Thế giới tuần qua: "Quả bom hẹn giờ"

08:09, 07/09/2013

Những thông tin về tình hình Syria, quan hệ liên Triều ấm dần lên, BRICS thành lập Quỹ ổn định tiền tệ… luôn được bạn đọc toàn cầu quan tâm trong tuần qua.

1. Ngày 5-9, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power tuyên bố, Mỹ đã chấm dứt nỗ lực hợp tác với HĐBA LHQ trong quyết định về việc tấn công Syria. Tuyên bố này cho thấy, Washinton đã bắt đầu có những động thái dọn đường cho việc tấn công quân sự vào Syria, bất chấp HĐBA LHQ có đồng ý hay không.

Dù có hay không có can thiệt quân sự của Mỹ và đồng minh thì Syria vẫn "không một ngày bình yên". Ảnh: Reuters
Dù có hay không có can thiệt quân sự của Mỹ và đồng minh thì Syria vẫn "không một ngày bình yên". Ảnh: Reuters

Trong khi đó, cộng đồng thế giới đang cho thấy sự bất đồng xung quanh vấn đề Syria, khiến cho “khoảng cách” giữa các nước lớn như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh đang ngày càng xa dần. Hiện Nga và Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường phản đối tấn công quân sự chống Syria và ủng hộ tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết cho phép chính quyền của Tổng thống Barack Obama sử dụng vũ lực chống Syria. “Cửa ải” cuối cùng sẽ là Quốc hội Mỹ, dự tính làm việc trở lại từ ngày 9-9.

2. Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 6-9 thông báo, CHDCND Triều Tiêu lần đầu tiên cho phép kéo cờ và hát quốc ca Hàn Quốc được tiến hành tại miền Bắc. Động thái mới được đưa ra sau khi CHDCND Triều Tiên mời đội cử tạ Hàn Quốc dự Giải Vô địch Cử tạ liên câu lạc bộ và Cúp châu Á 2013, dự kiến diễn ra ở Bình Nhưỡng từ ngày 11 đến 17-9.

Khu công nghiệp Kaesong quan sát từ khu vực phi quân sự tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Trước đó, CHDCND Triều Tiên đã đồng ý nối lại đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc vào ngày 10-9.

Những cử chỉ như trên giữa hai bên tiếp theo sau hàng loạt dấu hiệu cải thiện quan hệ liên Triều, từ thỏa thuận tái khởi động khu công nghiệp chung Kaesong - nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng, đến việc sắp xếp cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt do Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

3. Bộ trưởng Nội Vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim đã sống sót sau một vụ ám sát vào ngày 5-9 sau khi một quả bom phát nổ khi đoàn xe của ông đi qua.

Ông là một trong những quan chức chịu trách nhiệm về việc trừng trị thẳng tay những người ủng hộ Mohamed Morsi, Tổng thống Hồi giáo bị lật đổ hai tháng trước bởi lực lượng quân đội.

An ninh được thắt chặt tại hiện trường nơi quả bom phát nổ nhắm vào đoàn xe của Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập ngày 5-9. Ảnh: Reuters

Ngày 6-9, các phương tiện truyền thông Ai Cập đưa tin, Chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn sẽ giải tán phong trào Anh em Hồi giáo với tư cách là một tổ chức phi chính phủ. Quyết định trên được đưa ra sau khi có những cáo buộc cho rằng tổ chức này đã sử dụng trụ sở của mình để chứa vũ khí và các chất nổ.

4. Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã nhất trí đóng góp vào Quỹ ổn định tiền tệ chung của khối này trị giá 100 tỷ USD, nhằm duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ mỗi nước trước những bất ổn bên ngoài, như khả năng Mỹ nới lỏng các biện pháp kích thích kinh tế trong thời gian tới.

Trung Quốc, nước có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, sẽ đóng góp nhiều nhất cho quỹ ổn định tiền tệ chung của khối.

Lãnh đạo BRICS đã thống nhất về quỹ ổn định tiền tệ. Ảnh Reuters

Hồi tháng 3 vừa qua, nhóm BRICS đã nhất trí về nguyên tắc thành lập một ngân hàng đầu tư, song các bên còn bất đồng về mức độ đóng góp của mỗi thành viên trong nhóm.

5. Ngày 5-9, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) chính thức bắt giữ nghị sĩ Lee Seok-ki thuộc đảng cánh tả UPP với cáo buộc mưu phản để ủng hộ CHDCND Triều Tiên.

Bộ trưởng Tư pháp Hwang Kyo-Ahn cho biết, Lee tin rằng chiến tranh với miền Bắc sớm muộn gì cũng xảy ra và đã lập một nhóm bí mật mang tên Tổ chức Cách mạng (RO) để tấn công phá hoại Hàn Quốc từ bên trong.

Nghị sĩ Lee Seok-ki la hét phản đối khi bị bắt. Ảnh: AFP

Trong đó, Lee và các đồng sự dự tính rằng, một khi chiến sự bắt đầu, họ sẽ lợi dụng tình hình hỗn loạn để phá hoại cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc, đồng thời kích động người dân chống lại lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc.

6. Do tranh chấp lãnh thổ bùng nổ liên quan đến việc Bắc Kinh đặt 75 khối bê tông tại bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), Manila đã triệu hồi đại sứ Philippines tại Trung Quốc về nước.

Bãi cạn Scarborough, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Ảnh: CNN

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, Đại sứ nước này tại Trung Quốc, bà Erlinda Basilio, sẽ tham vấn với các quan chức chính phủ Philippines về cách thức đối phó với những hành động của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough.

Các khối bê tông làm dấy lên quan ngại ở Manila rằng, Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch xây dựng các công sự, thậm chí căn cứ quân sự trong vùng lãnh thổ tranh chấp.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com