Sau khi người biểu tình phớt lờ "tối hậu thư" yêu cầu giải tán của Thủ tướng R.T.Éc-đô-gan, chính quyền An-ca-ra đã quyết định mạnh tay giải tán đám đông đang có nguy cơ đe dọa đến sự ổn định chính trị xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 15-6, hàng trăm cảnh sát vũ trang bằng khiên và dùi cui đã sử dụng hơi cay, vòi rồng tấn công Công viên Ghê-di nằm dọc theo quảng trường Tác-xim ở trung tâm Thành phố I-xtan-bun nơi người biểu tình tụ tập 18 ngày qua để phản đối Thủ tướng R.T.Éc-đô-gan.
Cảnh sát đã dỡ bỏ các lều trại do người biểu tình dựng lên và bắt giữ các đối tượng quá khích. Hơn 100 xe buýt đã được huy động để chở những đối tượng quá khích bị bắt giữ. Roi-tơ dẫn thông tin từ Thị trưởng I-xtan-bun H.A.Mút-lu cho biết, có 29 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ nhưng không có ai bị thương nặng.
Trước đó chưa đầy 2 giờ đồng hồ, Thủ tướng T.Éc-đô-gan ra "tối hậu thư" cảnh báo "người biểu tình phải nhanh chóng chấm dứt việc chiếm đóng công viên này hoặc lực lượng an ninh sẽ biết phải làm gì". Thậm chí, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ E.Ba-gít còn tuyên bố bất cứ ai đi vào quảng trưởng Tác-xim sẽ bị coi là khủng bố.
![]() |
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ xịt vòi rồng giải tán người biểu tình ngày 15-6. Ảnh: Internet |
Bất chấp việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã cam kết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc quy hoạch và tái phát triển Công viên Ghê-di, những người biểu tình vẫn tuyên bố sẽ không rời khỏi đây, bởi họ cho rằng chính phủ đã không thực hiện các yêu cầu của mình, trong đó có việc trả tự do cho những người biểu tình bị bắt và sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát tại các thành phố xảy ra đụng độ.
Theo nhiều nhà phân tích, vụ Công viên Ghê-di không phải là nguyên nhân duy nhất châm ngòi cho làn sóng biểu tình đang sôi sục tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc biểu tình phản ánh sự không đồng thuận của một bộ phận người dân với các chính sách của chính phủ, đơn cử như việc hồi tháng 5, chính phủ đã thông qua các dự luật mới về quản lý bán và quảng cáo các sản phẩm có cồn, theo đó, các Cty sản xuất, kinh doanh đồ uống không được phép tài trợ cho bất cứ hoạt động nào, các cửa hàng phải ngừng bán rượu từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và nhiều quy định phạt nặng hơn với tội lái xe uống rượu. Những người ủng hộ luật mới, do Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đề xướng, cho rằng luật này giúp bảo vệ xã hội, đặc biệt là trẻ em, trước những tác hại từ đồ uống có cồn trong khi những người chỉ trích coi đây là dấu hiệu bảo thủ và xâm phạm đời sống cá nhân.
Bên cạnh đó, sự chia rẽ và căng thẳng trong xã hội đang leo thang cũng là một nhân tố gây bất ổn. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng T.Éc-đô-gan, Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước tăng trưởng kinh tế đáng kể, nâng cao vị thế trên trường quốc tế và nhận được nhiều sự quan tâm của các nước. Tuy nhiên, ông T.Éc-đô-gan chỉ nhận được sự hậu thuẫn từ phía những người Hồi giáo có tư tưởng bảo thủ ở các vùng nông thôn, trong khi đó, phong cách lãnh đạo có phần cứng rắn của ông lại bị chỉ trích là gây nhiều chia rẽ trong cộng đồng người thế tục.
Ngoài ra, thái độ cứng rắn, liên tục đưa ra những thông điệp "thép" của ông T.Éc-đô-gan trong việc ứng phó với làn sóng biểu tình được tờ Financial Times nhận định là chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Động thái trấn áp ngày 15-6 là một ví dụ cụ thể khi hàng nghìn người biểu tình tiếp tục tuần hành tới trung tâm Thành phố I-xtan-bun vào đêm 15, rạng sáng 16-6 để phản đối.
Cho đến nay, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và khoảng 5.000 người bị thương, trong đó có gần 600 cảnh sát. Các nhà phân tích cho rằng, thay vì đem lại hiệu quả như mong đợi của chính phủ, việc sử dụng vũ lực trấn áp người biểu tình xem ra lại chỉ càng khiến cho hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế bị hoen ố, có nguy cơ làm suy giảm đáng kể uy tín của đảng cầm quyền AKP và của cá nhân ông T.Éc-đô-gan, nhất là trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2014 và tổng tuyển cử vào năm 2015.
Làn sóng biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã khiến hãng tin AP liên tưởng đến phong trào “Mùa xuân A-rập”. Các cuộc biểu tình càng kéo dài, đối thoại chính trị và xã hội sẽ càng khó khăn. Hệ lụy của vụ việc sẽ là khó lường nếu như chính phủ và người biểu tình không sớm tìm được tiếng nói chung cho các vấn đề còn bất đồng hiện nay./.
Theo: qdnd.vn