Thế giới tuần qua: Nga muốn Mỹ ngừng đe dọa quân sự Syria

08:09, 14/09/2013

Bằng nỗ lực của cộng đồng quốc tế, “ngòi nổ” Syria tạm thời an toàn. Song, Mỹ tuyên bố, vẫn để ngỏ khả năng tấn công quân sự để “răn đe” thì ngòi nổ này vẫn có thể được kích hoạt bất kỳ lúc nào. Những dấu hiệu bất ổn ở Ai Cập đang quay trở lại. Chính quyền Ai Cập tiếp tục đưa ra các biện pháp mạnh để sớm ổn định tình hình. Campuchia cũng đang căng thẳng do CNRP cố tình không chấp nhận kết quả bầu cử và dọa sẽ tổ chức nhiều cuộc biểu tình gây mất ổn định đất nước… là những thông tin nổi bật tuần qua.

Ngoại trưởng Nga và Mỹ trong cuộc gặp tại Geneve. Ảnh: FT.com
Ngoại trưởng Nga và Mỹ trong cuộc gặp tại Geneve. Ảnh: FT.com

1. Việc Syria chấp nhận đề xuất của Nga đặt các kho vũ khí hóa học của nước này dưới sự kiểm soát của quốc tế, đã khiến tình hình Syria đang biến chuyển theo chiều hướng tích cực hơn. Mỹ cho dù chấp nhận một cách thận trọng về thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học của Syria, song Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, không quên cảnh báo rằng Washington vẫn coi tấn công để răn đe là một lựa chọn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov nói rõ, Nga muốn Mỹ ngừng những đe dọa quân sự vào thời điểm hiện tại. Ông cho rằng một kế hoạch tấn công Syria của Mỹ là không cần thiết khi Syria đồng ý giao nộp vũ khí hóa học và tham gia Hiệp ước Quốc tế cấm vũ khí hóa học.

Ngoại trưởng John Kerry tại hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 12-9, cho rằng đề xuất của Nga về kế hoạch bốn bước nhằm kiểm soát và xử lý vũ khí hóa học của Syria là một giải pháp. Đề xuất của Nga đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thiện chí của Syria đã bộc lộ rõ hơn khi tối 12-9, LHQ nhận được văn bản chính thức từ Chính phủ Syria về gia nhập Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hóa học, bước đi đầu tiên trong lộ trình bốn bước. Bước tiếp theo, Syria sẽ phải công bố vị trí của các kho vũ khí hóa học, nguồn gốc xuất xứ để các thanh sát viên quốc tế tới Syria kiểm chứng và cuối cùng sẽ hợp tác với các thanh sát viên về cách thức tiêu hủy vũ khí hóa học.

Đã có những tín hiệu tích cực từ Mỹ. Ngày 12-9, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf ghi nhận đây là một bước tiến quan trọng. Những thông tin dồn dập về Syria khiến nước Mỹ đang lúng túng. Cho tới thời điểm hiện tại Mỹ thừa nhận cho tới nay Mỹ vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục về vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria ngày 21-8 vừa qua.

Về vấn đề này, Nga tuyên bố, có bằng chứng về việc phe đối lập Syria sử dụng vũ khí hóa học. Ngày 11-9, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Alexei Pushkov tuyên bố nước này có bằng chứng về việc phe đối lập tại Syria sở hữu và sử dụng vũ khí hóa học. Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời ông Pushkov, cho biết Nga đã chuyển bằng chứng về việc phe đối lập Syria sử dụng vũ khí hóa học lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đề cập đến nguy cơ quốc gia thứ ba bị kéo vào cuộc xung đột ở Syria, ông Pushkov khẳng định rằng rõ ràng vẫn tồn tại một nguy cơ như vậy, vì hiện có thông tin (chưa được kiểm chứng) cho rằng phe đối lập ở Syria có ý định tấn công vào lãnh thổ Israel và sẽ "đổ vấy" hành động này cho Chính phủ Syria.

Người dân Syria ủng hộ chính quyền và Tổng thống đương ngiệm. Ảnh: Reuters

Cuộc xung đột Syria đã sang năm thứ ba (30 tháng) và đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, chưa kể hơn 6 triệu người Syria bị mất nhà cửa. UNICEF ước tính hơn 4 triệu trẻ em Syria bị tác động bởi cuộc nội chiến.

2. Tình hình Ai Cập có dấu hiệu xấu đi khi phe Hồi giáo tiếp tục tuần hành ủng hộ ông Mohamed Morsi. Ngày 10-9, hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi đã tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình ở trung tâm Cairo và một số tỉnh thành khác. Trước thời điểm diễn ra cuộc biểu tình này, quân đội và cảnh sát đã được đặt trong tình trạng báo động. Cảnh sát đặc biệt và Lực lượng An ninh Trung ương được triển khai dày đặc tại nhiều khu vực xung quanh các quảng trường lớn của Ai Cập.

