Những hệ lụy của việc Chính phủ Mỹ đóng cửa

08:10, 04/10/2013

Lần đầu tiên kể từ sự cố tương tự vào đầu năm 1996, Quốc hội Mỹ đã không đạt được thỏa thuận về kế hoạch chi tiêu ngân sách, đẩy Chính phủ rơi vào cảnh phải ngừng hoạt động. Trong khi có tới cả triệu người vốn đang làm việc cho các cơ quan Nhà nước buộc phải nghỉ ở nhà, không có lương và nền kinh tế có thể bị thiệt hại không hề nhỏ, thì những nhà lập pháp tại “Xứ cờ hoa” vẫn còn loay hoay trong mớ mâu thuẫn chưa biết sẽ được giải quyết như thế nào.

Phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng trong ngày 1-10 - một ngày sau khi một bộ phận công sở của Chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động - Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã lên tiếng chỉ trích các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Ông nêu rõ, các nghị sĩ Cộng hòa đã tiến hành một "chiến dịch ý thức hệ" nhằm loại bỏ đạo luật cải tổ y tế do ông đề xuất - được biết đến với tên gọi "Obamacare". Theo ông, những người Cộng hòa phải chịu trách nhiệm về việc Chính phủ tạm ngừng hoạt động khi muốn phủ nhận chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ cho hàng triệu người dân Mỹ.

Tổng thống Ô-ba-ma cũng tuyên bố sẽ phủ quyết ba dự luật ngân sách khẩn cấp mà các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện dự định phê chuẩn để nối lại các chương trình cựu chiến binh, mở cửa trở lại các công viên cấp liên bang cũng như các hoạt động tại quận Cô-lum-bi-a.

Đài Tưởng niệm Lin-côn ở Oa-sinh-tơn đóng cửa ngày 1-10. Ảnh: Internet
Đài Tưởng niệm Lin-côn ở Oa-sinh-tơn đóng cửa ngày 1-10. Ảnh: Internet

Trong khi đó, việc một bộ phận công sở của Chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa lần đầu tiên trong 17 năm qua đã ngay lập tức tác động không chỉ tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân Mỹ mà còn có những tác động không nhỏ tới toàn thế giới. Dự kiến sẽ có từ 800.000 đến một triệu người trong tổng số 2,8 triệu người sẽ phải nghỉ việc không lương.

Hiện tại, trên thị trường chứng khoán, các chỉ số tương lai vẫn đang tăng nhẹ, nhưng theo giới phân tích, xu hướng này chủ yếu là do giới đầu tư trước đó vẫn hy vọng về một thỏa thuận ngân sách. Sự đi xuống của thị trường chứng khoán rất có thể sẽ xảy ra, nếu như tình trạng ngưng hoạt động của Chính phủ Mỹ kéo dài không chỉ vài ngày. Thêm vào đó, trên thị trường ngoại hối, đồng USD bắt đầu giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. Giá vàng trên thị trường Mỹ đêm 1-10 (rạng sáng 2-10 giờ Việt Nam) cũng giảm tới mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua.

Hãng nghiên cứu IHS dự đoán, Mỹ sẽ bị thiệt hại ít nhất 300 triệu USD mỗi ngày do sản lượng kinh tế sụt giảm. Mức ảnh hưởng này sẽ gia tăng nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, khiến niềm tin và chi tiêu của các doanh nghiệp, người tiêu dùng suy giảm. Nếu chính phủ đóng cửa trong vòng 1 tuần, GDP quý 4 của Mỹ sẽ tăng 2% so với cùng kỳ, nếu dài hơn thì tốc độ có thể còn 0,9-1,4%.

Thăm dò công bố ngày 1-10 của Roi-tơ/Ipsos cho biết, có 44% những người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng, cả Nhà Trắng và Quốc hội đều phải chịu trách nhiệm về việc đóng cửa này, trong đó có 25% đổ lỗi cho phe Cộng hòa, 14% quy trách nhiệm cho chính quyền Ô-ba-ma và 5% đổ lỗi cho các nhà lập pháp Dân chủ.

Việc một bộ phận Chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa cũng tác động không nhỏ tới thế giới. Phát biểu khi đang ở thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ cảnh báo, việc chính phủ đóng cửa có thể làm tổn thương uy tín, khiến các đồng minh đặt câu hỏi về các cam kết của Mỹ. Các hoạt động ngoại giao sẽ bị ảnh hưởng vì các chuyến công du nước ngoài của các quan chức ngoại giao bị hạn chế. Du khách nước ngoài thăm Mỹ có thể sẽ thất vọng vì nhiều khu du lịch cấp liên bang sẽ đóng cửa, nhất là ở Thủ đô Oa-sinh-tơn.

Việc đóng cửa này là hậu quả trực tiếp của 3 năm ròng đấu đá, giành giật quyền lực không khoan nhượng giữa Nhà Trắng và Quốc hội, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa xung quanh các chính sách cắt giảm chi tiêu, cải cách thuế má và hệ thống chăm sóc sức khỏe - y tế. Cuộc đấu đá giành giật quyền lực này sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh trần nợ quốc gia 16.700 tỷ USD sắp tới hạn mà nếu Quốc hội không cho phép nâng mức trần thì Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn được quyền vay mượn để chi cho hoạt động của các bộ, ngành và các chương trình phúc lợi xã hội.

Việc các công sở phải đóng cửa trong bao lâu giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhượng bộ giữa các phe phái. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vẫn chưa thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về sự xuống thang của hai bên. Yếu tố bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014 và tổng tuyển cử vào năm 2016 càng làm cho các bên quả quyết hơn với quan điểm của mình. Kết quả của cuộc đấu giữa hai phe trong Quốc hội Mỹ vẫn còn đang ở phía trước, song dù bên nào chiến thắng chắc chắn cũng sẽ phải chịu những mất mát không hề nhỏ./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com