Thế giới tuần qua: Mỹ có thể đơn phương tấn công "có giới hạn" vào Syria

05:08, 31/08/2013

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) đã thành công khi quan chức quốc phòng các nước dự Hội nghị khẳng định tiếp tục hợp tác để giải quyết các vấn đề nóng trong khu vực và quốc tế. Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không tối tân có khả năng tấn công các mục tiêu trong vũ trụ, vào năm 2017. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã có cuộc họp với Tổng thống B.Obama tại Nhà Trắng về khả năng Mỹ mở một cuộc tấn công có giới hạn vào Syria. Trong khi đó các cuộc biểu tình ở Ai Cập đã có phần lắng dịu do sự hợp tác của các bên…là những thông tin quan trọng trong tuần.

 

1. Sáng 29-8, Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức quân sự và quốc phòng cấp cao các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) tại Brunei Darussalaam.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh QĐND

Tại hội nghị quan trọng này, các bên tập trung thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế; đánh giá những tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực hợp tác. Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đánh giá trong khu vực vẫn còn tồn tại nhiều lợi ích của các nước khác nhau, nhiều mâu thuẫn trên biển, trên đất liền, các nguy cơ an ninh phi truyền thống như buôn bán ma túy, an ninh mạng… Các nước, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, cần xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường các hoạt động hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bày tỏ quan điểm các nước cần giải quyết hòa bình, thông qua đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố cấp cao nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc, sớm tiến tới việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải.

Trong các bài phát biểu tại Hội nghị, nhiều nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp trên biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện DOC, sớm tiến tới ký kết COC.

Trong Tuyên bố chung, các bộ trưởng đã tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của ADMM+ và sự cần thiết phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Các bộ trưởng cho rằng mối quan hệ giữa các nước cần phải được định hướng bởi những nguyên tắc cơ bản đã được đề cập trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN, đặc biệt trong việc từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và thể hiện kiềm chế. Các bộ trưởng cũng nhất trí thiết lập các biện pháp thực tế để giảm bớt khả năng xảy ra hiểu nhầm và tránh những sự cố không đáng có trên biển.

Trước đó, vào ngày 28-8, tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã tiến hành hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat).

Sơ đồ dự kiến bố trí lực lượng có thể tấn công Syria. Ảnh: Guadian.co.uk

2. Trong khi thế giới đang nóng lòng chờ đợi kết quả do Nhóm thanh sát viên LHQ do Giáo sư Aake Sellstrom dẫn đầu điều tra chính thức về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria làm hơn 1400 người bị thương và thiệt mạng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp về tình hình Syria. Ngày 29-8, các nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ đã nhóm họp theo đề nghị của Nga để thảo luận về tình hình căng thẳng tại Syria trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh đang cân nhắc một sự can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống B.Obama tuyên bố sẽ cân nhắc việc can thiệp vào Syria. Hành động cụ thể của Mỹ là đã nhóm họp giữa Tổng thống với Hội đồng An ninh quốc gia; tiếp tục điều động thêm tàu khu trục có trang bị tên lửa điều khiển tới vùng biển Địa Trung Hải gần Syria. Những thông tin dự đoán Mỹ nhiều khả năng sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự có giới hạn vào Syria là có thật khi Tổng thống B.Obama trong cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia khẳng định chỉ tấn công một số địa điểm và không sử dụng bộ binh.

Tuyên bố trên của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước phương Tây lại tỏ thái độ lưỡng lự. Nhiều nước đang tìm cách lảng tránh vấn đề can dự trực tiếp vào kế hoạch tấn công Syria. Thủ tướng Canada Stephen Harper khẳng định nước này sẽ không tham gia tấn công. Quốc hội Cyprus cũng đã phản đối đối việc sử dụng các căn cứ quân sự của Anh trên hòn đảo này để thực hiện các cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào các mục tiêu ở Syria. Số nước phản đối tấn công tăng lên khi ngày 30-8, hãng thông tấn ITAR-TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố Moskva phản đối mọi nghị quyết của HĐBA LHQ cho phép tấn công quân sự nhằm vào chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hãng ITAR-TASS cũng dẫn một nguồn tin từ Brussels cho biết tính đến ngày 30-8, đã có ít nhất 12 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định không tham gia chiến dịch quân sự chống Syria nếu không có nghị quyết của HĐBA LHQ. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng đã loại bỏ khả năng nước này sẽ tham gia một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria.

