Thế giới tuần qua: Nghe lén cả đồng minh

07:10, 26/10/2013

Tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đang suôn sẻ và Damascus có đủ lý do để bác bỏ mọi can thiệp từ bên ngoài vào việc thành lập chính phủ mới. Trong khi đó chương trình theo dõi và nghe lén bí mật của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) mà cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ, tiếp tục gây phản ứng tức giận từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ…

1. Tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đang diễn ra suôn sẻ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đánh giá cao tiến trình do các chuyên gia vũ khí của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và LHQ đang thực hiện tại quốc gia Trung Đông này. Liên quan tới việc này, người đứng đầu phái bộ chung của Tổ chức cấm vũ khí hóa học và Liên hợp quốc (OPCW-LHQ) Sigfrid Kaag vừa khẳng định, cho đến nay, Syria đã hợp tác đầy đủ trong việc tiêu hủy kho hóa học khổng lồ của nước này.

Các thanh sát viên LHQ kiểm tra chất độc hóa học tại thực địa. Ảnh: un.org.

Cũng liên quan đến Syria, nhằm chuẩn bị cho hội nghị hòa bình thứ hai về Syria (gọi tắt là Geneva II) dự kiến sẽ diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng tới, Liên minh Dân tộc Syria - nhóm đối lập chính vẫn vẫn tuyên bố không tham gia Geneva II. Về phần mình, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad nhận định vẫn chưa có "các yếu tố thích hợp" để Geneva II diễn ra thành công.

Đưa ra quan điểm cứng rắn của mình, Damascus tuyên bố rằng sẽ không đàm phán với "khủng bố". Trong bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Mayadeen của Liban phát sóng ngày 21/10, Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định ông không thấy "bất cứ lí do gì" khiến ông không thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Binh lính chính phủ đang chiến đấu tại Damascus. Ảnh: ctvnews.com

Trong khi đó, trình hình thực tế tại Syria vẫn đang căng thẳng với các cuộc đấu súng của các phe. Ngày 19/10, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại trạm kiểm soát ở ngoại ô thủ đô Damascus (Đa-mát) của Syria làm 16 binh sĩ và 15 tay súng thiệt mạng. Phía bên kia, một trong số các chỉ huy hàng đầu của lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA) đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với quân chính phủ ở phía Nam thành phố Deraa, giáp biên giới với Jordan. Hôm 23/10, phe nổi dậy Syria đã oanh tạc các khu vực quảng trường chính ở thủ đô Damascus. Tuy nhiên, ngay sau đó 48 giờ, quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu ngoại ô ở Đông Nam thủ đô Damascus, tiêu diệt hơn 100 tay súng đối lập. Các chuyên gia quân sự nhận định chiến thắng tại "cứ điểm quan trọng của khủng bố" nói trên có ý nghĩa rất lớn.

2. Chương trình theo dõi và nghe lén bí mật của NSA đang gây phản ứng tức giận từ đồng minh phương Tây của Mỹ. Đã có thêm nhiều tiết lộ động trời của Glenn Greenwald, cựu phóng viên tờ "Guardian" - người được cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp thông tin, tung lên liên quan đến vụ nghe lén điện thoại của Mỹ. Những thông tin được báo chí cung cấp đang khiến nước Mỹ có nguy cơ bị rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao trên diện rộng.

Theo tiết lộ của Glenn Greenwald, tất cả các cuộc họp của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), các cuộc đàm phán về các hiệp định tự do thương mại, đều bị tình báo Mỹ giám sát.

Người Đức biểu tình chống chương trình nghe lén của Mỹ. Ảnh: AFP
Người Đức biểu tình chống chương trình nghe lén của Mỹ. Ảnh: AFP

Cũng trong tuần, Tổng thống Mỹ B.Obama và giới chức tình báo, ngoại giao còn tiếp tục ""bẽ mặt"" với đồng mình Pháp và Đức. Hai nước này đã cho triệu Đại sứ Mỹ đến để làm sáng tỏ việc tình báo Mỹ nghe trộm điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Pháp trong nhiều năm qua.
Đích thân bà Merkel và Tổng thống Pháp Hollande đã phải gọi điện thoại cho Tổng thống Mỹ B.Obama yêu cầu giải thích thấu đáo thông tin việc điện thoại di động của họ cũng là một mục tiêu bị theo dõi của tình báo Mỹ.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nhấn mạnh, nếu thông tin trên được xác thực, đó sẽ là hành động hoàn toàn không thể chấp nhận, gây xói mòn nghiêm trọng lòng tin và cần phải dừng lại ngay lập tức. Trong khi đó nước Pháp cũng nổi cơn thịnh nộ với Mỹ khi nước này biết tin NSA đã ghi lại 70,3 triệu cú điện thoại và theo dõi chính trị gia và các doanh nhân cấp cao của nước này. Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng "không có lý do nào để biện minh về mặt chiến lược hay quốc phòng". Cùng ngày, cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon (Phê-li-pê Ca-đê-rôn) tuyên bố việc tình báo Mỹ thâm nhập vào hệ thống thư điện tử trong thời điểm ông đã giữ cương vị tổng thống Mexico là hành động sỉ nhục hiến pháp quốc gia này.

