ với các quốc gia khác ngoài Mỹ và Liên minh châu Âu, hai đối tác mà Ai Cập vốn có mối quan hệ mật thiết. Ngoại trưởng Ai Cập Na-bin Pha-mi cũng đã từng lên tiếng cho rằng, quan hệ Ai Cập - Mỹ đang trong "tình trạng rối loạn" và cảnh báo rằng, sự căng thẳng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Trung Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri được các quan chức Ai Cập đón tiếp tại sân bay Thủ đô Cai-rô. Ảnh: Internet
Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri được các quan chức Ai Cập đón tiếp tại sân bay Thủ đô Cai-rô. Ảnh: Internet

Có vẻ như mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt trong khu vực và bảo đảm Ai Cập hướng tới các kế hoạch nhằm khôi phục dân chủ đang là một nhiệm vụ khá khó khăn khi chỉ trong vài tháng qua, Oa-sinh-tơn liên tiếp phải đối mặt với tình trạng “lạnh nhạt” của một số đồng minh quan trọng ở Trung Đông, trong đó có A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và I-xra-en. Trong khi I-xra-en lo lắng về việc Oa-sinh-tơn nồng ấm trở lại với I-ran, thì A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ lại thất vọng trước quyết định không can thiệp quân sự vào Xy-ri của Mỹ. Cả ba nước đã có một loạt hành động thể hiện sự không hài lòng. Cách đây hai tuần, A-rập Xê-út từ chối chiếc ghế không thường trực lần đầu có được ở HĐBA LHQ. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, tuyên bố sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 3,4 tỷ USD từ Trung Quốc thay vì từ Mỹ hay là từ NATO. Với I-xra-en, Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu đang làm mọi cách để phá thỏa thuận hạt nhân với I-ran - kêu gọi Quốc hội Mỹ áp đặt lệnh cấm vận cứng rắn hơn - điều có thể khiến cuộc đàm phán mới bắt đầu giữa Tê-hê-ran và P5+1 đổ vỡ.

Trong khi đó, theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ S.Rai, mục tiêu chính sách Trung Đông của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma là tránh không để các sự kiện tại khu vực này "nuốt chửng" chương trình nghị sự đối ngoại của mình như đã từng xảy ra với các đời tổng thống trước. Bà Rai khẳng định: "Chúng tôi không thể bị cuốn 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần vào một khu vực, dù nó quan trọng thế nào. Tổng thống nghĩ rằng đã đến lúc chúng tôi cần lùi lại và đánh giá lại theo một cách thức không bị gò bó về việc chúng tôi sẽ quan niệm về khu vực đó như thế nào".

Song không thể phủ nhận, Mỹ chưa bao giờ có ý định để vuột mất tầm kiểm soát của mình ở một khu vực quan trọng như Trung Đông. Chỉ là chính sách của Oa-sinh-tơn đối với khu vực này đã thay đổi. Theo nhiều nhà phân tích, đối với vấn đề hạt nhân I-ran, chính sách mới của chính quyền B.Ô-ba-ma là đặt ưu tiên vào việc tìm kiếm một thỏa thuận thông qua đàm phán. Những ưu tiên tiếp theo của Oa-sinh-tơn tại khu vực này là tiến trình hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin và vấn đề hòa bình Xy-ri với trọng tâm là cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ sắp tới. Tuy nhiên, cái mà Mỹ thiếu trong chính sách đối với Trung Đông là việc củng cố lòng tin với các đồng minh. Điều này đã dẫn tới những rạn nứt nghiêm trọng và đặt ra nhiều thách thức cho Oa-sinh-tơn trong việc duy trì ảnh hưởng tại khu vực./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com