Quân đội Ai Cập sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ảnh: cnn.com

Lo ngại những vụ biểu tình, bạo động có thể tái diễn, ngày 12-9, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour đã ra quyết định gia hạn thêm 2 tháng tình trạng khẩn cấp, vốn có hiệu lực từ trung tuần tháng 8, do tình hình an ninh chưa được cải thiện. Cũng trong ngày 12-9, dẫn một nguồn tin tư pháp Ai Cập cho biết phiên tòa dân sự xét xử Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi sẽ được tổ chức công khai và dự kiến diễn ra trong "tương lai gần". Cùng bị xét xử, một số thủ lĩnh tổ chức Anh em Hồi giáo cũng sẽ bị truy tố hình sự.

3. Cuối cùng thì Chính phủ Mỹ đã buộc phải tiết lộ những tài liệu tình báo Mỹ đã giải mật cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia của nước này (NSA) đã vi phạm các quy định về quyền riêng tư trong giai đoạn 2006-2009. Tiết lộ mới này đã đặt ra những câu hỏi về việc liệu NSA có khả năng quản lý khối lượng dữ liệu khổng lồ mà cơ quan này thu thập được và liệu Washington có thể bảo vệ quyền tư mật của người dân hay không.

Người biểu tình Đức phản đối chương trình nghe lén của NSA. Ảnh: telegraph.co.uk

Chưa hết, dư luận vô cùng bức xúc khi báo "The Guardian" (Người bảo vệ) (Anh) số ra ngày 11-9, tiết lộ NSA còn chia sẻ dữ liệu tình báo với quốc gia đồng minh Israel mà không kiểm duyệt những thông tin liên quan đến công dân Mỹ. Thông tin từ một báo khác của Đức, tờ "Tấm gương" (Der Spiegel) số ra ngày 8-9 cũng đưa tin việc các cơ quan tình báo của Đức hợp tác với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong nhiều năm để tiến hành chương trình do thám và “đánh cắp” thông tin từ thư điện tử, các cuộc gọi điện thoại, tìm kiếm trực tuyến và một số dữ liệu khác ở Đức cũng khiến dư luận nước này đang rất tức giận.

Hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong. Ảnh: theatlantic.com

4. Quan hệ hai miền Triều Tiên đang có dấu hiệu tích cực khi hai bên nhất trí mở lại khu công nghiệp Kaesong. Ngày 10-9, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí nối lại một cách trọn vẹn các hoạt động tại khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong vào ngày 16-9 tới, sau 5 tháng tạm ngừng hoạt động do căng thẳng giữa hai miền. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết các công ty của nước này sẽ khôi phục hoạt động tại khu công nghiệp sau khi vận hành thử nghiệm vào ngày 16-9. Hai miền Triều Tiên cũng có kế hoạch tổ chức một buổi triển lãm lưu động dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp Kaesong trong tháng 10 tới. Trước đó một ngày, ngày 9-9, các tổ chức phi chính phủ tại Hàn Quốc đã bắt đầu chuyển viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên giúp giảm bớt khó khăn cho người dân nước này. Những tín hiệu về sự ấm lên trong quan hệ hai miền được thể hiện rõ khi hai bên thống nhất, ngày 13-9, Hội Chữ thập đỏ hai miền Triều Tiên đã trao đổi danh sách các gia đình bị ly tán sẽ tham gia cuộc đoàn tụ sắp tới sau ba năm bị gián đoạn.

5. Xuất hiện nhiều dấu hiệu về sự căng thẳng tại Campuchia khi ngày 13-9, cảnh sát thủ đô Phnom Penh phát hiện và xử lý hai vụ đặt chất nổ, trong đó có một vụ chất nổ được đặt phía đối diện với cổng chính của Tòa nhà Quốc hội. Kể từ ngày Campuchia tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI đến nay, đã xảy ra ít nhất 2 vụ cài thuốc nổ tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kampong Speu.Các âm mưu đặt chất nổ sáng 13-9 được phát hiện trong bối cảnh 10 ngày nữa sẽ diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới. Cho đến nay, Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập vẫn kiên quyết tẩy chay phiên họp này và đe dọa tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn, đòi thành lập một ủy ban độc lập điều tra kết quả bầu cử.

Người dân Campuchia ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen. Ảnh: VOV

Những yêu sách phi lý của CNRP đang khiến tình hình tại Campuchia xấu đi. Trong nỗ lực nhằm giải quyết căng thẳng, ngày 12-9, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã gửi thư mời lãnh đạo hai đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và CNRP tới Hoàng Cung vào ngày 14-9 để cùng giải quyết các bất đồng. Cả hai đảng đều đã thông báo đồng ý tham dự cuộc họp. Tuy nhiên, ông Sam Rainsy, lãnh đạo CNRP, vẫn nhấn mạnh việc tham dự cuộc họp này không làm thay đổi lập trường của CNRP yêu cầu điều tra lại kết quả bầu cử đã được Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia vừa công bố chính thức vào ngày 8-9. Cho đến nay CNRP vẫn phản đối kết quả này và đòi thành lập một ủy ban đặc biệt có sự tham gia của Liên hợp quốc để điều tra những vi phạm xảy ra trong cuộc bầu cử vừa qua. Nguồn tin tại Campuchia cho biết, CNRP đang ráo riết chuẩn bị biểu tình vào ngày 15 và 17-9 để tiếp tục phản đối.

