A-rập Xê-út "khước từ" ghế Hội đồng Bảo an vì Mỹ?

08:10, 22/10/2013

Chỉ vài giờ sau khi được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), hôm 18-10 vừa qua, A-rập Xê-út tuyên bố từ chối tư cách thành viên không thường trực với nhiệm kỳ 2 năm tại cơ quan quyền lực nhất của LHQ. Giới phân tích nhận định, động thái bất ngờ của Ri-át có “dính dáng” đến Oa-sinh-tơn.

“Tẩy chay” cho tới khi HĐBA LHQ cải tổ

Theo Bộ Ngoại giao A-rập Xê-út, HĐBA LHQ đã không thể giải quyết được các cuộc xung đột lâu dài ở Trung Đông và cũng không giúp được khu vực này thoát khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Dẫn chứng mà A-rập Xê-út đưa ra là cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm ở Xy-ri và cuộc xung đột kéo dài dai dẳng chưa có hồi kết giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. “A-rập Xê-út nhận thấy phương thức và cơ chế hoạt động cũng như các tiêu chuẩn kép tại HĐBA LHQ đã khiến cơ quan này khó có thể gánh vác đầy đủ trách nhiệm đối với hòa bình thế giới", Roi-tơ dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao A-rập Xê-út nhấn mạnh. Ri-át cho biết, không thể tiếp nhận chiếc ghế ủy viên HĐBA LHQ cho tới khi cơ quan này đưa ra những hình thức cải tổ, song không nêu cụ thể mong muốn cải tổ điều gì. Đây là lần thứ hai trong tháng, A-rập Xê-út công khai thể hiện sự bất bình đối với LHQ. Hồi đầu tháng, Ngoại trưởng nước này đã rút lui không phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ vì giận dữ trước việc quốc tế không có hành động chống lại Xy-ri và vì vấn đề I-xra-en và Pa-le-xtin.

Một chiếc ghế tại HĐBA LHQ là điều mà nhiều quốc gia mong muốn bởi nó sẽ giúp các nước này có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Do đó, quyết định chưa từng có tiền lệ của “gã khổng lồ” dầu mỏ đã ngay lập tức gây ra những phản ứng khác nhau từ cộng đồng quốc tế. Ngày 19-10, Tân Hoa xã dẫn lời Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) A.Dây-a-ni cho biết, GCC hoan nghênh việc Ri-át kêu gọi cải tổ HĐBA LHQ để tổ chức này có thể đảm nhiệm việc giải quyết những vấn đề an ninh và hòa bình thế giới.

Một phiên họp của HĐBA LHQ. Ảnh: Internet
Một phiên họp của HĐBA LHQ. Ảnh: Internet

Trong phản ứng đầu tiên của LHQ liên quan tới quyết định trên của A-rập Xê-út, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun cho biết, ông rất lưu tâm tới quyết định của Ri-át, nhưng vẫn “chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về vấn đề này". Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ G.Xa-ki nói: “Về phần mình, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với A-rập Xê-út về các vấn đề mà chúng tôi cùng quan tâm. Chúng tôi không thể nhất trí với tất cả các đối tác của mình trong mọi vấn đề và đây cũng không phải là mong đợi của chúng tôi”.

Việc khước từ ghế ủy viên HĐBA LHQ của A-rập Xê-út đã vấp phải sự chỉ trích của Nga. Mát-xcơ-va lên án sự lý giải “khác thường” của Ri-át khi cho rằng, HĐBA LHQ đã thất bại trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Xy-ri. "Chúng tôi bất ngờ với quyết định chưa từng có tiền lệ của A-rập Xê-út. Lý luận của nước này gây tâm lý hoang mang và sự chỉ trích đối với HĐBA LHQ liên quan tới cuộc xung đột Xy-ri thật khác thường", thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Mặc dù bày tỏ "sự tôn trọng và hiểu biết" đối với lập trường của “người anh em A-rập Xê-út", thế nhưng đại sứ các nước A-rập tại LHQ khẳng định sự đại diện của A-rập Xê-út cho thế giới A-rập và Hồi giáo trong HĐBA LHQ là quan trọng, đặc biệt "ở giai đoạn quyết định và có tính chất lịch sử này đối với khu vực Trung Đông”.

Dấu hiệu lạnh nhạt trong quan hệ với Oa-sinh-tơn

Đánh giá về động thái chưa từng có tiền lệ này của A-rập Xê-út, giới phân tích cho rằng hành động của Ri-át chủ yếu nhằm thể hiện sự bất bình với Mỹ, một ủy viên thường trực của HĐBA LHQ. "Giờ đây chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng, quyết định của Ri-át cho thấy sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa Mỹ và A-rập Xê-út. Xy-ri và I-ran là hai lý do nổi bật nhất cho sự chuyển hướng trong mối quan hệ ấy", Giáo sư C.Đun-ba thuộc Đại học Boston bình luận với hãng tin AP. Chung quan điểm này, chuyên gia G.Lô-pét thuộc Viện Hòa bình Mỹ nhận định: “Tôi cho rằng, hầu hết các nhà phân tích đều nhận thấy đây là một phản ứng của A-rập Xê-út về sự bất bình của nước này với Mỹ trước các quyết định của Oa-sinh-tơn trong vấn đề Ai Cập, những đề xuất và những triển vọng về một sự thỏa hiệp giữa Mỹ và I-ran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi và cả trong việc Mỹ rút lại kế hoạch tấn công Xy-ri”.

Trên thực tế, trong khi Ri-át ủng hộ lực lượng đối lập trong cuộc xung đột tại Xy-ri thì việc Mỹ “rút lại” các mối đe dọa quân sự đối với chính quyền Đa-mát trước cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông vừa qua, thực sự chẳng khác nào một gáo nước lạnh đối với đồng minh chủ chốt của Oa-sinh-tơn tại Vùng Vịnh. Ngoài ra, những diễn biến thời gian qua tại Ai Cập cũng là nguyên nhân khiến quan hệ đồng minh giữa Mỹ và A-rập Xê-út “lục đục”. Nếu như A-rập Xê-út ủng hộ mạnh mẽ việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống M.Mơ-xi, thậm chí còn viện trợ thêm hàng tỷ USD cho chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn tại Ai Cập, thì Mỹ lại lên tiếng chỉ trích hành động của quân đội Ai Cập và hôm 9-10 vừa qua đã tuyên bố kế hoạch cắt viện trợ quân sự cho Cai-rô. Một điều đáng lưu ý khác là động thái của A-rập Xê-út đưa ra cũng đúng vào thời điểm mà mối quan hệ giữa Mỹ và I-ran, một đối thủ của A-rập Xê-út trong khu vực, đang có những dấu hiệu được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran.

Có một thực tế phải thừa nhận là cho dù quyết định của A-rập Xê-út là xuất phát từ sự không hài lòng của nước này với HĐBA LHQ hay đồng minh Mỹ, thì việc Ri-át thẳng thừng khước từ tư cách thành viên cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của HĐBA, vốn là cơ quan có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề quốc tế./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com