Tình hình Trung - Nhật "nóng bất thường"

09:10, 30/10/2013

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang trải qua những giờ khắc căng thẳng "đậm mùi chiến tranh" với việc 4 máy bay quân sự Trung Quốc ngày 25-10 xuất hiện trên vùng trời giữa đảo Ô-ki-na-oa và Mi-i-a-cô hướng về phía Thái Bình Dương, kéo theo những động thái và phản ứng gay gắt từ phía Tô-ki-ô.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 25-10 cho biết, các máy bay chiến đấu F15 của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) của nước này đã được lệnh xuất kích sau khi 4 máy bay quân sự Trung Quốc, gồm 2 chiếc máy bay cảnh báo sớm Y8 và 2 máy bay ném bom H6, xuất hiện trên vùng trời giữa đảo Ô-ki-na-oa và Mi-i-a-cô. Đây là lần thứ ba Nhật Bản xác nhận hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc tại khu vực này. Mặc dù thừa nhận các máy bay của Trung Quốc đã không xâm phạm không phận Nhật Bản, song Tô-ki-ô cho biết đang tiến hành phân tích để xác định mục đích của động thái trên.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, quân đội Trung Quốc đang tăng cường hoạt động tại khu vực biển giữa hai đảo nói trên. Trước đó, ngày 24-10, 5 tàu khu trục của Trung Quốc cũng đã đi qua vùng biển giữa Ô-ki-na-oa và Mi-i-a-cô.

Trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng bất thường, ngày 27-10, quân đội Nhật Bản đã tổ chức diễu binh thường niên tại Trại huấn luyện A-xa-ca ở ngoại ô Tô-ki-ô với sự tham dự của gần 4.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và hơn 50 máy bay. Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê nhấn mạnh: "Chúng ta thể hiện rõ quan điểm rằng chúng ta là một quốc gia không chấp nhận thay đổi trật tự thế giới thông qua vũ lực. Chúng ta sẽ sử dụng tất cả các biện pháp như do thám và tình báo để phục vụ quan điểm đó. Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên căng thẳng. Đây là thực tế".

Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê phát biểu tại Trại huấn luyện A-xa-ca. Ảnh: Internet
Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê phát biểu tại Trại huấn luyện A-xa-ca. Ảnh: Internet

Trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Nhật Bản cho biết thêm: "Có những quan ngại rằng Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hiện trạng (chủ quyền lãnh thổ) bằng vũ lực, chứ không phải bằng pháp luật. Nhưng nếu Trung Quốc chọn con đường này, họ sẽ không thể nổi lên một cách hòa bình. Vì vậy, họ không nên chọn con đường đó và nhiều nước hy vọng Nhật Bản sẽ mạnh mẽ bày tỏ quan điểm này. Họ hy vọng Trung Quốc sẽ hành động có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".

Đáp lại, Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Nhật Bản về việc bắn hạ máy bay không người lái của nước ngoài nếu xâm phạm không phận và bỏ qua lời cảnh báo. "Chúng tôi cảnh báo các bên liên quan không đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ an toàn lãnh thổ quốc gia. Nếu Nhật Bản thực hiện việc bắn hạ máy bay thì sẽ là hành động khiêu khích nghiêm trọng, một hành động chiến tranh và chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp để đáp trả hành động khiêu khích đó", Tân Hoa xã dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh.

Căng thẳng tiếp tục leo thang khi trong ngày 28-10, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản I-ô-si-hi-đê Xu-ga cho biết 4 tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Tô-ki-ô gọi là Xên-ca-cư trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tô-ki-ô, ông I.Xu-ga nói: "Vi phạm của các tàu công vụ Trung Quốc diễn ra rất thường xuyên, đây là điều vô cùng thất vọng và đáng tiếc". Tô-ki-ô cũng ngay lập tức trao công hàm phản đối cho Bắc Kinh liên quan đến động thái nói trên.

Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo, tại một diễn đàn kéo dài trong hai ngày (25 và 26-10) ở Bắc Kinh, các chuyên gia Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí ra tuyên bố chung nhấn mạnh sự cần thiết phải khởi động cuộc đối thoại song phương cấp chính phủ để xoa dịu căng thẳng liên quan tới tranh chấp quần đảo Xên-ca-cư (Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Những người tham dự hội thảo này kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết các vụ tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và rút ra bài học lịch sử nhằm phát triển quan hệ song phương.

Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Xên-ca-cư (Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Quan hệ đôi bên càng trở nên căng thẳng kể từ khi Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc Xên-ca-cư (Điếu Ngư) hồi tháng 9-2012./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com