Trên cương vị lãnh đạo hợp hiến, đảng Nhân dân Campuchia đang tích cực chuẩn bị kế hoạch lãnh đạo đất nước, sẽ được Thủ tướng đương nhiệm Hun Sen và cũng là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới, trình bày tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa V, dự kiến tổ chức vào ngày 23-9.
CPP ra thông cáo báo chí chấp nhận kết quả bầu cử do NEC công bố đồng thời nhấn mạnh cuộc bầu cử đã diễn ra trong hòa bình, tự do và công bằng, thể hiện ý nguyện của cử tri cả nước. CPP cũng kêu gọi CNRP tham gia Quốc hội khóa mới vì quyền lợi quốc gia và của người dân, trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, phối hợp cùng CPP trong việc triển khai các hoạt động của Quốc hội khóa mới.

Tân chủ tịch IOC, ông Jacques Rogge. Ảnh: telegraph.co.uk

6. Một sự kiện liên quan tới thể thao, tối 10-9, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã có phiên họp ở thủ đô Buenos Aires của Argentina để bỏ phiếu bầu chọn Chủ tịch mới thay ông Jacques Rogge. Kết quả luật sư 59 tuổi người Đức, ông Thomas Bach được bầu làm Chủ tịch IOC.
Tại cuộc bỏ phiếu kín trong phiên họp lần thứ 125 của IOC, ông Bach đã vượt qua 5 ứng cử viên để trở thành người kế nhiệm ông Rogge. Ông Thomas Bach sẽ trở thành vị chủ tịch đầu tiên của IOC từng đoạt HCV ở Olympic 1976 môn đấu kiếm, đồng thời ông cũng từng vô địch thế giới ở Argentina vào năm 1977.

7. Ngày 12-9, Chính phủ Philippines cho biết hiện để ngỏ khả năng sẽ sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng đã kéo dài mấy ngày qua ở miền Nam nước này. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Edwin Lacierda cho biết, các lực lượng vũ trang nước này đã sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột ở thành phố cảng Zamboanga nơi vẫn còn hơn 100 người bị các phiến quân thuộc Mặt trận giải phóng dân tộc Moro (MNLF) bắt giữ làm con tin. Ông Lacierda cho biết mặc dù Chính phủ Philippines đang nỗ lực hết sức giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, song cũng sẽ sẵn sàng sử dụng sức mạnh để bảo vệ người dân.

Quân đội Philippin triển khai lực lượng tấn công phiến quân tại thành phố Zamboanga. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, đụng độ giữa quân đội chính phủ Philippines và các tay súng MNLF đã bước sang ngày thứ tư với hàng loạt cuộc giao tranh. Ngày 12-9, quân đội Philippines đã tiến hành tổng công kích nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Zamboanga từ tay phiến quân. Trước đó, vào sáng 9-9, hơn 300 tay súng MNLF đã xông vào 4 làng ở Zamboanga, bắt hơn 30 người làm con tin. Lo ngại bạo lực có thể ảnh hưởng tới an ninh của người dân quanh khu vực biên giới, Chính phủ Malaysia quyết định tăng cường an ninh dọc biên giới với Philippines và sẽ "bằng mọi giá" ngăn không cho bạo lực lan qua biên giới nước này.

8. Cuộc diễn tập chống khủng bố trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) đã bắt đầu vào ngày 9-9 tại ngoại ô thủ đô Jakarta của Indonesia. Theo kế hoạch, cuộc diễn tập này kéo dài đến ngày 13-9, với sự tham gia của 500 quân nhân đến từ 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 8 nước đối tác đối thoại gồm Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand và Nhật Bản. Nội dung diễn tập dựa trên tình huống giả định các phần tử khủng bố tiến hành các cuộc tấn công bằng bom nhằm vào một tàu chở dầu và vào một sự kiện có đông người tham dự. Hoạt động diễn tập sẽ chú trọng khả năng kỹ thuật, chiến thuật, năng lực xử lý thông tin và công nghệ trong hoạt động chống khủng bố.

Quân đội Indonesia thực hành chống khủng bố. Ảnh: AP

Cũng tại Indonesia, Hải quân Indonesia và Thái Lan đang tiến hành cuộc diễn tập chung mang tên “Đại bàng Biển AB-13” tại thủ phủ Surabaya của tỉnh Đông Java, Indonesia. Mục đích của diễn tập chung là cải thiện hợp tác và nâng cao khả năng thực thi nhiệm vụ của hải quân hai nước; duy trì và củng cố hợp tác giữa đôi bên trong khuôn khổ tăng cường đảm bảo an ninh khu vực.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com