3. Nhân kỷ niệm lần thứ 68 ngày thành lập Liên hợp quốc (24/10/1945), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gửi Thông điệp tới tất cả 193 quốc gia thành viên, khẳng định tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này luôn thống nhất trên một mặt trận chung nhằm bảo vệ hòa bình, ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang, tôn trọng quyền con người, bảo vệ môi trường sống và giải quyết rất nhiều vấn đề khác liên quan tới cuộc sống của loài người.

Nhân viên LHQ thực thi nhiệm vụ. Ảnh: acelebrationofwomen.org

Trong quá trình tồn tại của mình, LHQ đã giúp giải quyết 175 cuộc xung đột và vào thời điểm hiện tại, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đang có mặt tại nhiều quốc gia có xung đột thuộc 4 châu lục. Trong 13 năm qua, cùng với cố gắng của các quốc gia thành viên, LHQ đã giúp giảm được một nửa số người nghèo và 40% số trẻ em tử vong khi chưa tròn 5 tuổi trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, nhờ những hoạt động tích cực của LHQ, trên thế giới đã có thêm 2 tỷ người được sử dụng nước sạch và hạn chế đáng kể số nạn nhân của các loại dịch bệnh như HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét.

4. Sự nghiệp chính trị của cựu Thủ tướng Italy, Silvio Berlusconi tiếp tục bị giáng một đòn nặng nữa sau khi Tòa án thành phố Napoli quyết định mở phiên tòa xét xử ông và một cộng sự về tội hối lộ. Theo dự kiến, phiên tòa này sẽ bắt đầu ngày 11/2/2014. Ngày 21/10, Tòa phúc thẩm Milan vừa tuyên bố cấm ông Berlusconi tham gia các hoạt động chính trị trong vòng hai năm do gian lận thuế trong các hoạt động kinh doanh ở Tập đoàn Mediaset mà ông sở hữu. Ngoài ra, ông Berlusconi cũng đang bị xét xử trong một vụ án khác, trong đó ông bị buộc tội mua dâm trẻ vị thành niên và lạm dụng chức quyền để che giấu tội này.

Cựu Thủ tướng Berlusconi. Ảnh: scmp.com

Hiện tại, những cuộc tranh luận về tương lai chính trị của cựu Thủ tướng Berlusconi đang tiếp tục chia rẽ phe trung tả và trung hữu - hai liên minh quan trọng trong nội các, và theo các nhà quan sát, tình hình này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của chính phủ trong các vấn đề then chốt của đất nước.

5. Cũng trong tuần qua, Hội thảo quốc tế lần thứ I về an ninh và hợp tác ở Biển Đông do Viện Đông Phương học – Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức, nhiều học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và nhiều quan chức đánh giá an ninh tại châu Á là một chủ đề lớn, thu hút sự quan tâm sát sao của dư luận quốc tế, các đại biểu kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Phó chủ tịch Đuma quốc gia (Hạ viện Nga) Nikolai Levichev cho rằng điều quan trọng mà các bên liên quan cần làm hiện nay là không để căng thẳng tiếp tục leo thang. Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo khẳng định: các bên tranh chấp  cần kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực, giải quyết vấn đề tuyệt đối chỉ bằng biện pháp chính trị-ngoại giao, trong đó cơ sở quan trọng để áp dụng là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VOV

Về tương lai giải quyết vấn đề biển Đông, các chuyên gia cho rằng các bên liên quan cần chấm dứt mọi hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, khôi phục lại lòng tin. Trước mắt cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và tuyệt đối tuân thủ các thỏa thuận đã được ký kết.

6. Các nhà chức trách Nga cho biết, ngày 21/10, một vụ đánh bom xe buýt nghiêm trọng đã xảy ra tại một địa điểm bên bờ sông Volga, ở thành phố Volgograt, nằm cách thủ đô Moscow của Nga khoảng 900 km về phía Đông Nam, làm ít nhất 6 người thiệt mạng, cùng nhiều người khác bị thương.

Hiện trường sau vụ nổ bom. Ảnh: en.ria.ru

Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Nga đã xác nhận, đây là một hành động khủng bố. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/10 cáo buộc ""các thế lực"" bên ngoài đang sử dụng lực lượng Hồi giáo cực đoan nhằm reo rắc bất ổn tại Nga. Phó Giám đốc Cơ quan điều tra liên bang Nga phụ trách khu vực Volgograd, ông Valery Safonov cho biết theo kết quả điều tra ban đầu, đây là vụ đánh bom khủng bố được thực hiện bởi Naida Asiyalova, 30 tuổi, vợ của tên Dmitry Sokolov - thành viên một băng nhóm khủng bố ở thủ phủ Makhachkala của nước Cộng hòa Dagestan thuộc Nga.

Cảnh sát Cam-pu-chia được huy động để bảo đảm trật tự, an ninh. Ảnh: TTXVN

7. Cuộc biểu tình dự kiến trong ba ngày, từ 23 đến 25/10, của đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đã diễn ra không bạo lực, dù không tuân thủ quyết định của chính quyền chỉ cho phép không quá 1.000 người tuần hành.
Để đề phòng bất trắc có thể xảy ra, nhà chức trách Campuchia đã huy động trên 4.000 cảnh sát và quân cảnh để bảo đảm trật tự, an ninh cho cuộc biểu tình 3 ngày này.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com