Người Việt xa xứ và việc gìn giữ tiếng Việt

08:10, 25/10/2013

Ngày 22-10, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức hội thảo "Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”. Nhiều ý kiến đề xuất, cần tìm những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt, qua đó quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Ngôn ngữ là quốc hồn

Tiếng Việt là cội rễ dân tộc. Gìn giữ tiếng Việt là gìn giữ nét đặc trưng nhất của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự gắn kết với các cộng đồng người Việt trên thế giới. Các thế hệ người Việt Nam xa xứ luôn quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt như một việc làm tất yếu để gìn giữ bản sắc dân tộc. Các thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra tại nước ngoài gắn với nếp sống, ngôn ngữ của nước sở tại do vậy tiếng Việt chỉ được coi là ngôn ngữ thứ 2. Vậy làm thế nào để trẻ yêu thích học tiếng Việt đang trở thành vấn đề cấp thiết, là nỗi niềm đau đáu của các bậc cha mẹ người Việt sinh sống ở nước ngoài.

Giám đốc kênh VTC10 Phan Chí Thanh cho biết, xu hướng phát triển của truyền thông đa phương tiện đang được ứng dụng trong việc bảo tồn cho nhiều ngôn ngữ. VTC10 đã tiến hành tích hợp truyền thông đa phương tiện trong công tác giảng dạy tiếng Việt (từ năm 2010) cho trẻ em Việt Nam là người nước ngoài với 2 phiên bản: Ella chào Việt Nam, Học tiếng Việt và Tiếng Việt của bé thu hút được nhiều đối tượng người xem. Các bé trong độ tuổi từ 4-6 rất thích thú với chương trình này. Nhiều bậc phụ huynh đề nghị in lại đĩa ghi hình các chương trình để giúp các bé không chỉ học mà còn giải trí. "Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tích hợp các chương trình, các bài giảng tiếng Việt qua các thiết bị di động thông minh như: ipad, máy tính bảng…”, ông Thanh khẳng định.

Nhiều cái khó trong dạy và học tiếng Việt

Giữ gìn văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài.  Ảnh: Internet
Giữ gìn văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Internet

Nhu cầu học tiếng Việt rất cấp thiết đối với cộng đồng người Việt Nam sinh sống khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, việc dạy và học đang gặp không ít khó khăn. PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam có dẫn ra rất nhiều cái khó khiến các thế hệ người Việt sinh sống tại nước ngoài chưa tiếp cận được việc học tiếng Việt. Cái khó đầu tiên phải kể đến môi trường dạy và học chưa thuận lợi. Trong khi tại các gia đình, cha mẹ chưa duy trì việc sử dụng tiếng Việt, thì ngoài xã hội tiếng Việt chưa được xem là một trong những ngôn ngữ thứ 2 mà học sinh có quyền lựa chọn, do đó không tạo ra động lực cho học sinh học tiếng Việt. Thứ 2, tài liệu sử dụng để dạy không đảm bảo yêu cầu. Các cơ sở dạy tiếng Việt hầu hết đều ở tình trạng không có tài liệu dạy tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ 2.

Việc duy trì dạy tiếng Việt hết sức khó khăn, từ trước tới nay việc dạy và học đều do cộng đồng người Việt tự mày mò, mở lớp tìm người dạy. Trong khi đó, đa số đội ngũ giáo viên là kiêm nhiệm, vì họ còn phải mưu sinh khiến việc dạy và học có thể đứt đoạn bất kỳ lúc nào. Có thể nói, việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài chưa bài bản, bởi hầu như các giáo viên không được trang bị kiến thức kỹ năng dạy học mà chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm sử dụng tiếng Việt mà họ đã trải nghiệm… Những lý do trên khiến phần đông giới trẻ học tiếng Việt bập bõm nên quên dần hoặc không biết tiếng Việt và có nguy cơ trở thành lớp người ngày càng xa rời bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc.

Cấp bách đổi mới phương thức dạy, học tiếng Việt

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, muốn dạy và học cho tốt cần có giáo trình dạy tiếng Việt. Ý thức được điều này, những năm qua các cơ quan, ban, ngành đã quan tâm đến việc biên soạn các bộ sách dạy tiếng Việt "Tiếng Việt vui và Quê Việt”. Đây là những bộ giáo trình giúp người Việt có thể tiếp cận việc học tiếng Việt. Giáo trình đã lồng việc học ngôn ngữ, kỹ năng nói tiếng Việt và văn hóa Việt. Thông qua quá trình học tập những thế hệ không được sinh ra tại Việt Nam cũng có thể hiểu về giá trị hai chữ cội nguồn qua đó sẽ góp phần quảng bá tiếng Việt, văn hóa Việt ra thế giới.

Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến nhấn vào phần giải pháp cho công tác dạy và học tiếng Việt. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đề nghị, phải trang bị cho giáo viên dạy tiếng Việt năng lực, ngôn ngữ và kỹ năng dạy tiếng, đồng thời phải có nhiệt huyết truyền bá tiếng mẹ đẻ. Cần có hệ thống giáo trình chuyên dụng, soạn riêng cho con em người Việt theo các độ tuổi, trình độ khác nhau. Nội dung của giáo trình cũng phải mang sắc thái tâm hồn người Việt (như sách báo, tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng, ca dao, dân ca, thành ngữ của dân tộc)… Ngoài ra, cần lưu ý tới việc biên soạn các cuốn từ điển tiếng Việt riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung các chính sách, cơ chế điều kiện thích hợp. Đặc biệt, cần có sự điều tra, đánh giá chính xác thực trạng dạy và học tiếng Việt để đưa ra giải pháp phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Tới đây sẽ tổng kết 10 năm Nghị quyết 36 về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có tổng kết nội dung bảo tồn văn hóa, tiếng Việt với người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ, thế hệ thứ 2, 3, 4 sinh ra ở nước ngoài cần đưa việc giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho thế hệ này để họ đoàn kết cùng hướng về đất nước. Ông Sơn mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa trong đó có ngôn ngữ để tiếng Việt mãi trường tồn với người Việt./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com