Ấm lại thị trường lao động Hàn Quốc

08:11, 01/11/2013

Trong tháng 10 này, Bộ LĐ-TB và XH cùng Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc ký kết "Bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử lao động Hàn Quốc theo chương trình Cấp phép việc làm (EPS)”. Như vậy, cánh cửa đưa người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc có nhiều hy vọng được mở lại, kể từ ngày bị "đóng băng” vào cuối tháng 8-2012 do tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn.

12.000 lao động Việt Nam được ưu tiên

Theo đó, đối tượng được ưu tiên giới thiệu với chủ sử dụng chính là những người đã đỗ các kỳ kiểm tra về năng lực tiếng Hàn vào tháng 12-2011 và tháng 8-2012. Bản danh sách ưu tiên này kéo dài gần 12.000 lao động. Đối tượng thứ hai là lao động huyện nghèo đã đăng ký kiểm tra năng lực tiếng Hàn chưa được kiểm tra giờ sẽ được kiểm tra, nếu trúng tuyển sẽ được giới thiệu lựa chọn đi làm việc tại Hàn Quốc. Đối tượng thứ ba là những lao động đã về nước đúng thời hạn và đỗ kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn nhưng chưa sang Hàn Quốc làm việc sẽ được giới thiệu cho chủ sử dụng lao động mới...

Các lao động thuộc 2 diện ưu tiên trên hoàn toàn có cơ hội sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm nay. Tuy nhiên cũng theo quy định, người lao động Việt Nam trước khi đi sang Hàn Quốc làm việc phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng CSXH. Số tiền ký quỹ này lao động sẽ được vay vốn tại Ngân hàng CSXH, với lãi suất tối đa 100 triệu đồng để thực hiện việc ký quỹ.

Lao động Việt Nam làm việc tại một xưởng cơ khí tại Pusan (Hàn Quốc).  Ảnh: Internet
Lao động Việt Nam làm việc tại một xưởng cơ khí tại Pusan (Hàn Quốc).
Ảnh: Internet

Hàn Quốc là một trong những thị trường tiếp nhận lượng lớn người lao động Việt Nam. Nhiều người kỳ vọng rằng, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về lao động và việc làm giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, do nhận thức và do chênh lệch thu nhập việc làm ở Hàn Quốc và việc làm trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần, thậm chí còn cao hơn) nên vẫn thường trực nhiều lo ngại: nhiều lao động tìm mọi cách để được lưu trú ở lại, làm việc không có giấy tờ hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng.

Kiên quyết xử lý các chủ sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp

Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng lao động Việt Nam cư trú, làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc, các cơ quan chức năng Việt Nam cần tập trung giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho người lao động; tăng cường vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tuyển chọn, quản lý người lao động; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động làm việc ở Hàn Quốc trở về. Phía Hàn Quốc cũng cần hoàn thiện thể chế chính sách, nghiên cứu, sửa đổi quy định chi trả khoản trợ cấp thôi việc sau khi lao động hết hạn hợp đồng. Đặc biệt phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài, kiên quyết xử lý các chủ sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp.

Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Phang Ha-Nam trong cuộc làm việc với Bộ LĐ-TB và XH Việt Nam vào cuối tháng 9 vừa qua cũng cho biết: Phía Hàn Quốc ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cũng như hiệu quả của các giải pháp mà phía Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua, nhằm giảm số lượng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, đồng thời khẳng định Hàn Quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc thúc đẩy triển khai chương trình hợp tác đưa lao động sang Hàn Quốc./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com