Những tín hiệu tích cực trên Bán đảo Triều Tiên; EU dừng cấm vận vũ khí phe đối lập ở Syria; Mỹ truy tố vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử… là những tin tức được đông đảo bạn đọc trên thế giới quan tâm trong tuần qua.
1. Sau thời gian cẳng thẳng như “nước sôi, lửa bỏng”, Bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng và mong muốn trở lại bàn đàm phán, trong đó có đàm phán sáu bên cũng như thực thi các biện pháp tích cực nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định giữa hai miền.
![]() |
Tình hình liên Triều “hạ nhiệt” có thể là cơ sở để KCN chung Kaesong mở cửa trở lại trong thời gian tới. Ảnh: CNN |
Trước đó, phía Triều Tiên cũng đề xuất với Hàn Quốc đồng tổ chức một sự kiện kỷ niệm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 nhằm tăng cường hợp tác và hòa giải.
Về phần mình, Hàn Quốc cũng kêu gọi Triều Tiên nên tổ chức đối thoại cấp chính phủ với Hàn Quốc, nếu họ muốn bình thường hóa hoạt động của KCN chung Kaesong đang bị đình chỉ cũng như giải quyết các vấn đề khác.
Có vẻ vẫn thận trọng về vấn đề này, Mỹ-Hàn tiếp tục tập trận vượt sông quy mô lớn đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua tại khu vực gần biên giới với Triều Tiên, đúng 10 ngày sau khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng phóng 3 tên lửa tầm ngắn vào vùng biển phía Đông của nước này.
2. Ngày 27-5 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria, nhưng sẽ vẫn duy trì các lệnh cấm vận chống lại chính quyền Syria sau ngày 1-6.
![]() |
Việc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với lực lượng đối lập ở Syria có thể gây ảnh hưởng tới hội nghị quốc tế về Syria tới đây. Ảnh: Presstv |
Quyết định này được cho là sẽ mở đường cho việc trang bị vũ khí “một cách hợp pháp” cho phe đối lập Syria, đồng thời gửi bức thông điệp cứng rắn tới chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad rằng, cần phải tiến hành một cuộc thương lượng nghiêm túc với phe đối lập để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua.
Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy sự bất đồng sâu sắc giữa các nước phương Tây trong giải quyết xung đột tại Syria và có thể gây ảnh hưởng tới hội nghị quốc tế về Syria dự kiến trong tháng 6 này tại Geneva, Thụy Sĩ.
Vấn đề Syria tiếp tục “nóng” bởi những câu hỏi nghi vấn xung quanh hợp đồng đặt mua các tổ hợp tên lửa S-300 của Nga.
3. Iraq đang phải trải qua những vụ bạo lực kéo dài liên tiếp và đẫm máu nhất kể từ khi quân đội Mỹ rút quân khỏi đây năm 2011. Chỉ tính riêng trong tháng 5, đã có hơn 500 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương vì các vụ đánh bom.
![]() |
An ninh tại Iraq vẫn chồng chất nhiều bất ổn. Ảnh: Reuters |
Từ tháng 12-2012, người Sunni đã biểu tình rầm rộ phản đối Thủ tướng Nuri al-Maliki (người Shiite) vì cho rằng các chính sách của ông phân biệt đối xử. Bạo lực bùng nổ dữ dội trong những tháng đầu năm nay sau khi một nhóm binh sĩ Iraq tấn công một nhóm người biểu tình Sunni ở thị trấn Hawija.
Đáng chú ý, ngày 27-5, hơn 12 vụ nổ đã phá hủy nhiều khu chợ và trung tâm mua sắm ở Baghdad, cướp đi sinh mạng của trên 70 người Shiite khắp thủ đô Iraq.
Đây là dấu hiệu cho thấy nước này đang trải qua một đợt bạo lực sắc tộc mới, cũng như nhằm gây mất uy tín của chính phủ do người Shiite đứng đầu.
4. Các nhà chức trách Mỹ đang điều tra đường dây rửa tiền "lớn nhất thế giới" từ trước tới nay nhằm vào tổ chức giao dịch tiền ảo Liberty Reserve.
Đặt trụ sở tại Costa Rica, Liberty Reserve bị cáo buộc vận hành một đường dây rửa tiền trị giá vào khoảng 6 tỷ USD với khoảng 55 triệu lượt giao dịch bất hợp pháp cho hơn một triệu khách hàng toàn cầu. Cuộc điều tra đã mở rộng tại 17 quốc gia.
![]() |
Cơ quan tư pháp Mỹ công bố những sai phạm của Liberty Reserve. Ảnh: Reuters |
Theo các công tố viên Mỹ, khách hàng của Liberty Reserve - vốn không cần phải dùng giấy tờ tùy thân để đăng ký thành viên - truy cập vào trang web của tổ chức này để mua tiền ảo rồi dùng tiền ảo này giao dịch với nhiều người khác thông qua Liberty Reserve.
Các nhà chức trách Mỹ cho rằng, với mô hình hoạt động như vậy, Liberty Reserve đã trở thành một công cụ rửa tiền cho bọn tội phạm, mà điển hình là vụ cướp 45 triệu USD từ hệ thống máy ATM tại 27 quốc gia bị phát giác gần đây.
5. Việc Luật Kiểm soát súng đạn của Mỹ do 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đề xuất, mà đứng đầu là Tổng thống Barack Obama bị bác bỏ cho thấy thế lực to lớn của những người bảo vệ quyền sử dụng súng và Hiệp hội súng trường quốc gia trong nền chính trị nước Mỹ.
Không những thế, Tổng thống Obama còn được “tưởng thưởng” bằng một lá thư chứa chất độc chết người ricin. Rất may, lá thư này đã được ngăn chặn trước khi đến tay ông. Sự kiện này diễn ra cùng thời điểm các lá thư chứa chất ricin được gửi cho Thị trưởng New York Michael Bloomberg và nhóm ủng hộ kiểm soát súng do ông đứng đầu.
Nôi dung các bức thư thể hiện sự không đồng tình với quan điểm của ông Obama và ông Bloomberg về việc cần siết chặt quản lý đối với sử dụng vũ khí cá nhân.
Theo qdnd.vn