Trung Quốc tuyên chiến với tình trạng ô nhiễm không khí

08:09, 16/09/2013

Năm quan chức tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc vừa bị đình chỉ công tác do liên quan đến một vụ ô nhiễm đang trong quá trình điều tra tại một trường tiểu học địa phương. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí ở tỉnh Chiết Giang nói riêng và ở nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc nói chung.

Ô nhiễm không chừa trường học

Ngày 4-9, trong khi đang học trên lớp, 19 học sinh Trường Tiểu học số 9 ở Thị xã Nhạc Thanh của Thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang đã bị chảy máu cam và có triệu chứng nôn mửa, đau đầu, đau bụng. Đến ngày 9-9 có thêm hai em khác cũng bị chảy máu cam. Tuy trẻ em là đối tượng dễ bị chảy máu cam, đặc biệt là do thời tiết thay đổi hoặc đôi khi do căng thẳng thần kinh, song các chuyên gia Sở Y tế tỉnh Chiết Giang kết luận hiện tượng chảy máu cam hàng loạt ở các em nhỏ tại Trường Tiểu học số 9 một phần là do các khí độc thải ra từ các nhà máy ở gần khu vực trường học.

Sau khi vụ việc xảy ra, các quan sát viên môi trường tại Nhạc Thanh đã phá hủy các tòa nhà được xây trái phép xung quanh trường học và đình chỉ hoạt động 49 nhà máy cùng phân xưởng trong vòng bán kính 1km để phục vụ công tác điều tra. Kết quả điều tra sơ bộ của Cơ quan bảo vệ môi trường tỉnh Chiết Giang xác nhận, một lượng lớn chất formaldehyde quá mức cho phép đã được phát hiện tại các phòng học của Trường Tiểu học số 9. Nguồn tin cũng cho biết, các nhân viên điều tra đã thu được các loại khí độc hại như hydroclorua và acid cromic trong không khí từ các nhà máy xung quanh trường học.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn của Trung Quốc. Ảnh: Internet
Tình trạng ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn của Trung Quốc. Ảnh: Internet

Trong bản báo cáo mang tên "Các điều kiện môi trường", Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc thừa nhận, nhìn chung các vấn đề môi trường đều nghiêm trọng. Số liệu trong báo cáo cho thấy, tỷ lệ nước ngầm tại 198 thành phố có chất lượng "tệ" hoặc "cực kỳ tệ" chiếm 57,3% trong năm 2012 và hơn 30% sông lớn của Trung Quốc bị "ô nhiễm" hoặc "ô nhiễm nghiêm trọng". Một cuộc nghiên cứu khác do Chính phủ Trung Quốc thực hiện cũng cho thấy, 10% đất nông nghiệp ở nước này chứa kim loại nặng như thủy ngân, chì và cadmium với nồng độ vượt tiêu chuẩn an toàn. Các kim loại đó có thể gây tổn thương ở hệ thần kinh, hệ sinh sản và thận, cũng như gây ra những biến chứng sức khỏe khác, đặc biệt ở trẻ em.
Zhou Rong, một nhà hoạt động xã hội của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, nhận định rằng, tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn từ đầu năm nay. Hiện nay, tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, lượng hạt bụi PM2.5 thường vượt quá mức giới hạn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép. Những hạt bụi nhỏ này sinh ra chủ yếu từ việc đốt than đá, dầu lửa, tiêu thụ xăng, dầu trong giao thông. Chúng có thể bay vào phổi và gây ra nhiều bệnh tật. Ô nhiễm không khí đã khiến tuổi thọ của người dân Trung Quốc ở miền Bắc thấp hơn người dân ở miền Nam. Lý do là ở miền Bắc hoạt động đốt than đá diễn ra mạnh mẽ hơn trong nhiều thập niên, khiến nồng độ bụi PM2.5 tăng vọt.

Kế hoạch “làm sạch không khí”

Trong một nỗ lực điều chỉnh cơ cấu sử dụng năng lượng và thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch của nước này, ngày 12-9 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch giảm mức độ ô nhiễm không khí của nước này với nhiều biện pháp đa dạng. Theo đó, Trung Quốc dự định sẽ cắt giảm mức độ tiêu thụ than đá xuống dưới 65% trong tổng mức sử dụng năng lượng cơ bản vào năm 2017. Nước này cũng sẽ cắt giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng tính trên giá trị một sản phẩm công nghiệp vào năm 2017 so với năm 2012.

Các biện pháp cụ thể mà Trung Quốc sẽ áp dụng bao gồm việc thay thế dần dần các nhà máy điện sử dụng than đá bằng các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời nhanh chóng cơ cấu lại các nhà máy luyện thép và xi măng có thải khí lưu huỳnh, ni-tơ và khói bụi ra môi trường. Bắc Kinh cũng kêu gọi các cơ sở lọc dầu cải tiến công nghệ nhằm cung cấp các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường. Các biện pháp mới sẽ được áp dụng đầu tiên tại khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc. Ngoài ra, chính phủ cũng cấm xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá tại hai khu vực châu thổ sông Dương Tử và châu thổ Châu Giang.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch chi 1.700 tỷ Nhân dân tệ (277 tỷ USD) để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong 5 năm tới./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com