“Ngày Chiến thắng” và sự nhắc nhở về bạo lực, chiến tranh

08:05, 11/05/2013

Nước Nga rầm rộ kỷ niệm 68 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát-xít; bạo lực trước thềm bầu cử Tổng thống Pakistan; tình hình liên Triều nhiều tiềm ẩn xung đột… là những tin tức được cộng đồng quốc tế quan tâm trong tuần qua.

1. Hơn 8.500 hoạt động diễn ra tại hơn 4.000 điểm dân cư thuộc 60 khu vực Liên bang Nga để kỷ niệm 68 năm ngày chiến thắng phát-xít. Trong đó, tâm điểm là cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ với sự tham gia của hơn 11.000 binh sĩ, 101 xe quân sự và 68 máy bay chiến đấu các loại. Đây còn là dịp để Nga phô diễn sức mạnh quân sự hiện đại của mình.

Xe bọc thép chở quân mới BTR-82A lần đầu tiên tham gia lễ diễu binh. Ảnh: RIAN.
Xe bọc thép chở quân mới BTR-82A lần đầu tiên tham gia lễ diễu binh. Ảnh: RIAN.

Một lần nữa, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Thế chiến thứ II chính là một lời nhắc nhở vĩnh cửu về sự đáng sợ của chiến tranh, đồng thời nhấn mạnh vai trò của nước Nga trong việc gìn giữ hòa bình và ngăn chặn các cuộc chiến mới.

Trong tuần cũng đánh dấu tròn một năm thành công của ông Putin khi trở lại điện Kremlin (ngày 7-5) với cương vị Tổng thống Liên bang Nga và là nhiệm kỳ thứ ba ông giữ vị trí này.

2. Làn sóng bạo lực khắp Pakistan đang có nguy cơ phủ bóng đen lên tiến trình bầu cử, đe dọa tính minh bạch và công bằng của cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 ở Pakistan vào ngày 11-5 - được đánh giá là mang tính lịch sử khi lần đầu tiên một chính phủ dân sự ở quốc gia Nam Á này hoàn thành trọn vẹn việc “chèo lái” đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm.

Kể từ khi chiến dịch vận động tranh cử được bắt đầu từ ngày 11-4 đến nay, các vụ đánh bom, biểu tình dẫn đến bạo loạn đã làm hơn 110 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do phiến quân Taliban coi cuộc tổng tuyển cử “trái với những giá trị của đạo Hồi” và muốn ngăn chặn trào lưu thế tục và tự do ở Pakistan.

Bầu cử ở Pakistan nhuốm màu bạo lực. Ảnh: Reuters.

Mặc dù Pakistan được lãnh đạo bởi một chính phủ dân sự nhưng vai trò của quân đội vẫn không hề bị lu mờ. Chính vì vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng dù đảng nào thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, quyền lực của chính phủ mới cũng sẽ bị quân đội chi phối.

3. Mỹ và đồng minh lại có cuộc biểu dương sức mạnh mới tại Vịnh Persian trong cuộc diễn tập rà phá thủy lôi kéo dài từ ngày 6 đến ngày 30-5 với sự tham gia của 100 thợ lặn quân sự, 35 tàu thuyền và 18 tàu ngầm không người lái của hải quân đến từ 41 quốc gia.

Mặc dù không có tuyên bố chính thức về việc cuộc diễn tập hải quân rầm rộ nhằm chống lại mối đe dọa cụ thể gì, nhưng chắc chắn nó xuất phát từ lời cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz của Iran. Do đó, sự kiện đang diễn ra tại Bahrain được nhìn nhận như "đòn răn đe" mới của Nhà Trắng trong bối cảnh tranh cãi về chương trình phát triển hạt nhân của Iran vẫn chưa thấy những triển vọng khả quan nào.

Đáp lại, Teheran cũng lên kế hoạch hạ thủy một số tàu ngầm và đưa tàu chiến ra “Vùng tam giác chiến lược” giữa các eo biển Malacca, Bab El-Mandev và Hormuz, nơi mà 93% tổng lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran phải đi qua. Có thể thấy căng thẳng giữa phương Tây và Iran chưa bao giờ “chịu lắng dịu”.

Hai tên lửa, được cho là Musudan, trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng hồi năm ngoái. Ảnh: guardian.

4. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày gần đây có dấu hiệu tăng nhiệt sau khi Triều Tiên tiếp tục triển khai một số tên lửa đạn đạo loại Scud và Rodong đặt trên các bệ phóng di động ở bờ biển phía Đông nước này. Trước đó, Bình Nhưỡng có động thái “xuống thang” khi rút hai tên lửa Musudan tầm xa cũng tại khu vực trên.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho biết có thể đó là “đòn gió” - một phần trong các hoạt động nhằm đánh lừa giới quan sát nước ngoài và khẳng định các chu kỳ khiêu khích trước đó của Triều Tiên thường kết thúc sau một thời gian nhất định.

Mặt khác, Bình Nhưỡng đã phản đối và coi cuộc tập chung Hải quân Mỹ-Hàn vào cuối tuần này cùng với chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye sang Mỹ là “khúc dạo đầu cho cuộc chiến tranh” chống lại nước này.

5. Một nhóm tội phạm mạng đã đánh cắp tới 45 triệu USD bằng cách đột nhập vào cơ sở dữ liệu của thẻ ghi nợ trả trước và rút tiền từ các máy ATM tại 26 nước trên thế giới.

Công tố viên Mỹ cho hay 7 người đã bị buộc tội ở New York trong vụ trộm trên. Nghi phạm thứ 8, cũng là kẻ cầm đầu nhóm, được cho là đã bị giết hồi tháng 4 ở Cộng hòa Dominica.

Đây được coi là hành vi trộm cắp lớn nhất kiểu này từ trước đến nay, đặt ra một mối đe dọa lớn đối với các ngân hàng toàn cầu từ tội phạm mạng. Nó cho thấy phương thức hoạt động của nhiều băng nhóm tội phạm quốc tế ngày càng tinh vi, đặc biệt là các nhóm dùng internet, thay vì sử dụng “súng đạn và mặt nạ”.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com