Ngay sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia Nga công bố kết quả thắng cử của ông V.Putin trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4-2012, hầu hết các nước châu Á đều có chung một hy vọng vị Tổng thống "mới mà cũ” này sẽ góp phần tạo ra một diện mạo mới không chỉ cho mối quan hệ giữa Nga và châu Á mà còn cho toàn khu vực nói chung.
Một điều kỳ lạ là, tuy là một quốc gia mà có tới 3/4 lãnh thổ thuộc về châu Á - một khu vực đang bùng nổ về tăng trưởng từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đồng thời sở hữu một khối lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, đặc biệt là năng lượng, nhưng kể từ thời điểm ra đời (ngày 12-6-1990) đến nay, nước Nga hiện đại lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc hội nhập với khu vực. Tuy đều có chung một nhận thức về tầm quan trọng của khu vực đối với sự tồn vong của đất nước, song từ cố Tổng thống B.Yeltsin đến Tổng thống tiền nhiệm D. Mevedev đều chỉ tạo dựng được một vài điểm sáng trong quan hệ với các nước châu Á.
Nếu cố Tổng thống B.Yeltsin xây dựng được mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc (năm 1996 và đây cũng là mối quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên trong quan hệ quốc tế thời hậu Chiến tranh lạnh), thì Tổng thống tiền nhiệm D.Mevedev có thể do dành hầu hết tâm huyết trong nhiệm kỳ của mình vào việc cải thiện quan hệ với Mỹ (đỉnh cao là việc đạt được hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân START mới) nên trong các mối quan hệ với châu Á hầu như không có bước chuyển biến có tính đột phá nào. Có lẽ vì thế mà nhiều chuyên gia đánh giá chính sách châu Á luôn là điểm yếu trong chính sách đối ngoại “chim ưng hai đầu” của Nga.
Sự kỳ vọng vào Tổng thống Putin của các nước châu Á hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà được dựa trên những việc làm thực tế của ông trong hai nhiệm kỳ trước (2000-2008).
Trong nhiệm kỳ thứ 3, Tổng thống Putin cũng đang có rất nhiều cơ hội có thể thay đổi vai trò của nước Nga tại châu Á. Ảnh: Internet |
Trong thời gian này, sự tham gia của nước Nga vào các công việc của khu vực đã có sự thay đổi đáng kể. Với nguyên tắc cân bằng và hiệu quả, Tổng thống Putin không chỉ đã thúc đẩy quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ phát triển mà trong quan hệ với các nước nhỏ cũng tạo dựng được những kết quả quan trọng. Tiêu biểu là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam năm 2001 (đây cũng là quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam). Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Tổng thống Putin đã khiến cho hình bóng của nước Nga không còn mờ nhạt như trước nữa.
Hơn nữa, trong nhiệm kỳ thứ 3 này, Tổng thống Putin cũng đang có rất nhiều cơ hội có thể thay đổi vai trò của nước Nga tại châu Á.
Đầu tiên phải kể đến sức hấp dẫn của thị trường tiêu thụ và đầu tư Nga. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường Viễn Đông của Nga thực sự thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực, trước hết là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc…
Thứ hai, khi mà Bắc Phi - Trung Đông còn đang rối bời bởi cơn bão “Mùa xuân Ả rập” thì Nga trở thành nhà cung ứng nhiên liệu ổn định và tiềm năng nhất. Những nền kinh tế hàng đầu của khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản, hơn lúc nào hết đang rất khát nguồn dầu lửa và khí đốt của Nga.
Thứ ba, trong trào lưu mua sắm vũ khí của các nước trong khu vực Nga nổi lên là đối tác vô cùng quan trọng bởi tính ưu việt về giá cả và chất lượng của các chủng loại vũ khí. Theo Interfax và tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, Nga hiện là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí trong năm 2012 đạt 15,7 tỉ USD, trong đó thị trường châu Á chiếm tới 43%.
Cuối cùng, trước tình hình khu vực đang có những bất ổn do nhiều nguyên nhân, trước hết là bởi những tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, hơn lúc nào hết, các nước châu Á rất kỳ vọng nước Nga của Tổng thống Putin sẽ thoát ra khỏi sự trì trệ cố hữu trong chính sách châu Á để có thể đóng góp vào sự ổn định và tăng trưởng của châu lục.
Trên thực tế, ngay trong ngày nhậm chức 7-5-2012, trong 6 tiếng đồng hồ Tổng thống Putin đã ký tới 13 văn kiện quan trọng đầu tiên, trong đó có Sắc lệnh về chính sách đối ngoại. Ngay trong văn kiện đầu tiên của nhiệm kỳ thứ 3, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh tới việc phải tăng cường quan hệ với các nước châu Á, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hơn một năm qua, nguyên tắc “cân bằng và hiệu quả” trong chính sách châu Á của Putin ngày càng thể hiện rõ nét hơn hẳn hai nhiệm kỳ trước.
