Thế giới tuần qua: Bạo lực và Hy vọng

09:09, 21/09/2013

Những bước tiến mới trong giải quyết tình hình Syria; Khu công nghiệp chung liên Triều hoạt động trở lại; Đánh bom hàng loạt ở Iraq… là những tin tức được bạn đọc toàn cầu quan tâm trong tuần qua.

1. Mỹ và Nga đã nhất trí thúc đẩy một lần nữa hội nghị quốc tế nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria, hay còn gọi là Hội nghị Geneva II, với hy vọng mở ra lối thoát cho tình hình của quốc gia Trung Đông này, đem lại một cái kết có hậu cho cuộc khủng hoảng trầm trọng có nguy cơ lan rộng toàn khu vực.

Các "nước lớn" đang ngồi lại với nhau có hứa hẹn một tương lai "tươi sáng" cho cuộc nội chiến Syria? Ảnh: presstv.ir
Các "nước lớn" đang ngồi lại với nhau có hứa hẹn một tương lai "tươi sáng" cho cuộc nội chiến Syria? Ảnh: presstv.ir

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Hội nghị Geneva II là sự lựa chọn sáng suốt cho tất cả các bên xung đột ở Syria và các nước lớn cần phải đặc biệt quan tâm để tránh lặp lại những sai lầm của quá khứ như chiến tranh ở Iraq và Kosovo.

Mới đây nhất, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ Fox News hôm 18-9, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad nhận định, chi phí để tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này ước khoảng 1 tỷ USD và phải mất thời gian khoảng 1 năm.

2. Ngày 16-9, các doanh nhân Hàn Quốc đã đi sang lãnh thổ Triều Tiên khi Khu công nghiệp (KCN) chung liên Triều Kaesong mở cửa trở lại, 5 tháng sau khi ngừng hoạt động do căng thẳng quân sự gia tăng và những tuyên bố đe dọa chiến tranh.

Cánh cửa tại khu công nghiệp Kaesong lại mở rộng. Ảnh: BBC

Đây là kết quả mang tính biểu tượng cao của những nỗ lực chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Gần đây, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã lắng dịu. Thậm chí, hai bên còn nhất trí sẽ sắp xếp đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh hồi năm 1950-1953. Đây sẽ là đợt đoàn tụ đầu tiên trong 10 năm trở lại đây của các gia đình bị ly tán trên bán đảo này.

3. Hàng loạt các vụ tấn công bạo lực diễn ra trên khắp Iraq ngày 17-9 đã làm ít nhất 49 người chết và 148 người bị thương. Chỉ riêng tại thủ đô Baghdad đã có tới 7 vụ đánh bom xe ở nhiều khu vực khác nhau.

Tan hoang và đau thương là cảnh thường thấy ở Iraq. Ảnh: Reuters

Iraq đang chứng kiến làn sóng bùng nổ bạo lực tồi tệ nhất trong những năm gần đây, làm dấy lên mối lo ngại đất nước này lại rơi vào cuộc xung đột giáo phái như thời kỳ 2006-2007, khi đó số thương vong có khi lên tới 3.000 người trong một tháng.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, chỉ trong tháng 8 vừa qua đã có tới hơn 800 người dân Iraq thiệt mạng, trong đó hơn 1/3 các cuộc tấn công đẫm máu xảy ra tại thủ đô Baghdad.

4. Mối quan hệ giữa Brazil và Mỹ chính thức bị rạn nứt do liên quan đến những bê bối về vụ nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đối với các các giao dịch thông tin liên lạc của cá nhân Tổng thống Dilma Rousseff cũng như các quan chức cấp cao khác trong chính phủ nước này.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vì bê bối nghe lén. Ảnh: AP

Trước đó, kênh truyền hình TV Globo của quốc gia Nam Mỹ này cho biết, NSA đã xăm soi nội dung các cuộc nói chuyện điện thoại và thư điện tử mà Tổng thống Dilma Rousseff trao đổi với các cộng sự của bà. Ngoài ra, NSA cũng theo dõi hàng triệu người dân Brazil và thâm nhập lấy cắp dữ liệu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Mối quan hệ rạn nứt với Brazil sẽ là bước thụt lùi của Mỹ ở khu vực Nam Mỹ, nơi Washington có lợi ích to lớn nhưng tầm ảnh hưởng đang bị thu hẹp dần.

5. Khắp đường phố ở Thủ đô Cairo và nhiều tỉnh, thành phố khác của Ai Cập đã diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính phủ lâm thời của Thủ tướng Hazem el-Beblawi, đánh dấu một tháng kể từ khi cảnh sát Ai Cập dùng vũ lực giải tán hai khu lán trại của những người ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi, khiến 600 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Ai Cập ngày 13-9 tại Cairo. Ảnh: AP

Để ngăn chặn những người ủng hộ ông Mohamed Morsi chiếm giữ các quảng trường lớn và các tuyến phố chính để tổ chức các cuộc biểu tình ngồi, lực lượng cảnh sát và quân đội đã phong tỏa các cửa ngõ ra vào thủ đô.

Mặc dù đã có những biện pháp phòng ngừa, nhưng đụng độ vẫn nổ ra tại con đường nằm sát biển giữa hai phe đối đầu, buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay để giải tán, sau đó bắt giữ nhiều người biểu tình.

6. Ít nhất 13 người thiệt mạng và 8 người bị thương trong vụ xả súng kinh hoàng ngày 16-9 tại căn cứ Hải quân Navy Yard ở Thủ đô Washiington (Mỹ). Hung thủ duy nhất, Aaron Alexis, một người da màu 34 tuổi, đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt ngay tại hiện trường vụ thảm sát.

Các nhân viên cảnh sát tại hiện trường vụ nổ súng. Ảnh: AP

Hiện không rõ liệu có phải hung thủ này đang làm việc tại căn cứ hải quân trên theo quy chế dân sự vào thời điểm xảy ra vụ xả súng hay không. Hắn bị tình nghi xâm nhập bằng cách sử dụng thẻ căn cước của một người khác, nhưng không biết liệu người đó có phải là tòng phạm hay không hay là thẻ ID của người này bị đánh cắp.

Tới nay, động cơ của vụ xả súng điên cuồng ngày vẫn là một bí ẩn. Và thêm một lần nữa, nước Mỹ lại bị rung lên “hồi chuông cảnh tỉnh” về việc sở hữu súng đạn.

7. Sau hai ngày họp tại Tô Châu, từ 14-9, với 10 nước ASEAN về Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), Trung Quốc cam kết sẽ “từng bước” đàm phán về bộ quy tắc này – dấu hiệu chứng tỏ COC vẫn còn rất xa vời.

Liệu ASEAN và Trung Quốc có sớm đi đến "tiếng nói chung" về vấn đề Biển Đông? Ảnh: sfm-offshore.com

Từ 10 năm nay, hiệp hội ASEAN rất muốn thảo luận với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý tại Biển Đông, nhằm ngăn chặn những va chạm trong đánh bắt hải sản, lưu thông hàng hải và khai thác dầu khí.

Bắc Kinh tự cho mình có chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và không mấy mặn mà với một bộ luật ứng xử có tính ràng buộc, mặc dù đã cùng ký kết với ASEAN bản Tuyên bố về Ứng xử tại Biển Đông (DOC) năm 2002.

                                                                                                               Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com