Khuôn khổ pháp lý nào cho cuộc can thiệp quân sự ở Xy-ri?

08:08, 30/08/2013

Trong khi khả năng Mỹ và phương Tây tiến hành can thiệp quân sự vào Xy-ri đang ngày một rõ nét hơn, câu hỏi đặt ra là khuôn khổ pháp lý nào cho phép tiến hành can thiệp quân sự như vậy. Bài viết “Khuôn khổ pháp lý nào cho một cuộc can thiệp quân sự ở Xy-ri?” đăng trên mạng lemonde.fr (Pháp) ngày 28-8 sẽ giải thích phần nào thắc mắc này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Hội đồng Bảo an LHQ bị chia rẽ

Về nguyên tắc, kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đóng vai trò “trọng tài” trong các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Theo Điều 42, Chương 7 Hiến chương LHQ, chỉ có tổ chức này về mặt lý thuyết cho phép sử dụng vũ lực trong các điều kiện nhất định. Quyết định sử dụng vũ lực nhằm vào một quốc gia khác đòi hỏi phải có sự chấp thuận của ít nhất 9 trong số 15 nước thành viên HĐBA và không có ủy viên thường trực HĐBA LHQ (gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Anh) phủ quyết.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu ở Xy-ri tháng 3-2011, cộng đồng quốc tế đã nhận thấy sự chia rẽ trong HĐBA. Trong khi Mỹ, Anh, Pháp sẵn sàng can thiệp vào Xy-ri thì Nga và Trung Quốc lại phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào quốc gia Trung Đông này. Mát-xcơ-va và Bắc Kinh đã ba lần sử dụng quyền phủ quyết đối với dự thảo nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát. Lần thứ nhất vào ngày 5-10-2011, lần thứ hai vào tháng 2-2012 và lần thứ ba vào tháng 7-2012. Mát-xcơ-va cảnh báo rằng, sự can thiệp quân sự vào Xy-ri mà không được Hội đồng Bảo an thông qua sẽ là "nguy hiểm" và "vi phạm luật pháp quốc tế".

Khả năng nào xảy ra nếu không có sự chấp thuận của HĐBA?

Trong khuôn khổ của LHQ, nhưng bên ngoài HĐBA, hiện có hai khả năng.

Trước hết là triệu tập họp khẩn cấp Đại hội đồng LHQ. Cuộc họp này có thể được tổ chức "trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa hòa bình, vi phạm hòa bình hoặc có hành động gây hấn nhưng các nước ủy viên thường trực HĐBA không đạt được sự thống nhất, HĐBA không thực hiện được trách nhiệm chính của mình là duy trì hòa bình và an ninh thế giới". Năm 1950, một liên minh gồm 21 quốc gia, dẫn đầu là Mỹ, đã can thiệp vào cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên theo ủy quyền của LHQ, là một ví dụ như vậy.

Lực lượng NATO tại Cô-xô-vô năm 1999. Ảnh: Internet
Lực lượng NATO tại Cô-xô-vô năm 1999. Ảnh: Internet

Hơn nữa, Điều 51 của Hiến chương LHQ đề cập đến "các quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể một cách chính đáng, trong trường hợp một thành viên của LHQ bị xâm lược vũ trang, cho đến khi HĐBA ấn định những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế". Do đó, về lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc I-xra-en có thể yêu cầu LHQ thực hiện "tự vệ tập thể" trước các hành vi bạo lực ở khu vực biên giới với Xy-ri. Nhưng các nhà ngoại giao cho rằng, giải pháp này khó được lựa chọn.

Ngoài ra, để “phá vỡ” quyền phủ quyết của Nga, Mỹ và các nước đồng minh cũng có thể vận dụng Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC), một hiệp ước giải trừ quân bị quốc tế đã có hiệu lực vào năm 1997, nhưng Xy-ri đã không ký vào Công ước này.

Ngoài khuôn khổ LHQ, còn có lựa chọn mà nổi lên là một "liên minh ý chí", bao gồm một số nước phương Tây, như Pháp và Anh, với sự hỗ trợ của các nước trong khu vực, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ.

Những cuộc can thiệp quân sự không có sự ủy nhiệm LHQ

Năm 1999, NATO can thiệp vào cuộc chiến ở Cô-xô-vô chống lại lực lượng quân đội của Tổng thống X.Mi-lô-xê-vích mà không cần sự đồng ý của HĐBA LHQ. Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ Ma-đơ-len Ôn-brai đã bảo vệ lý lẽ khi tiến hành can thiệp quân sự vào Cô-xô-vô là "bất hợp pháp nhưng chính đáng".

Can thiệp quân sự vào Cô-xô-vô đã tạo ra một tiền lệ. Năm 2003, với cái cớ chính quyền Tổng thống Xát-đam Hút-xen sở hữu vũ khí hủy diệt, Chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ đã tiến hành cuộc chiến vào I-rắc mà không có sự ủy nhiệm của LHQ.

Trong bối cảnh hiện nay, khi cả Anh, Pháp, Mỹ đều sẵn sàng cho một cuộc chiến ở Xy-ri nhưng chưa nhận được sự chấp thuận của Nga và Trung Quốc thì việc can thiệp quân sự bỏ qua sự ủy nhiệm của LHQ được xem là khả năng dễ xảy ra nhất./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com