Chỉ có Pháp tỏ vẻ ủng hộ Mỹ. Trả lời phỏng vấn của nhật báo "Le Monde", Tổng thống Francois Hollande đã ủng hộ hành động trừng phạt "mạnh tay" để đáp trả vụ tấn công. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng dự đoán cuộc tấn công quân sự vào Syria có thể diễn ra trước ngày 4-9.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho biết ông đã đàm thoại với Tổng thống Obama, yêu cầu các cường quốc không vã vội tấn công Syria cho đến khi nhóm thanh sát viên của LHQ hoàn tất công việc của họ vào ngày hôm nay (31-8). Ông Ban Ki-moon cho biết nhóm thanh sát LHQ sẽ rời Syria ngày 31/8 và sau đó sẽ phúc trình kết quả cuộc điều tra.

Tàu chiến USS Mahan (DDG-72) của Mỹ gần khu vực Địa Trung Hải. Ảnh: AP
Tàu chiến USS Mahan (DDG-72) của Mỹ gần khu vực Địa Trung Hải. Ảnh: AP

Các nhà phân tích nhận định, những mưu toan sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột tại Syria sẽ khiến tình hình nước này nói riêng và toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung trở nên bất ổn hơn. Trong một diễn biến liên quan, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei ngày 28-8 đã cảnh báo bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ vào Syria sẽ báo hiệu một "thảm họa" đối với khu vực.

Binh lính chính phủ ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: npr.org

Còn tại Syria, lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã khẳng định, hoàn toàn không có động cơ chiến thuật, chiến lược và chính trị để tiến hành một sử dụng vũ khí hóa học để tạo cớ cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào Syria. Do vậy, hoàn toàn có lý do để nghi ngờ rằng quân chống đối Syria đã cố ý tạo ra thảm kịch nhân đạo ngày 21-8, khiến hơn 350 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.  Binh lính trung thành với chính phủ Syria đã hạ quyết tâm, đất nước họ sẽ tự vệ "bằng mọi nguồn lực sẵn có" trong trường hợp Mỹ phát động một cuộc tấn công.

3. Bế tắc chính trị ở Ai Cập được khai thông một phần khi ngày 25-8, Đảng Salafist Nour - lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập và là nhóm Hồi giáo duy nhất công khai ủng hộ việc phế truất Tổng thống Mohamed Morsi, tuyên bố sẽ tham gia Ủy ban sửa đổi hiến pháp. Quyết định này là một động thái đáng giúp khai thông thế bế tắc chính trị hiện nay ở Ai Cập.

Tình hình Ai Cập đang có dấu hiệu lắng dịu. Ảnh: VOV

Cũng có động thái tương tự, tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đang có hành động thể hiện sự "xuống thang" nhằm giải quyết khủng hoảng. MB đang xem xét công nhận các yêu sách của làn sóng biểu tình ngày 30-6 vừa qua cũng như xin lỗi về các "sai lầm" của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Truyền thông Ai Cập ngày 27-8 cho biết, cùng với thỏa thuận đình chiến giữa quân đội và MB được tổ chức Al-Gamaa Al-Islamiya và phong trào Thánh chiến Hồi giáo đề xuất ngày 26-8, cũng như thông tin về các cuộc đàm phán bí mật hiện nay giữa MB với Chính phủ lâm thời Ai Cập, động thái nói trên là nỗ lực hòa giải mới nhất.

