Một tuần "nóng" với Ba Lan

08:09, 17/09/2013

Trong tuần qua, Thủ đô Vác-sa-va của Ba Lan bỗng trở nên “nóng” bất thường trước làn sóng biểu tình quy mô lớn do các tổ chức công đoàn phát động.

AP đưa tin, ngày 14-9, khoảng từ 100.000 đến 120.000 công đoàn viên đã tụ tập tại Thủ đô Vác-sa-va để biểu tình, yêu cầu Thủ tướng Đ.Tu-xcơ phải từ chức. Cuộc biểu tình này trở thành đỉnh điểm của 4 ngày phản kháng được tổ chức ở Vác-sa-va. Trước đó, hôm 11-9, khoảng 23.000 người cũng đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ theo đường lối trung dung của Thủ tướng Đ.Tu-xcơ.

Giương cao cờ của các tổ chức công đoàn, những người biểu tình đã tập trung trước trụ sở các bộ chủ chốt trước khi tuần hành tới trụ sở Quốc hội và hô các khẩu hiệu đòi giảm độ tuổi nghỉ hưu, vốn được chính phủ điều chỉnh từ 65 lên 67 tuổi, tăng tiền lương tối thiểu cũng như thực hiện một chính sách an sinh xã hội tốt hơn. Các công đoàn bất bình trước tình trạng việc làm bấp bênh và kịch liệt phản đối một đạo luật mới của chính phủ cho phép chủ các doanh nghiệp tăng giờ làm. Người biểu tình cáo buộc Thủ tướng Đ.Tu-xcơ phớt lờ những nhu cầu của người lao động và từ chối đối thoại.

Người biểu tình Ba Lan tập trung tại Thủ đô Vác-sa-va ngày 14-9.  Ảnh: Internet
Người biểu tình Ba Lan tập trung tại Thủ đô Vác-sa-va ngày 14-9. Ảnh: Internet

Người phát ngôn của Đoàn kết - một trong ba nghiệp đoàn tổ chức cuộc biểu tình, M.Lê-van-đô-xki tuyên bố "việc ông Đ.Tu-xcơ ra đi là cách duy nhất để thay đổi tại Ba Lan". Trong khi đó, lãnh đạo nghiệp đoàn OPZZ Gian Gút nói rằng: “Chúng tôi không chấp nhận một chính sách gây nên đói nghèo”. Trước làn sóng biểu tình rầm rộ trên, trong khi khẳng định người lao động có quyền bày tỏ sự bất bình của mình, ông R.Gru-pin-xki, thành viên cấp cao thuộc Đảng Cương lĩnh Công dân của ông Đ.Tu-xcơ, đã kêu gọi người biểu tình quay trở lại cuộc đối thoại với chính phủ và giới chủ doanh nghiệp, vốn đã bị phá vỡ cách đây không lâu.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trong bối cảnh kinh tế Ba Lan tăng trưởng chậm lại. Mặc dù kinh tế Ba Lan đã liên tục tăng trưởng trong 2 thập niên qua, nhưng đầu năm 2013 đã rơi vào suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong quý I-2013, kinh tế Ba Lan chỉ tăng trưởng 0,1% và dấu hiệu phục hồi đang diễn ra rất chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, tuy đã giảm xuống còn 13,1% so với mức kỷ lục trong nhiều năm qua là 14,4% hồi tháng 2. IMF dự báo kinh tế Ba Lan sẽ tăng trưởng chậm lại còn 1,2% trong năm nay trước khi có thể tăng lên 2,2% trong năm 2014. Các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Ba Lan đang ở trong trạng thái trì trệ là do tác động của cuộc khủng hoảng kéo dài tại các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ảnh hưởng nặng nề tới thương mại giữa Ba Lan và các đối tác thương mại khu vực.

Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ tại Ba Lan chính là sự tiếp nối tình trạng chung trong thời gian gần đây tại một số nước châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... trong bối cảnh chính phủ các nước này phải thực thi các chính sách "thắt lưng buộc bụng" nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các chủ nợ để đổi lấy các gói cứu trợ chống khủng hoảng. Trên thực tế, người dân đã mệt mỏi trước các biện pháp cắt giảm chi tiêu, tăng thuế. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, nhất là ở những người trẻ tuổi, đã đe dọa nghiêm trọng “sức khỏe” của nền kinh tế và là “cú sốc” tấn công trực diện cho những biện pháp khắc khổ mà các chính phủ đương nhiệm này đang thực thi. Không có gì khó hiểu khi mà Thủ tướng Ba Lan lại trở thành mục tiêu công kích của các nghiệp đoàn giữa lúc tỷ lệ tín nhiệm dành cho chính phủ không ngừng giảm. Theo các cuộc thăm dò, tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Cương lĩnh Công dân của ông Đ.Tu-xcơ chỉ đạt từ 21 đến 25% so con số 23 đến 34% dành cho đảng đối lập Pháp luật và Công lý. Đảng Cương lĩnh Công dân cũng vừa thất bại trong một số cuộc bầu cử bổ sung ở địa phương và tại Hạ viện, liên minh cầm quyền của Đảng này và Đảng Nông dân hiện chỉ nắm giữ 232/460 ghế để giành thế đa số.

Dư luận lo ngại rằng, nếu như chính phủ và các tổ chức công đoàn không sớm tìm được tiếng nói chung và tình trạng như hiện nay cứ tiếp diễn, Ba Lan sẽ có nguy cơ rơi vào bất ổn. Mối lo ngại này lại càng có cơ sở khi lãnh đạo nghiệp đoàn OPZZ Gian Gút tuyên bố rằng, cuộc biểu tình ngày 14-9 mới chỉ là lời cảnh báo và nếu chính phủ không thay đổi chính sách, “chúng tôi sẽ chặn tất cả các tuyến đường trên cả nước”./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com