Thế giới của những lao động "ngầm" Việt Nam ở Hàn Quốc: Hẩm hiu phận làm chui

08:10, 04/10/2013

Là một trong những quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất, Hàn Quốc được xem là "miền đất hứa” cho nhiều lớp thanh niên Việt. Tuy nhiên do hạn chế về mặt nhận thức, chạy theo số tiền lương chênh lệch nên nhiều lao động Việt Nam sau khi đến Hàn Quốc đã tự phá vỡ hợp đồng, chấp nhận kiếp sống chui đầy bất trắc.

Thiệt thòi đủ đường

Theo số liệu thống kê của Bộ An ninh và Hành chính công Hàn Quốc, tính đến đầu năm 2013, tổng số người nước ngoài đang sống và làm việc ở quốc gia này lên đến gần 1,5 triệu người, chiếm gần 3% dân số cả nước. Trong đó, số người mang quốc tịch Việt Nam chiếm hơn 12%, chỉ đứng sau Trung Quốc. Hiện, Hàn Quốc đang là một trong những thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng nhất của Việt Nam. Bởi lẽ, đây là quốc gia có nguồn thu ổn định đối với người lao động so với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Qatar… và điều kiện sinh hoạt được đánh giá là một trong các quốc gia tốt nhất. Đây cũng là một trong số những lý do khiến cho lao động Việt Nam tại đây mặc dù đã hết hạn hợp đồng nhưng vẫn không về nước mà tiếp tục sinh sống và làm việc chui cho các công ty. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB và XH thì hiện nay lao động Việt Nam đang làm việc "chui” tại Hàn Quốc đứng đầu trong số các quốc gia có ký biên bản ghi nhớ tiếp nhận lao động theo chương trình phổ thông (EPS) với quốc gia này. Số lao động Việt Nam làm việc chui tại Hàn Quốc ước tính khoảng 17 nghìn người. Tuy nhiên, cuộc sống của những lao động chui này vô cùng vất vả và khó khăn.

Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam.  Ảnh: Internet
Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam. Ảnh: Internet

Đứng từ góc độ tính chất công việc: Những lao động chui Việt Nam ở Hàn Quốc thường phải chấp nhận bất cứ công việc gì được nhận để có thu nhập. Những năm đầu 2000, lao động chui ở Hàn Quốc thường có mức thu nhập cao hơn (gấp 1,5 đến 2 lần) so với lao động mới được ký hợp đồng, do tay nghề chuyên môn vững và khả năng thích ứng cao cùng với nhu cầu của thị trường lao động khá lớn. Bởi vậy, có rất nhiều lao động mới sang một thời gian ngắn cũng tự ý phá bỏ hợp đồng để ra ngoài làm với mục đích kiếm được thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước tình trạng ngày càng có nhiều lao động Việt Nam cũng như lao động của các quốc gia khác bỏ trốn ra ngoài, cộng với số lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước mà vẫn tiếp tục sống, làm việc chui ở đây, cùng với khủng hoảng kinh tế năm 2008, thu nhập của lao động chui đã bị giảm nhiều. Mức thu nhập chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn không đáng kể (khoảng 100-200 USD/tháng) so với mức thu nhập khi còn hạn hợp đồng. Cá biệt có trường hợp thu nhập còn sụt giảm do không tìm kiếm được công việc phù hợp. Họ phải lựa chọn những công việc vất vả hơn để duy trì cuộc sống.

Vì cuộc sống mưu sinh

Anh N.V.K ở Vũ Thư (Thái Bình) là lao động "chui” tại Hàn Quốc. Hết hạn hợp đồng từ 10-2012 nhưng anh K không về nước mà tiếp tục ở lại xứ người để kiếm kế mưu sinh. Anh cho biết làm việc chui rất vất vả. Những năm gần đây, các công ty Hàn Quốc cũng rất ngại thuê người nước ngoài hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp họ đang lâm vào vấn đề tài chính khó khăn, ở những vùng xa trung tâm với điều kiện sống và làm việc kham khổ, hoặc người lao động phải vững về tay nghề, được chủ yêu quý. Bởi, nếu như lao động chui bị bắt thì chính chủ doanh nghiệp cũng bị phạt. Hơn nữa, những lao động chui như anh K thường phải chọn làm việc ca đêm. Đó là khoảng thời gian ít bị công an Hàn Quốc kiểm tra và đi lại cũng an toàn hơn.

Theo anh K, những lao động chui như anh khi di chuyển thường hạn chế các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm và tránh những nơi đông người. Khi có việc cần, họ thường đi taxi. Giá có cao hơn một chút nhưng độ an toàn cũng cao hơn. Chát với anh qua internet, tôi hỏi anh về cuộc sống của bạn anh đang làm việc chui tại đây. Anh cho biết: "Có người may mắn thì kiếm được công việc tử tế, có thu nhập. Nhưng cũng có không ít người vì nhiều lý do, lại đi trộm cắp, cờ bạc, thậm chí cướp giật. Có khi còn cướp của chính đồng bào mình”. Chia tay anh, tôi hỏi tại sao lại không về Việt Nam mà chấp nhận sống một cuộc sống bấp bênh, khó khăn, thậm chí là nguy hiểm như thế, anh K trả lời: "Về thì biết làm gì ra tiền. Công việc mình đang làm ở bên này tuy có vất vả nhưng thu nhập cũng ổn định và cao hơn so với mặt bằng chung trong nước. Thế nên, dù khó khăn đến mấy anh cũng như những người Việt đang làm việc chui ở thế giới ngầm của xứ sở kim chi này đều quyết bám trụ đến cùng./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com