Trước hết là trong quan hệ với các nước lớn, Tổng thống Putin khiến người ta không thể xác định đâu là đối tác ưu tiên hàng đầu của nước Nga. Khi hợp đồng bán dầu kỷ lục 85 tỷ USD được ký giữa Trung Quốc và Cty Dầu khí quốc doanh Nga Rosneft cùng với các hợp đồng mua bán vũ khí được ký trước đó hay các cuộc tập trận chung Nga - Trung trong khuôn khổ Tổ chức Thượng Hải (SCO), thì cũng là lúc Nga chuyển giao tàu sân bay cho Ấn Độ thuê, thậm chí Tổng thống Putin còn khẳng định “quan hệ Nga - Ấn là đối tác chiến lược đặc biệt” nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng M.Singh (tháng 9-2013). Trong lúc tất cả đều cho rằng quan hệ Nga - Mỹ rơi xuống đáy bởi hàng loạt vụ việc rắc rối, điển hình là vụ Chính phủ Nga cho phép nhân viên tình báo E.Snowden tỵ nạn (hơn thế, bản thân Tổng thống Putin cũng luôn bị coi là người có quan điểm cứng rắn trong quan hệ với Mỹ), thì chỉ trong vòng 30 phút đối thoại bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 Saint Peterburg (5-9-2013), Tổng thống Putin đã đạt được một thỏa thuận, chắc chắn sẽ là ấn tượng nhất trong năm 2013 này, với Tổng thống B.Obama về vấn đề vũ khí hóa học của Syria. Thỏa thuận không chỉ giúp cho Trung Đông thoát khỏi một cuộc chiến tranh tàn khốc mà còn cho thấy Putin vẫn rất coi trọng việc cải thiện quan hệ với Mỹ.
Minh chứng thuyết phục hơn cả cho chính sách cân bằng của Putin chính là cuộc gặp 2+2 (Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng) giữa Nga và Nhật Bản hôm 2-11-2013. Rõ ràng những tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư đã không cản trở được Tổng thống Putin hướng tới cùng với Nhật Bản giải quyết những vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương như quần đảo Curils hay hợp tác thương mại.
Sự khác biệt mà Tổng thống Putin tạo ra trong quan hệ với các nước nhỏ tại khu vực cũng chính là tính “cân bằng và hiệu quả”.
Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 12-11-2013, 17 văn kiện hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực đã được ký kết giữa hai đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga. Khác với các mối quan hệ quốc tế khác của Việt Nam, sự cân đối trong quan hệ hợp tác Nga - Việt thể hiện trong đầu tư song phương (Nga có 92 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký hơn 1,9 tỷ USD, Việt Nam đầu tư vào Nga 17 dự án với số vốn hơn 2,4 tỷ USD). Cách xử lý trong quan hệ với hai miền Triều Tiên cũng làm đậm nét thêm tính cân bằng trong chính sách của Putin. Tháng 9-2013, Chính phủ Nga đã quyết định xóa trên 90% nợ cho CHDCND Triều Tiên, số còn lại sẽ được tái cấu trúc thành chương trình “nợ viện trợ” với thời gian trả trong vòng 20 năm tới. Còn với quan hệ Nga - Hàn, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Saint Peterburg, Tổng thống Putin tuyên bố: “Hàn Quốc là một trong những đối tác ưu tiên của chúng tôi trong khu vực”. Trên thực tế, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Nga tại châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tổng thống Putin cũng là nguyên thủ đầu tiên trong “tứ cường khu vực” (Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản) viếng thăm Seoul (ngày 13-11-2013).
Nhưng có lẽ hoạt động đối ngoại thể hiện rõ nét nhất tính “cân bằng và hiệu quả” trong chính sách châu Á trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Putin phải là sự tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương tại khu vực. Có lẽ việc lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 21 (tháng 9-2012 tại Vladivostok) đã thúc đẩy Chính phủ Nga triển khai mạnh mẽ hơn định hướng này. Ngày 12-2-2013, Tổng thống Putin đã phê duyệt “Đường lối đối ngoại của Liên bang Nga”, trong đó nhấn mạnh việc tham gia vào hoạt động của các tổ chức liên quốc gia là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước Nga. Trước thềm Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Indonesia (từ ngày 7 đến ngày 8-10-2013), Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga S.Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá việc gia tăng vai trò của Nga trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và cơ chế đối thoại như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SOC), Nhóm BRICS, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn đối thoại Á - Âu (ASEM)… có ý nghĩa then chốt”.
Đương nhiên, chẳng có chính sách nào có thể mãi hoàn hảo. Tính cân bằng và đề cao hiệu quả rất dễ dẫn đến sự dàn trải. Đúng là sau hơn 20 năm, nước Nga ngày nay đã mạnh lên rất nhiều, mà biểu hiện sinh động nhất là việc Tổng thống Nga Putin được tạp chí Fobes bầu là nhà lãnh đạo có uy tín nhất trong năm 2013, hoặc việc nước Nga vừa có màn rước đuốc thể hiện sức mạnh tuyệt đối trong lĩnh vực vũ trụ (các phi hành gia Nga đã đưa ngọn đuốc Olympic mùa Đông Sochi ra ngoài khoảng không vũ trụ hôm 9-11-2013). Song điều này không đồng nghĩa nước Nga có đủ khả năng thực hiện một chính sách dàn trải, tình cảnh nước Mỹ hiện nay chính là bài học nhãn tiền. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, hiện tại thì chính sách châu Á của Tổng thống Putin rõ ràng đang tạo ra một diện mạo mới cho châu lục./.
Theo: nhandan.com.vn