Cảnh báo về chạy đua vũ trang ở châu Á

08:06, 04/06/2013

Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á cần phải tránh việc làm bất ổn khu vực vì chạy đua vũ trang, các Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra cảnh báo trong một cuộc hội thảo tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, tổ chức ở Singapore.

Chính phủ các nước châu Á, với sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, đang phải đối mặt với tình hình căng thẳng trong khu vực; đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Từ đó, nhiều ý kiến quan ngại cho rằng, quá trình này có thể gây ra tình trạng nguy hiểm, xét về lâu dài, nếu không được quản lý tốt.

"Quá trình xây dựng quân đội có thể gây nên sự tính toán, phán xét sai lệch và mất lòng tin” - Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yugiantoro phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, ngày 1-6. Ông Yugiantoro nhấn mạnh rằng, để tránh việc hiện đại hóa quân sự dẫn đến bất ổn, cần phải có sự minh bạch mang tính chiến lược. Năm ngoái, lần đầu tiên châu Á đã vượt qua các thành viên của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) xét về ngân sách cho quân sự, theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh.

Trong một báo cáo thường niên về quân đội của các quốc gia trên toàn thế giới, IISS cho biết khoản chi cho ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 8,3% trong khoảng 2011-2012, trong khi xét ở toàn khu vực châu Á, mức tăng này là 4,94% (năm 2012). Xét trên toàn cầu, Trung Quốc giờ chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ về ngân sách cho quốc phòng.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La, Singapore.  Ảnh: Internet
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La, Singapore. Ảnh: Internet

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond nhận định, xu hướng tăng ngân sách quốc phòng ở châu Á là "đáng lo ngại” bởi nó chính là cơ sở gây nên tình trạng căng thẳng gia tăng trong các tranh chấp lãnh thổ và nguồn tài nguyên. "Quá trình này có khả năng leo thang và trở thành nguồn gốc của sự bất ổn, và có thể dẫn tới xung đột” - ông Hammond cho biết.

Mới đầu tháng trước, ngày 9-5, một tàu tuần tra biển của Philippines đã nổ súng vào một tàu cá Đài Loan, khiến 1 ngư dân nước này thiệt mạng. Đài Bắc đã phản ứng hết sức mạnh mẽ, tổ chức các cuộc tập trận gần vùng biển Philippines để phô trương sức mạnh quân sự của mình.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang trong vòng tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông và với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Ở bán đảo Triều Tiên, căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang giữa Hàn Quốc - đồng minh của Mỹ trong khu vực - và CHDCND Triều Tiên về vấn đề hạt nhân.

Các số liệu thống kê gần đây nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI), có trụ sở ở Stockholm, cho thấy ngân sách giành cho quốc phòng của Trung Quốc tăng gần 4 lần, từ 37 tỉ USD (2000) lên 166 tỉ USD (2012). Cạnh đó, quốc gia láng giềng của Trung Quốc là Ấn Độ cũng tăng ngân sách quốc phòng của mình lên 67% kể từ năm 2000 cho tới nay, đạt mức 46,1 tỉ USD (2012). Ở Đông Bắc Á, Hàn Quốc tăng chi tiêu quốc phòng từ 20 tỉ USD lên 31,6 tỉ USD, trong khi Nhật Bản vẫn duy trì ngân sách quốc phòng ở mức 60 tỉ USD. Tuy nhiên, trong tháng 1 năm nay, Tokyo đã tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng trong năm nay, lần đầu tiên sau 1 thập kỷ qua, khoảng 1,15 tỉ USD theo kế hoạch của Chính phủ nước này. Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã lý giải về lý do tăng ngân sách cho quốc phòng của Tokyo: "Chúng tôi tin rằng việc xây dựng sức mạnh quốc phòng nhằm đóng góp cho nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực là hết sức quan trọng”./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com