Vụ không kích gây khó cho chính phủ Pa-ki-xtan

07:06, 03/06/2013

Ngày 1-6, Thủ tướng được đề cử của Pa-ki-xtan, ông Na-oa Sa-ríp đã lên án vụ không kích mới nhất hôm 29-5, do máy bay không người lái của Mỹ tiến hành nhằm vào nơi ẩn náu của phiến quân phong trào Hồi giáo Ta-li-ban ở nước này, còn gọi là Tehreek-e-Taliban (TTP), ở bang Bắc Oa-di-ri-xtan, tiêu diệt thủ lĩnh số 2 của TTP là Oa-li U Rê-man. Động thái mới nhất này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu rằng mối quan hệ đồng minh giữa Oa-sinh-tơn và I-xla-ma-bát, vốn "bằng mặt không bằng lòng", sẽ đi về đâu?

Theo AP, trong tuyên bố của mình, ông Na-oa Sa-ríp khẳng định “vụ không kích không những vi phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ mà còn vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc”. Ông Na-oa Sa-ríp cũng nhấn mạnh “cần phải có các cuộc tham vấn có ý nghĩa và hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia về động thái này hơn là việc sử dụng các biện pháp đơn phương”.

TTP đã tuyên bố rút đề nghị đối thoại hòa bình với Chính phủ Pa-ki-xtan sau khi xác nhận Oa-li U Rê-man thiệt mạng và thề sẽ báo thù. Được biết, Chính phủ Mỹ từng treo giải thưởng 5 triệu USD để lấy mạng Oa-li U Rê-man, bị cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công vào lực lượng liên quân ở Áp-ga-ni-xtan, kể cả vụ đánh bom căn cứ Mỹ hồi năm 2009 khiến 7 nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thiệt mạng.

Người biểu tình Pa-ki-xtan đốt cờ Mỹ để phản đối vụ không kích bằng UAV.  Ảnh: Internet
Người biểu tình Pa-ki-xtan đốt cờ Mỹ để phản đối vụ không kích bằng UAV. Ảnh: Internet

Trong những năm trở lại đây, mối quan hệ đồng minh giữa Oa-sinh-tơn và I-xla-ma-bát thường xuyên không được xuôi chèo mát mái chủ yếu liên quan đến các vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ nhằm vào các phiến quân Ta-li-ban ở khu vực các bộ tộc của Pa-ki-xtan, đặc biệt, quan hệ hai bên đã từng đi vào khủng hoảng sau vụ quân đội Mỹ tập kích tiêu diệt trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen tại một khu vực quân sự của Pa-ki-xtan vào năm 2011 mà không báo trước. Cho đến nay, những vụ tấn công của Mỹ trong lãnh thổ Pa-ki-xtan vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Và điều tất yếu là người Pa-ki-xtan vẫn canh cánh trong lòng chuyện chủ quyền quốc gia bị xâm phạm.

Vụ tấn công hôm 29-5 vừa qua diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố, sẽ giới hạn các cuộc không kích bằng UAV bên ngoài lãnh thổ. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định việc sử dụng UAV của Mỹ là hoàn toàn nhằm tự vệ trước các kẻ thù nguy hiểm và sẽ chỉ sử dụng UAV đối với các mối đe dọa "liên tục và sắp xảy ra". Giới phân tích đã đón nhận lời tuyên bố của ông B.Ô-ba-ma bằng một thái độ khá dè dặt chủ yếu vì lời cam kết vẫn còn rất mơ hồ. Theo một Sách trắng được Bộ Tư pháp Mỹ công bố hồi tháng 2 vừa qua, “mối đe dọa trực tiếp và thường xuyên” không có nghĩa là đối tượng chuẩn bị tấn công nước Mỹ gần như ngay lập tức. Thêm vào đó, Al Qaeda là một trong những tổ chức hầu như đã được mặc định là mối đe dọa thường trực đối với Mỹ. Điều này có nghĩa rằng, điều kiện đầu tiên về việc mở cuộc không kích bằng UAV luôn được áp dụng với mọi đối tượng dính líu tới tổ chức này. Ngoài ra, cũng chưa thể loại trừ hoàn toàn khả năng là các cuộc không kích bằng UAV trong tương lai sẽ không gây thương vong cho những người dân vô tội. AFP dẫn số liệu từ Cục Báo chí Điều tra của Anh (The Bureau of Investigative Journalism) cho biết, các cuộc tấn công bằng UAV nhắm vào các mục tiêu nghi ngờ là chiến binh Al Qaeda và Ta-li-ban ở Pa-ki-xtan đã làm thiệt mạng 3.587 người kể từ năm 2004, trong đó hơn 884 nạn nhân là dân thường. Chính vì thế, đã có những dự đoán về sự rạn nứt tất yếu trong mối quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống là Mỹ và Pa-ki-xtan.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, mặc dù quan hệ song phương có lúc thăng lúc trầm, thế nhưng giới phân tích nhìn nhận hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo trong quan hệ Oa-sinh-tơn - I-xla-ma-bát trong thời gian tới. Trên thực tế, sau sự kiện 11-9-2001, việc hợp tác lâu dài với Pa-ki-xtan đã trở nên quan trọng với giới hoạch định chính sách Mỹ khi nước này bắt đầu cuộc chiến chống Al Qaeda và Ta-li-ban. Khi các thủ lĩnh của lực lượng Ta-li-ban và Al Qaeda dần chiếm lĩnh các vùng biên giới trọng yếu, Mỹ đã cố gắng tìm kiếm một đối tác chiến lược để giúp mình trong việc đặt căn cứ quân sự, tấn công vào các thành trì quân sự. Chính vì vậy, hằng năm Mỹ đã hỗ trợ quân sự và phi quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Pa-ki-xtan. Chừng nào Mỹ còn tiếp tục dính líu đến Áp-ga-ni-xtan và cuộc chiến với Ta-li-ban, Al Qaeda thì chừng đó Mỹ vẫn cần phải vận chuyển vũ khí và điều động quân đội tới Pa-ki-xtan cũng như những thông tin tình báo hữu ích về các nhóm vũ trang. Nếu Mỹ mất đồng minh Pa-ki-xtan thì cuộc chiến chống khủng bố sẽ thực sự gặp khó khăn.

Ngược lại, Pa-ki-xtan cũng cần dựa vào viện trợ kinh tế và an ninh của Mỹ. Theo báo India Today, Chính phủ của ông Na-oa Sa-ríp sẽ phải đối mặt với 5 thách thức chủ yếu đó là vấn đề thanh toán gánh nặng nợ nần mà Chính phủ cũ để lại, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, lạm phát và quốc nạn tham nhũng.

Vì vậy, cho dù không hài lòng, thế nhưng Mỹ và Pa-ki-xtan đều không mong muốn mối quan hệ này bị đổ vỡ. Cả Oa-sinh-tơn và I-xla-ma-bát đều cần có nhau./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com