Chảo lửa Xy-ri tiếp tục nóng

08:08, 23/08/2013

Một nhóm thanh sát viên vũ khí hóa học của Liên hợp quốc (LHQ) đang có mặt tại Xy-ri để điều tra quân đội Chính phủ nước này hay lực lượng nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, người dân nước này quan ngại rằng liệu có phải cuộc điều tra sẽ là một cái cớ để "hợp lý hóa" cho một hành động can thiệp quân sự vào nước này, một kịch bản tương tự như cuộc xâm lược của Mỹ tại I-rắc năm 2003?

Liệu Xy-ri có là “I-rắc thứ hai”?

Nhóm thanh sát viên gồm 10 chuyên gia của LHQ đã tới Đa-mát từ ngày 19-8, bắt đầu sứ mệnh đầy thử thách trong hai tuần là thanh sát các địa điểm bị cho là từng có sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe chống đối. Mặc dù các địa điểm cụ thể không được thông báo, song nhiều khả năng các chuyên gia đến khu vực Khan An A-xát thuộc tỉnh miền Bắc A-lép-pô, nơi các bên ở Xy-ri cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hóa học vào ngày 19-3 vừa qua. Đoàn thanh sát dự kiến cũng sẽ đến khu vực A-ta-bê, gần Đa-mát và Thành phố Hôm-xơ, những nơi được báo cáo là có sử dụng vũ khí hóa học.

Lực lượng nổi dậy Xy-ri chiếm giữ khu vực Deir al-Zor, phía đông Thủ đô Đa-mát, ngày 20-8. Ảnh: Internet
Lực lượng nổi dậy Xy-ri chiếm giữ khu vực Deir al-Zor, phía đông Thủ đô Đa-mát, ngày 20-8. Ảnh: Internet

Trước đó, sứ mệnh của phái đoàn này đã nhiều lần bị trì hoãn do bất đồng giữa LHQ với chính quyền của Tổng thống Ba-sa An Át-xát về phạm vi điều tra đối với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.

Kể từ năm 2012, Mỹ và một số nước châu Âu đã bắt đầu lo ngại về nguy cơ các vũ khí hóa học của Xy-ri có thể "rơi vào tay các phần tử xấu" nếu chính quyền Tổng thống B.Át-xát sụp đổ. Oa-sinh-tơn tuyên bố, nếu chính quyền Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học thì hành động này được xem là "vượt qua ranh giới đỏ" và sẽ dẫn tới việc can thiệp quân sự. Tuy nhiên, chính quyền Xy-ri nhiều lần khẳng định không sở hữu các loại vũ khí này, đồng thời cáo buộc phe đối lập có thể đang có trong tay bom hóa học và có thể sử dụng chúng nhằm vào dân thường, rồi sau đó đổ tội cho quân đội chính quyền nhằm kích động các chiến dịch quân sự của nước ngoài.

Nhiều nhà phân tích Xy-ri cho rằng, Mỹ có ý định lặp lại kịch bản I-rắc, song khả năng tái diễn kịch bản tương tự thì rất khó bởi do "bối cảnh đặc biệt" của Xy-ri. Trước hết, cuộc điều tra tại Xy-ri sẽ được tiến hành dựa trên một thỏa thuận giữa LHQ và Đa-mát. Theo thỏa thuận này, nhiệm vụ duy nhất của cuộc điều tra là xác định xem liệu có phải các loại vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Xy-ri hay không chứ không phải là xác định các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hoạt động này. Hơn nữa, với tình hình hiện tại đang diễn ra bên trong đất nước Xy-ri, kết quả cuộc điều tra khó có khả năng trở thành các nhân tố kích động một cuộc can thiệp quân sự nước ngoài, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại.

Ngoài ra, "môi trường chính trị cùng thế cân bằng quyền lực trên thế giới hiện tại đã khác so với trước đây". Vào thời điểm diễn ra chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào I-rắc, cộng đồng quốc tế bị chi phối bởi quyền lực của phương Tây, nhất là Mỹ. Tuy nhiên, tình hình hiện đã khác. Lập trường cứng rắn gần đây của Mát-xcơ-va đã chấm dứt thế độc tôn của phương Tây.

Mặt trận ưa thích của các chiến binh Hồi giáo cực đoan

Bất ổn chính trị đã biến Xy-ri trở thành mặt trận được ưa thích của bọn khủng bố và các chiến binh Hồi giáo cực đoan. Theo nguồn tin tình báo Mỹ, làn sóng chiến binh nước ngoài tràn vào Xy-ri bắt đầu tăng lên trong hai hoặc ba tháng gần đây. Phần lớn họ được tuyển mộ qua Facebook, Twitter và nhiều website Hồi giáo cũng như mạng lưới các nhà tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Theo ước tính của tình báo phương Tây, hiện ở Xy-ri có khoảng 10.000 chiến binh nước ngoài đến từ I-rắc, Tre-sni-a và cả châu Âu chiến đấu để lật đổ Tổng thống Ba-sa An Át-xát. Sự hiện diện của các chiến binh nước ngoài ngày càng tăng lên ở Xy-ri đã gây lo ngại cho giới tình báo phương Tây bởi họ sợ rằng, các chiến binh châu Âu sẽ quay trở lại nước mình và phát động các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng.

Nhằm tháo gỡ thế bế tắc trong tiến trình hòa giải ở Xy-ri, dự kiến, vào tuần tới, các nhà ngoại giao Nga - Mỹ sẽ có cuộc gặp tại La Hay (Hà Lan) để thảo luận cho công tác chuẩn bị Hội nghị hòa bình về Xy-ri bị trì hoãn trong một thời gian dài trước đó./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com