Người đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam

08:08, 30/08/2013

Bà Trần Tố Nga - Việt kiều Pháp là một trong số ít phụ nữ Việt Nam được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh vì những đóng góp tích cực trong xây dựng tình hữu nghị Việt - Pháp. Gần 30 năm qua bà dành nhiều tâm sức cho những hoạt động giao lưu, hàn gắn vết thương chiến tranh giữa các cựu chiến binh người Pháp và nhân dân những địa phương ở Việt Nam nơi họ từng tham chiến...

"Chỉ là gạch nối nhỏ nhoi”

Cuộc hẹn gặp với bà diễn ra trước khi bà lên đường về Pháp vài ngày. Kể về những hoạt động xã hội góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, bà Nga  khiêm tốn ví mình chỉ là một gạch nối nhỏ nhoi trong việc góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt - Pháp. Sinh năm 1942, bà tham gia cách mạng từ thời niên thiếu và trong thời chiến bà từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, bà công tác trong lĩnh vực giáo dục và từng đảm nhiệm các chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung học Lê Thị Hồng Gấm, Trường Marie Curie ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm đầu thập niên 90, bà mở Cty Du lịch Liên Hồng, chủ yếu tổ chức các tour du lịch cho người Pháp và các hoạt động kết nối giữa các cựu binh người Pháp với những địa danh là chiến trường xưa ở Việt Nam bắt đầu được triển khai từ đây. Bà đã đưa nhiều đoàn bác sĩ tình nguyện của Pháp về chữa bệnh cho các trẻ em khuyết tật, mổ vá môi, hở hàm ếch cho hơn 400 ca ở Đồng bằng sông Cửu Long. Có lần bà tổ chức chuyến đi về Điện Biên cho hơn 300 cựu chiến binh Pháp, tại đây nhiều người đã rơi nước mắt khi trở lại chiến trường năm xưa. Sau chuyến đi đó các cựu binh Pháp qua sự đại diện của bà đã đóng góp xây dựng 6 trường học ở các tỉnh miền núi, như một lời xin lỗi muộn màng đối với nhân dân Việt Nam về những nỗi đau gây ra trong chiến tranh. Ngoài ra từ sự vận động của bà, hàng trăm căn nhà tình thương đã được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vì những hoạt động xã hội tích cực, năm 2004, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thay mặt Tổng thống Pháp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh cho bà do những đóng góp góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Internet
Bà Trần Tố Nga.
Ảnh: Internet

Tất cả sức lực cuối đời là vì nạn nhân chất độc da cam

Tuy nhiên trong bà giờ vẫn đau đáu một nỗi niềm đòi lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam. Sau khi học tập ở miền Bắc, năm 1966 bà trở về Nam công tác tại chiến trường Sài Gòn - Gia Định, khi đó bao quanh vùng Củ Chi - khu căn cứ Mỹ ở Đồng Dù, Mỹ rải chất độc dày đặc nên cách căn cứ Đồng Dù vài km cây cối trụi hết lá và khu vực này được gọi là vùng trắng. Năm 1968 người con đầu tiên của bà ra đời với rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo và chỉ sống trong một thời gian ngắn. Mãi về sau này bà mới biết đó là do ảnh hưởng chất độc da cam. Bà nghẹn lời: "Nỗi đau về tinh thần lớn lắm và đó là nỗi đau dai dẳng của những nạn nhân chất độc da cam khi sinh ra những đứa con tật nguyền”.

Cuộc đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, theo bà có hạn chế là không có bằng chứng khoa học. Cuối năm 2012 một phòng thí nghiệm của Đức chuyên xét nghiệm về chất độc da cam đã lấy máu của tôi xét nghiệm. Hơn 2 tháng sau kết quả xét nghiệm được trả về. Tôi cầm bản kết quả mà rớt nước mắt vì mừng - kết quả dương tính!”. Bà mừng khi biết  mình bị nhiễm dioxin, mừng vì hàng triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam có thêm hy vọng vì có bằng chứng khoa học để đi kiện. Bà cũng vui vì các bạn bè Pháp hết lòng ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam trong hành trình tìm công lý bằng những hành động thiết thực như viết sách, hỗ trợ các thủ tục pháp lý... Và như sự chia sẻ của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Thành phố Hồ Chí Minh, bà còn được xem như là niềm hy vọng của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam trong hành trình đòi công lý đầy cam go.

Ở cái tuổi ngoài thất thập, sự nhiệt huyết vẫn ngời trên khuôn mặt phúc hậu, trong giọng nói ngân vang của bà. "Tôi sống đến tuổi này chết cũng được rồi, chỉ mong thân xác này giúp ích cho hành trình đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Nếu được vậy tôi mãn nguyện lắm, bà tâm sự./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com