"Anh em Hồi giáo" không dễ từ bỏ quyền lực ở đất nước Pha-ra-ông

08:08, 20/08/2013

Diễn biến nguy hiểm tại Ai Cập hiện nay được cho là có bàn tay kích động của phong trào Anh em Hồi giáo (MB), đẩy đất nước tới gần miệng vực nội chiến. Trong nỗ lực lập lại trật tự, chính phủ lâm thời Ai Cập đã đề xuất giải tán MB vì “không có cơ hội hòa giải”. Nhưng đối với đất nước Pha-ra-ông lúc này, mọi sự đều không hề đơn giản.

Cuộc lật đổ Tổng thống dân bầu Mô-ha-mét Mơ-xi xuất phát từ cơn thịnh nộ của người dân Ai Cập trút xuống MB, vì MB đã để họ phải thất vọng khi không làm tròn vai trò điều hành đất nước. Sự việc dường như đã dập tắt tham vọng áp đặt một chế độ Hồi giáo và cai trị đất nước theo luật Hồi giáo Sharia của MB. Tuy nhiên, không cam chịu thất bại, MB đang dẫn đầu phong trào biểu tình lớn chưa từng có chống lại chính phủ lâm thời, đẩy đất nước vào cảnh tranh giành quyền lực đẫm máu và hỗn loạn.  

Không khó để giải thích vì sao MB lại cứng rắn và chống cự đến cùng như vậy. Thành lập từ năm 1928 tại Ai Cập, MB được coi là phong trào phục hưng Hồi giáo với khẩu hiệu “Hồi giáo là giải pháp”. Tuy nhiên, phong trào này gần như bị cấm đoán trong suốt lịch sử 80 năm tồn tại và bị chính một số chính quyền Hồi giáo từ chối do bị cho là cực đoan. Tại Ai Cập, MB liên tục bị chấn áp dưới chế độ của cựu Tổng thống H. Mu-ba-rắc. Mặc dù các nhà lãnh đạo và thành viên của phong trào này thường phải đối mặt với tù tội và bị giam giữ, nhưng MB vẫn xây dựng được mạng lưới các chân rết trên khắp thế giới và thường lấy lòng người dân bằng việc cung cấp các phúc lợi xã hội. Tại Ai Cập, MB cũng gây dựng được chỗ đứng đáng kể của mình. MB chiếm 25% số phiếu cử tri, duy trì được một mạng lưới gồm các thành viên có quyền lực, có tổ chức và kỷ luật trên khắp đất nước. Nhưng chỉ đến khi nổ ra cuộc nổi dậy “Mùa xuân A-rập” với sự thắng thế của phong trào Hồi giáo, MB mới thực sự giành được quyền lực tối cao tại Ai Cập sau khi cùng với quân đội lật đổ ông H.Mu-ba-rắc vào năm 2011.

Lực lượng an ninh Ai Cập dùng hơi cay giải tán những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ M.Mơ-xi tại Cai-rô.  Ảnh: Internet
Lực lượng an ninh Ai Cập dùng hơi cay giải tán những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ M.Mơ-xi tại Cai-rô. Ảnh: Internet

Bởi thế, MB sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền lực mà họ phải trải qua một thời gian dài đầy gian khó mới đoạt được. Hơn nữa, như các nhà phân tích đánh giá, việc giành lại quyền lực ở Ai Cập đối với MB còn có ý nghĩa quan trọng về ý thức hệ nhằm bảo vệ giá trị và tinh thần Hồi giáo. Trong tình thế có vẻ tuyệt vọng như hiện nay, khi bị chính phủ và quân đội trấn áp quyết liệt, MB vẫn kêu gọi những người ủng hộ hãy “tử vì đạo”. Vì vậy có thể thấy rằng, MB đã dựa vào “đức tin” của các tín đồ Hồi giáo để kêu gọi mọi người không sợ chết xuống đường hành động chống lại chính phủ lâm thời và quân đội, những người đã lật đổ ông M.Mơ-xi. Khẩu hiệu “Người tử vì đạo không chết. Người tử vì đạo sẽ lên thiên đàng” được các nhà hoạt động của MB hò hét hết cỡ qua loa phóng thanh nhằm kêu gọi mọi người biểu tình.

Điều đó phản ánh “về mặt lập trường, họ (MB) đang ở vào thế yếu vì không có bất cứ chương trình hành động nào khác ngay lúc này”, ông Kha-lin An A-na-li, một chuyên gia về MB tại Đại học Durham (Anh) phân tích.

Hơn nữa, với đề xuất giải tán của chính phủ lâm thời Ai Cập, MB còn đang phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi luật pháp nước này và đối mặt với sự sống còn. Tổ chức này bị cáo buộc gây ra những vụ bạo loạn trên đường phố, tấn công vào các cơ quan chính phủ,  doanh trại quân đội, lực lượng cảnh sát… Vì thế, MB đang ngày càng có nguy cơ mất thế hợp pháp để tồn tại.

Nhưng như vậy không có nghĩa là chính phủ lâm thời Ai Cập có thể dễ dàng lập lại trật tự trong tình thế rối ren hiện nay. Trước đó, các nguồn tin tình báo I-xra-en cho biết, phong trào Anh em Hồi giáo Ai Cập đã thành lập một “Hội đồng chiến tranh Xi-nai” để biến bán đảo Xi-nai thành một khu vực nổi dậy chống lại chính phủ lâm thời và trả thù quân đội nước này. Dù chưa được kiểm chứng, nhưng tin tức này cũng gây mối lo ngại cho sự ổn định về lâu dài của đất nước “Pha-ra-ông”.

Vả lại, trong bối cảnh MB đang ở thế yếu và nguy cơ bị mất thế hợp pháp để tồn tại, người ta lo ngại xu hướng các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể ly khai khỏi MB và gia nhập các phong trào cực đoan khác. Một nhóm Hồi giáo mới vừa tuyên bố thành lập tại Ai Cập với tên gọi Ansar Al-Shariah. Nhóm này đã coi việc quân đội phế truất Tổng thống M.Mơ-xi là sự tuyên chiến với niềm tin tôn giáo của họ. Nhóm cũng đồng thời đe dọa sử dụng vũ lực để áp đặt luật Hồi giáo tại Ai Cập.

Những diễn biến phức tạp này có thể thấy “Mùa xuân A-rập” tại Ai Cập đã trở thành cuộc đọ sức và tranh giành quyền lực, làm trì trệ tiến trình tái thiết chính trị và ngăn chặn tiến trình chuyển đổi dân chủ ở quốc gia này.

Những yếu tố tác động bên ngoài cũng đang đe dọa không nhỏ tới tương lai ổn định của Ai Cập. Tình hình Ai Cập hiện nay phản ánh thế giới Hồi giáo ở Trung Đông đang có sự chia rẽ, khi một số quốc gia ủng hộ chính phủ lâm thời Ai Cập và một số quốc gia khác ủng hộ Tổng thống dân bầu M.Mơ-xi. A-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Cô-oét đã ra tuyên bố ủng hộ chính phủ lâm thời Ai Cập. Có tin ba nước này còn cam kết hỗ trợ 12 tỷ USD cho chính phủ Ai Cập thời hậu M.Mơ-xi. Trong khi một số nước khác dù không công khai nhưng cũng dành những sự ủng hộ đáng kể cho phe Hồi giáo ở Ai Cập./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com