Quan hệ Mỹ - I-ran: Cơ hội "tan băng"

08:09, 24/09/2013

Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và I-ran trong mấy ngày gần đây bất ngờ xuất hiện những dấu hiệu tích cực cho thấy, cả hai bên đang có thiện chí muốn cải thiện quan hệ và giải quyết bất đồng liên quan tới chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran.

Đầu tiên phải kể tới những bức thư hiếm hoi được trao qua đổi lại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và I-ran, trong đó hai bên bày tỏ quan điểm về những vấn đề còn khúc mắc. Tổng thống I-ran Hát-xan Giâu-ha-ni thừa nhận giọng điệu trong bức thư là “tích cực và mang tính xây dựng”. Trong thư, Tổng thống B.Ô-ba-ma ám chỉ Mỹ sẵn sàng giải quyết bất đồng hạt nhân với I-ran nếu I-ran chứng minh được không theo đuổi chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình. Trong một động thái nhằm đáp lại thiện chí của nhà lãnh đạo Mỹ, ông H.Giâu-ha-ni đã tuyên bố, I-ran không bao giờ sản xuất vũ khí hạt nhân khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình NBC của Mỹ.

Tổng thống I-ran H.Giâu-ha-ni trả lời phỏng vấn của phóng viên NBC.
Tổng thống I-ran H.Giâu-ha-ni trả lời phỏng vấn của phóng viên NBC.

Sau tuyên bố này, Nhà Trắng cũng có cử chỉ hồi âm đầy tích cực khi cho biết, Tổng thống B.Ô-ba-ma có thể sẽ gặp người đồng cấp I-ran bên lề khóa họp chung của Đại hội đồng LHQ vào tuần tới tại Niu Y-oóc.

Có vẻ như nhà lãnh đạo I-ran theo đường lối cải cách H.Giâu-ha-ni đang thực hiện một chiến dịch tạo mối thiện cảm với Oa-sinh-tơn thông qua chính các phương tiện truyền thông của Mỹ. Sau khi trả lời phỏng vấn trên NBC, hôm 20-9, ông H.Giâu-ha-ni viết một bài xã luận dành riêng cho tờ “Bưu điện Oa-sinh-tơn”, trong đó, ông bất ngờ đề xuất Tê-hê-ran sẽ làm trung gian đàm phán giữa chính quyền Xy-ri với phe đối lập. Đồng thời, nhà lãnh đạo I-ran khẳng định Tê-hê-ran muốn theo đuổi chính sách “tiếp xúc mang tính xây dựng” và cho biết, sẵn sàng hỗ trợ cuộc đối thoại ở Xy-ri. Với vai trò ảnh hưởng đáng kể ở Xy-ri của I-ran, đề nghị này của Tê-hê-ran quả là rất đáng xem xét và Oa-sinh-tơn sẽ không có lý do gì để phản đối trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy các giải pháp ngoại giao đối với Xy-ri nhằm tránh phải dùng vũ lực.

Nhìn vào diễn biến này, thật khó tin chỉ mới hai tuần trước đây, Mỹ còn tuyên bố một trong những lý do Mỹ sẽ tấn công quân sự Xy-ri là nhằm đe dọa và cảnh cáo Tê-hê-ran. Những tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - I-ran xuất hiện cùng thời điểm Nga và Mỹ thống nhất giải pháp Xy-ri giao nộp vũ khí hóa học để không bị tấn công quân sự. Như vậy, cả hai vấn đề bế tắc của “chảo lửa” Trung Đông là vấn đề hạt nhân của I-ran và cuộc xung đột ở Xy-ri đang đứng trước hy vọng được khai thông. Những diễn biến này đã giúp chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma ghi điểm sau một loạt nỗ lực bất thành nhằm giải quyết các điểm nóng ở Trung Đông. Vậy nên, hy vọng Oa-sinh-tơn sẽ không một lần nữa để tuột mất cơ hội nhằm hoàn thành cái mà Mỹ vẫn coi như “sứ mệnh” của Mỹ ở Trung Đông. Người ta đang trông đợi một cuộc gặp lịch sử sẽ diễn ra ở Niu Y-oóc vào tuần tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và I-ran, góp phần làm tan băng quan hệ Mỹ - I-ran và mở lối thoát cho những bế tắc liên quan tới chương trình hạt nhân của I-ran.

Đối với I-ran, đây cũng là một cơ hội lớn không thể bỏ qua nhằm thoát khỏi thế bị bao vây cấm vận của cộng đồng quốc tế khiến nền kinh tế bị bóp nghẹt, trong khi vẫn bảo vệ được chương trình hạt nhân mà nước này tuyên bố là vì mục đích hòa bình.

Vì thế, trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ, nhà lãnh đạo I-ran cũng tích cực hàn gắn với nước láng giềng I-xra-en, một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông và có vai trò chi phối nhất định đối với các chính sách của Mỹ ở khu vực. Vào dịp lễ năm mới của người Do Thái (Rosh Hashanah), Tổng thống H.Giâu-ha-ni đã bất ngờ gửi lời chúc mừng vào đầu tháng này. Ông còn cho biết, sẽ mang theo nghị sĩ gốc Do Thái duy nhất của I-ran tới Niu Y-oóc dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ sắp tới.

Bước đi của nhà lãnh đạo I-ran đối với I-xra-en quả là khôn khéo nhưng xem ra cũng không mấy hiệu quả đối với Nhà nước Do Thái vẫn luôn coi I-ran là mối đe dọa đối với sự tồn vong của mình. Trước những động thái cởi mở của I-ran đối với Mỹ cùng những cuộc thảo luận mới đây ở Oa-sinh-tơn về khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với I-ran, I-xra-en đã kịch liệt phản đối. Văn phòng Thủ tướng I-xra-en đã bác bỏ chiến dịch truyền thông với một loạt tuyên bố của nhà lãnh đạo I-ran về mục đích hòa bình của chương trình hạt nhân cũng như thiện chí sẵn sàng đàm phán ngoại giao về vấn đề này.

Thấu hiểu mối lo ngại của đồng minh nên dù đáp lại tích cực những cử chỉ thân thiện của I-ran nhưng Mỹ vẫn không quên có cử chỉ vỗ về I-xra-en. Trong các cuộc trao đổi riêng với các quan chức I-xra-en và một số tuyên bố, các quan chức chính quyền Mỹ vẫn cho biết, Oa-sinh-tơn chưa hết hoài nghi về chương trình hạt nhân của I-ran, đồng thời khẳng định sẽ đánh giá I-ran dựa trên hành động chứ không chỉ qua những lời lẽ hòa giải của Tổng thống H.Giâu-ha-ni.

Cho dù thế nào, những động thái xích lại gần nhau giữa Tê-hê-ran và Oa-sinh-tơn vừa qua cũng là thời cơ hiếm có, cho thấy thiện chí thực sự của cả hai muốn giải quyết tranh cãi bằng đàm phán hòa bình. Vì thế, cả hai cần vượt qua những trở ngại để nắm bắt cơ hội hòa bình, bởi theo Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben-gia-min J.Rốt: “Không có cánh cửa mở vĩnh viễn cho giải pháp ngoại giao nhưng vẫn có thời gian và không gian cho giải pháp này”./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com