Chiến lược mới của Mỹ trong mở rộng hiện diện quân sự ở nước ngoài

08:11, 27/11/2013

Phát triển các căn cứ quân sự ở nước ngoài là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm khẳng định quyền lực của Mỹ với tư cách là một cường quốc hàng đầu thế giới về mặt quân sự. Nhưng giờ đây, khi toàn nước Mỹ đang phải vật lộn với “đồng tiền bát gạo”, phải chăng chiến lược đó đã ít nhiều thay đổi?

Mạng lưới căn cứ quân sự rộng khắp

Theo trang mạng Word Bulletin, hiện chính quyền Mỹ có cả trăm căn cứ quân sự đóng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những căn cứ này góp phần đáng kể trong việc nâng vị thế của Oa-sinh-tơn trên toàn cầu. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là kết quả của nhiều cuộc khảo sát lại cho thấy, có nhiều căn cứ mà hầu hết người dân Mỹ đều chưa từng nghe đến.

Theo Word Bulletin, chỉ có 43 quốc gia trên thế giới không có sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ. Báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết thêm, nước này có khoảng 850 căn cứ quân sự ở nước ngoài, nhưng nếu tính cả các căn cứ nằm trong lãnh thổ Mỹ, con số này vào khoảng 5.300 căn cứ.

Những số liệu từ Lầu Năm Góc thậm chí còn nêu cụ thể hơn khi cho biết, Mỹ đang duy trì 865 căn cứ quân sự tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Mỹ đặc biệt ưu tiên với 124 căn cứ ở Nhật Bản, 87 căn cứ ở Hàn Quốc cùng hàng chục căn cứ ở một số nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự sau khi nhìn vào cách bố trí lực lượng của Mỹ ở nước ngoài lại tin rằng, con số thật có thể còn lớn hơn nhiều so với những gì đã được công bố, bởi Oa-sinh-tơn chắc chắn còn có những căn cứ hoạt động bí mật. Lực lượng quân sự Mỹ ở nước ngoài cũng tăng nhanh trong những năm qua, một phần là do hai cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.

Các binh sĩ Mỹ và Phi-líp-pin trong một cuộc tập trận chung.  Ảnh: Internet
Các binh sĩ Mỹ và Phi-líp-pin trong một cuộc tập trận chung.
Ảnh: Internet

Trong số các loại căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài, đáng chú ý nhất vẫn là các căn cứ quân sự mang tính “vĩnh cửu” được Oa-sinh-tơn xây dựng trên lãnh thổ của các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức. Mới đây, tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn tiết lộ, Mỹ và Hàn Quốc sẽ đầu tư 11 tỷ USD cho việc nâng cấp và thiết lập các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc trong một dự án có quy mô lớn nhất kể từ sau công trình xây dựng kênh đào Pa-na-ma. Với số tiền trên, hai nước sẽ thiết lập khoảng 100 cơ sở tại 50 địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có việc đưa Humphreys trở thành căn cứ lớn nhất của Mỹ ở châu Á với khoảng 44.000 quân nhân và nhân viên dân sự thường xuyên hoạt động.
Điều đáng nói là phần lớn trong số 11 tỷ USD đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc sẽ do Xơ-un tài trợ.

Đổi hướng tiếp cận vì gánh nặng tài chính

Xây dựng căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ là một trong những chiến lược của Oa-sinh-tơn nhằm nâng cao vị thế của mình, đồng thời thu hẹp “cái bóng” của các “đối thủ lớn”. Phải thừa nhận rằng, sự hiện diện của các căn cứ này sẽ giúp Mỹ gia tăng ảnh hưởng đối với cả những nước sở tại và các quốc gia lân cận.

Nói cách khác, hệ thống căn cứ quân sự trên toàn cầu của Mỹ là một trong những biểu tượng cho sự thống trị của Mỹ trên thế giới. Các căn cứ quân sự ở nước ngoài còn là công cụ bảo vệ các giá trị, lợi ích của Mỹ, phát triển các mối quan hệ đồng minh, qua đó giúp Oa-sinh-tơn duy trì vai trò lãnh đạo trên thế giới.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, phải thừa nhận rằng, việc thiết lập và duy trì các căn cứ quân sự ở nước ngoài đôi khi đã trở thành một gánh nặng, trước hết là về mặt kinh tế. Theo World Bulletin, hiện nay Mỹ không đủ tiềm lực tài chính để duy trì hoạt động của tất cả các căn cứ quân sự “chính thức” ở nước ngoài, với tổng diện tích xấp xỉ 120.000km2.

Các chuyên gia ước tính, mỗi năm Mỹ phải rút hầu bao khoảng 250 tỷ USD để duy trì sự hiện diện quân sự trên phạm vi toàn cầu. Đây quả là một con số chẳng hề nhỏ trong tình cảnh kinh tế Mỹ đang rơi vào giai đoạn phập phù, nếu không muốn nói là suy thoái.

Ngoài ra, các căn cứ quân sự cố định của nước ngoài hiện cũng đang trở thành “miếng mồi ngon” cho các lực lượng đối địch, điển hình là phải thường xuyên đối mặt với “các cuộc tấn công không được báo trước”. Chỉ riêng tháng 10 vừa qua, sân bay dã chiến Bagram - căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại tỉnh Parwan, phía đông Áp-ga-ni-xtan - đã phải hứng chịu hai đợt tấn công lớn của Ta-li-ban, khiến nhiều binh lính Mỹ tử trận. Người dân Mỹ gần đây đã không ngừng gây sức ép đòi chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma phải rút gọn và đóng cửa nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài, đưa lính Mỹ hồi hương, nhằm giảm thương vong và tập trung nguồn lực tài chính để giải quyết các vấn đề kinh tế.

Bởi vậy, phương án khả quan nhất được chính quyền Oa-sinh-tơn đưa ra trong thời điểm ngân sách quốc phòng bị cắt giảm là tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước ngoài, bằng cách ký các hiệp ước thân thiện với các nước. Thông qua các hiệp ước này, quân đội Mỹ sẽ có quyền tiếp cận sân bay hay hải cảng của nước đối tác trong những tình huống cần kíp, mà không nhất thiết phải có căn cứ quân sự. Chiến lược đó khá phù hợp với phát biểu của Đô đốc Xa-mu-en Lốc-lia, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM) vào đầu tháng 2 năm nay, khi cho rằng Mỹ không có ý định xây thêm căn cứ tại châu Á và cái mà Oa-sinh-tơn cần là tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực.

Việc tái cơ cấu các căn cứ quân sự toàn cầu theo hướng chú trọng “chất” hơn “lượng” như đã nói ở trên sẽ giúp Mỹ giảm đáng kể chi phí trong lĩnh vực quân sự. Nhưng điều đó cũng khiến hình ảnh một nước Mỹ long lanh “thấy mặt, thấy tiền” trước đây đang phần nào mờ dần trong mắt các đối tác, đặc biệt là các đồng minh./.

Theo: QĐND
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com