Liên quan tới Ai Cập, Đài truyền hình quốc gia Ai Cập đưa tin một tòa án ở thủ đô Cairo ngày 25-8 đã hoãn phiên xét xử cựu Tổng thống nước này Hosni Mubarak về tội kích động bạo lực và sát hại người biểu tình, tới ngày 14-9 tới. Phiên tòa khác xét xử thủ lĩnh tinh thần tối cao của MB là Mohamed Badie và hai cấp phó Khairat al-Shater và Rashad Bayoumy về cáo buộc kích động sát hại người biểu tình cũng đã phải hoãn lại sau khi được mở sáng cùng ngày bởi các bị cáo vắng mặt. Trước những tín hiệu có phần khả quan, Ai Cập đã rút ngắn lệnh giới nghiêm vào ban đêm, từ ngày 24-8

Bộ trưởng Chuck Hagel và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Ảnh VTV

4. Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tái cân bằng quan hệ với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đó là khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại cuộc gặp với báo giới tại Indonesia, sau khi gặp Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Indonesia là một trong 4 điểm dừng chân tại Đông Nam Á của Bộ trưởng Chuck Hagel. Chuyến thăm một tuần tới Indonesia, Malaysia, Philippin và Brunei của ông Chuck Hagel tập trung vào các nội dung: các vấn liên quan đến an ninh khu vực và toàn cầu, cuộc diễn tập chung về chống khủng bố (CTX 2013) với sự tham gia của quân đội 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 8 nước đối tác đối thoại, một số hợp đồng mua vũ khí Mỹ, chương trình hợp tác đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực của quân nhân…
5. Tổng giám đốc Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Boris Obnosov của Nga vừa công bố tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế MAKS-2013 đang diễn ra ở thành phố Zhukovsk rằng, Nga đã chế tạo thành công tên lửa siêu thanh có khả năng bay ở tốc độ trên Mach 4,5 (khoảng 5.200 km/h). Ông Obnosov cho biết, dự án chế tạo tên lửa siêu thanh vẫn được bảo mật, do đó những thông số, chức năng, đặc tính và hiệu suất của tên lửa này đều không được tiết lộ.

Thủ tướng Medvedev thăm quan Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế MAKS-2013. Ảnh: AP

Cũng liên quan tới tên lửa, một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga, ngày 30-8 cho biết nước này sẽ triển khai một hệ thống tên lửa phòng không tối tân mới, có khả năng tấn công các mục tiêu trong vũ trụ, vào năm 2017. Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời quan chức trên cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa mới S-500 hiện đang trong giai đoạn phát triển và dự kiến được triển khai vào năm 2017.

6. Trong suốt hai ngày 25 và 26-8, Lễ hội hóa trang lớn nhất châu Âu Notting Hill Carnival đã được tổ chức tại thủ đô Luân Đôn của Anh, thu hút khoảng một triệu người tham dự. Lễ hội tạo ra bầu không khí náo nhiệt và đầy sắc mầu trên các đường phố ở phía Tây London, Anh. Lễ hội hóa trang Notting Hill đã trở thành bữa tiệc của âm nhạc và các điệu nhảy bốc lửa với đông đảo vũ công với phục trang lông vũ sặc sỡ, lấp lánh trong lễ diễu hành. Những người tham gia lễ hội này được trải nghiệm không gian văn hóa, âm nhạc và vũ điệu của vùng Caribe. Tiếng trống, tiếng nhạc và mùi thịt gà nướng thơm lừng tràn ngập không gian khi các đoàn diễu hành đi qua các con phố.

Lễ hội hóa trang Notting Hill Carniva. Ảnh: smh.com.au

7. Ngày 29-8, giới chức New Zealand yêu cầu làm rõ vấn đề kiểm tra sản phẩm sữa cho kết quả không chính xác đã gây ra mối lo ngại ngộ độc khi sử dụng các sản phẩm sữa của Fonterra khiến hãng này phải thu hồi hàng loạt sản phẩm. Hãng này đã cho thu hồi sản phẩm sữa WPC ở một loạt thị trường từ Trung Quốc đến Trung Đông và Đông Nam Á. Cơ quan chức trách New Zealand đã cho kiểm tra 195 mẫu sản phẩm sữa tại các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới, bao gồm ở New Zealand và Mỹ, cho thấy sản phẩm sữa của Fonterra có chứa một loại vi khuẩn có thể làm sữa nhanh hỏng, nhưng không có bất kỳ loại vi khuẩn gây độc nào.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com