Phá vỡ bế tắc

08:10, 01/10/2013

Vượt qua bất đồng và những tranh cãi dai dẳng, HĐBA LHQ cuối cùng đã thông qua được bản dự thảo nghị quyết đầu tiên về Xy-ri. Đây có thể coi là một bước tiến lịch sử, phá vỡ thế bế tắc cho cuộc khủng hoảng ở Xy-ri kể từ khi cuộc xung đột bùng phát tại quốc gia này hơn 30 tháng qua.

Với Mỹ, việc chấp nhận bản nghị quyết cho thấy Oa-sinh-tơn cho dù trước đó có những động thái “giương gươm, múa súng” nhưng xem ra giải pháp phi vũ lực vẫn là phù hợp hơn cả. Với Nga, đây có thể coi là phần thưởng cho nỗ lực không mệt mỏi suốt mấy năm qua nhằm tìm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Xy-ri. Vì vậy, bất chấp những ý kiến cho rằng bản nghị quyết về Xy-ri lần này là một nước cờ ngoại giao, một bước đi chính trị có tính toán của cả Mỹ và Nga nhằm tạo lối thoát cho tất cả, thì đây vẫn là một bản nghị quyết giá trị đối với Xy-ri. Nó giúp đem lại hy vọng cho những người dân Xy-ri đang gần như tuyệt vọng trong bế tắc và đau thương.

Cuộc họp của HĐBA LHQ về vấn đề Xy-ri. Ảnh: Internet
Cuộc họp của HĐBA LHQ về vấn đề Xy-ri. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách thực tế rằng, đối với Xy-ri, bản nghị quyết “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” như vậy cũng chưa thể đảm bảo chắc chắn cho một tương lai hòa bình. Bởi đây là một bản nghị quyết có tính ràng buộc, trong đó vẫn để ngỏ khả năng giải pháp vũ lực cũng như vận dụng các quy định trong Điều 7 của Hiến chương LHQ nếu Xy-ri không tuân thủ những quy định trong đó. Mặc dù đồng ý thông qua nghị quyết, nhưng Oa-sinh-tơn vẫn tuyên bố Xy-ri sẽ không tránh được đòn trừng phạt nếu vi phạm bản nghị quyết, cụ thể là không tuân thủ kế hoạch giải giáp vũ khí hóa học theo như thỏa thuận Nga - Mỹ đạt được tại Giơ-ne-vơ đầu tháng này. Mỹ hiện vẫn giữ nguyên lực lượng hải quân ở Địa Trung Hải nhằm răn đe và phòng ngừa những biến cố có thể xảy ra. Vì thế, vấn đề đặt ra là Xy-ri sẽ đi về đâu sau bản nghị quyết này? Nghị quyết vạch ra một lộ trình chính trị với bước đi chủ chốt là thành lập một chính quyền Xy-ri chuyển tiếp có đầy đủ quyền hành pháp. Chính quyền chuyển tiếp được thành lập trên nguyên tắc đồng thuận bao gồm thành viên của chính phủ Xy-ri hiện nay, phe đối lập cùng một số nhóm khác. Tiến trình này đòi hỏi sự đoàn kết, nhất trí, thậm chí là những nhượng bộ, nên đối với Xy-ri sẽ không hề đơn giản trong bối cảnh đang chia rẽ sâu sắc. Phe đối lập hiện nay ở Xy-ri đã suy yếu cả trên chiến trường và gần như vô tổ chức. Khoảng 30 nhóm nổi dậy thuộc phe đối lập đã tuyên bố rời khỏi “chiến hào chung” chống lại Tổng thống An Át-xát của phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn và cánh quân sự thuộc lực lượng này.

Diễn biến phức tạp của cuộc nội chiến đang diễn ra ở Xy-ri cộng với sức ép cứng rắn từ bên ngoài khiến chính quyền của ông An Át-xát phải cùng lúc đối phó với cả hai mặt trận đối nội lẫn đối ngoại đều cam go. Bài học ở I-rắc và gần đây nhất Ai Cập là một ví dụ cho thấy lộ trình chính trị được vạch ra thì dễ nhưng thực hiện không hề đơn giản. Tranh giành quyền lực giữa phe phái, sắc tộc, tôn giáo khiến những quốc gia chìm sâu vào khủng hoảng chính trị và bạo lực đẫm máu. Không có gì đảm bảo Xy-ri, quốc gia luôn sống chung với tình trạng chia rẽ sắc tộc, tôn giáo sẽ tránh không sa vào chiếc vòng luẩn quẩn đó. Trong bối cảnh ấy, để có một tương lai ổn định cho Xy-ri đòi hỏi những nỗ lực tiếp theo của cả Xy-ri và cộng đồng quốc tế, vì bản nghị quyết mới chỉ giúp phá vỡ thế bế tắc chứ chưa phải là giải pháp cuối cùng. Sau bản Nghị quyết 2118, dự kiến hội nghị Giơ-ne-vơ 2 sẽ được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 11 năm nay, tạo diễn đàn đối thoại và hòa giải cho chính quyền Xy-ri với các phe phái đối lập. Nhưng không có gì đảm bảo hội nghị sẽ thành công nếu các bên liên quan không tuân thủ Nghị quyết. Nghị quyết nêu rõ không chỉ chính phủ Xy-ri phải chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết mà cả phe đối lập cũng phải hợp tác với các chuyên gia quốc tế, hơn nữa, tất cả các quốc gia hỗ trợ cho phe đối lập Xy-ri cũng phải tuân thủ văn kiện này. Như Ngoại trưởng Xy-ri tự tin phát biểu sau khi Nghị quyết được thông qua rằng, cuộc khủng hoảng tại nước này có thể kết thúc trong vài tuần tới nếu các nước ngừng hỗ trợ tài chính và vũ trang cho phe nổi dậy.

Có thể khẳng định, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cộng đồng quốc tế cần phải có trách nhiệm cao nhất trong việc ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến tranh bùng phát và lan rộng ở khu vực kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết phải bằng việc tuân thủ nghiêm Nghị quyết vừa được HĐBA LHQ thông qua. Và quan trọng hơn, đây là dịp để chứng minh và tạo tiền lệ tốt rằng, giải pháp ngoại giao có thể giúp xử lý mọi vấn đề, kể cả tháo ngòi nổ chiến tranh./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com