Cuộc đua tàu sân bay ở châu Á - Thái Bình Dương

08:08, 28/08/2013

Vừa qua, trang mạng “Tiếng nói nước Nga” đã có bài viết với tựa đề “Châu Á - Thái Bình Dương bước vào cuộc đấu hàng không mẫu hạm” nói về việc nhiều quốc gia trong khu vực đang tập trung phát triển, mua sắm các loại tàu sân bay nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của mình. Quả thực, cuộc đua tàu sân bay tại châu Á - Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt hơn, trong đó vị thế dẫn đầu đã, đang và dự kiến sẽ tiếp tục do Mỹ nắm giữ.

Những cuộc mua sắm, phát triển ồ ạt

Nói đến phát triển tàu sân bay ở châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian gần đây, không thể không nhắc tới ba quốc gia được coi là có tiềm lực hải quân mạnh nhất khu vực là Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc. Mới đây, Nhật Bản đã hạ thủy tàu sân bay trực thăng DDH-183 Izumo, chiến hạm lớn nhất của hải quân nước này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cùng với chiến lược hiện đại hóa hải quân, Trung Quốc cũng đã đóng chiếc tàu sân bay quốc nội đầu tiên và là chiếc thứ hai sau hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Tương tự, ngày 12-8 vừa qua, Ấn Độ đã hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant, trong khi chiếc thứ hai mang tên INS Vishal đang trong giai đoạn chế tạo. Cuối năm nay, Niu Đê-li dự kiến sẽ tiếp nhận thêm tàu sân bay INS Vikramaditya từ Nga.

Trong khi đó, theo RIA Novosti, ngoài việc phải mua hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral của Pháp, hạm đội Thái Bình Dương của Nga dự kiến sẽ cần phải có thêm ít nhất hai tàu sân bay nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cái tên đứng đầu trong cuộc chạy đua tàu sân bay ở khu vực vẫn là Mỹ, quốc gia có nhiều tàu sân bay nhất trên thế giới hiện nay. Hải quân Mỹ đang sở hữu tới 11 tàu sân bay, luân phiên thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực trên thế giới.

Oa-sinh-tơn cũng là chủ nhân của các tàu sân bay lớp Nimitz được coi là không có đối thủ vào thời điểm hiện tại. Đó là những tàu sân bay hiện đại nhất thế giới, có lượng giãn nước lớn nhất thế giới, với khả năng mang theo nhiều máy bay nhất (gần 100 máy bay).

Biên đội tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68) của Mỹ được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Internet
Biên đội tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68) của Mỹ được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Internet

Thế thượng phong của Mỹ

Thế kỷ 21 là thế kỷ của lực lượng trên không, nên các tàu sân bay lại càng trở nên quan trọng với vai trò là các căn cứ không quân di động trên biển. Đó cũng là lý do tại sao nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới đang nỗ lực tập trung phát triển các hàng không mẫu hạm, coi đây là bước đi cần thiết nhất trong việc tăng cường sức mạnh cả về không quân và hải quân. Riêng với Mỹ, phát triển tàu sân bay có vai trò sống còn đối với chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của nước này.

Có một thực tế không thể phủ nhận là bất chấp Trung Quốc có hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, Ấn Độ có INS Vikrant hay Nhật Bản có Izumo, các tàu sân bay hiện có của Mỹ như USS George Washington và USS Ronald Reagan… của Mỹ sẽ tiếp tục chiếm uy phong lớn trong những năm sắp tới. Những siêu tàu sân bay đang nằm trong biên chế được coi là xương sống, là trung tâm của các hạm đội mặt nước hiện đại của Hải quân Mỹ. Đó là chưa kể Hải quân Mỹ đang chuẩn bị cho hạ thủy tàu sân bay USS Gerald R. Ford tiên tiến nhất thế giới với hàm lượng công nghệ cao hơn, hình thành sức chiến đấu trên biển mạnh mẽ hơn nhiều so với các tàu lớp Nimitz đang có trong biên chế.

Theo các nguồn tin từ Lầu Năm Góc, với tổng chi phí vào khoảng 14 tỉ USD, tàu sân bay USS Gerald R.Ford rộng hơn 3 lần so với tàu sân bay USS Nimitz, lượng giãn nước lên tới 112.000 tấn. Các chuyên gia cho rằng, nhờ những công nghệ cao lần đầu được sử dụng, tàu sân bay USS Gerald R. Ford có thể giúp Mỹ duy trì ưu thế trên biển trong vòng 50 năm tới. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2058, Hải quân Mỹ sẽ chế tạo 11 tàu sân bay lớp Ford.

Sức mạnh thuộc vào loại “vô đối” của các tàu sân bay của Mỹ cũng khiến nhiều nước trong khu vực tỏ ra hết sức lo ngại. Ngoài khả năng tham chiến tuyệt vời khi cần thiết, những tàu sân bay này còn có “sức mạnh ảo” giúp nâng cao hình ảnh và sức răn đe quân sự của Mỹ, đồng thời được coi là chỗ dựa cho các đồng minh của Oa-sinh-tơn.

Thực tế, có thể dễ dàng nhận thấy, các siêu tàu sân bay của Mỹ đi đến đâu là sức nóng ở đó tăng lên rõ rệt. Sự hiện diện của siêu tàu sân bay USS Nimitz trong cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vừa qua khiến tình hình bán đảo Triều Tiên nổi sóng có thể coi là một ví dụ điển hình.

Thế nên mới nói, tàu sân bay là thứ vũ khí lợi hại và mang lại nhiều lợi thế cho Mỹ trong việc nâng tầm ảnh hưởng tại khu vực. Điều đó cũng mở đầu cho một cuộc đua đầy gay cấn và quyết liệt như những gì chúng ta đang được chứng kiến./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com