"Quýt làm cam chịu"

08:06, 19/06/2013

Ngày 17-6, Thủ tướng Cộng hoà Séc P.Nê-cát tuyên bố từ chức, trong bối cảnh một loạt trợ lý gần gũi và đồng minh chính trị của ông vừa bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng. Việc Thủ tướng Nê-cát từ chức đồng nghĩa với việc chính phủ liên minh cánh hữu của ông cũng phải ra đi và Cộng hoà Séc có thể phải tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Ông Necas tuyên bố từ chức
Ông Necas tuyên bố từ chức

Quyết định từ chức đã được Thủ tướng P.Nê-cát thông báo với báo giới sau cuộc gặp với lãnh đạo Đảng Dân chủ Công dân cầm quyền. Ông cho biết đã theo dõi sát diễn biến tình hình chính trị đất nước những ngày qua, và ông muốn thể hiện trách nhiệm chính trị của mình. Cùng với quyết định rời bỏ ghế Thủ tướng, ông P.Nê-cát cũng cho biết sẽ thôi giữ chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Công dân cầm quyền.

Chính phủ trung tả của Thủ tướng Nê-cát đã bị suy yếu nhiều bởi chính sách thắt lưng buộc bụng và nhất là bởi nhiều vụ bê bối tham nhũng. Trước Quốc hội, nội các của ông từ năm 2010 đến nay đã 5 lần bị kiến nghị bất tín nhiệm và 3 lần bị bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên áp lực buộc ông Nê-cát phải từ chức gia tăng sau khi Chánh văn phòng Thủ tướng và 6 quan chức khác trong Chính phủ của ông bị cáo buộc tội hối lộ và lạm dụng quyền lực hôm 14-6 vừa qua.

Chánh văn phòng Thủ tướng, bà Ra-na Na-gi-ô-va, là người duy nhất được công bố danh tính trong số 7 nhân vật nói trên. Người đứng đầu đơn vị Phòng chống tội phạm có tổ chức của cảnh sát Séc, ông Rô-bớt Slách-ta cho biết: bà Na-gi-ô-va đã sử dụng các cơ quan tình báo quốc gia để phục vụ “mục đích cá nhân”. Giới truyền thông địa phương cho hay, bà Na-gi-ô-va đã tìm cách theo dõi vợ ông Nê-cát - người mà Thủ tướng Séc vừa thông báo đã ly dị vào đầu tuần trước. Theo luật pháp Séc, các cơ quan tình báo quân đội chỉ được nhận lệnh từ Bộ trưởng Quốc phòng.

Hiện 6 viên chức còn lại đang đối mặt với cùng cáo buộc lạm dụng quyền lực, trong đó một người bị cáo buộc hối lộ tiền cho nhiều cựu nghị sĩ Quốc hội Séc. Tuy nhiên, các công tố viên cho hay có thể sẽ có thêm nhiều người bị buộc tội sau chiến dịch lục soát đặc biệt tại 31 địa điểm do hơn 400 cảnh sát tiến hành hôm 13-6. Đã có nhiều tài liệu, hơn 150 triệu koruma (khoảng 8 triệu USD) trong các chi phiếu ngân hàng và hàng chục ký vàng được cảnh sát thu gom trong các cuộc đột kích. Đảng Dân chủ xã hội đối lập và một số nhà phân tích chính trị cho rằng, Thủ tướng Nê-cát phải từ chức do Chánh văn phòng của ông nằm trong số những đối tượng bị bắt giữ. Rõ là, “quýt làm, cam chịu”!

Theo Hiến pháp Séc, toàn bộ nội các hiện nay của Séc, cầm quyền từ tháng 7-2010, cũng phải từ chức. Dự kiến, Đảng Dân chủ Công dân sẽ chỉ định người khác đứng ra thành lập chính phủ mới để lãnh đạo đất nước cho tới cuộc bầu cử vào năm tới. Tuy nhiên, chưa rõ các đối tác khác trong liên minh cầm quyền có tiếp tục ủng hộ đảng cánh hữu này nữa hay không. Đó là chưa kể, ngay cả khi nhận được sự ủng hộ thì việc thành lập chính phủ mới cũng rất khó khăn vì liên minh cầm quyền còn thiếu hai ghế mới hội đủ đa số quá bán trong Quốc hội.

Trong trường hợp các phe phái không thoả thuận được về chính phủ mới, hoặc các nghị sĩ nhất trí giải tán Quốc hội, Séc sẽ phải tiến hành bầu cử sớm, có thể vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy nhiều khả năng Đảng Dân chủ Xã hội trung tả sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới./.

Theo daidoanket.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com