Hàn Quốc và Mỹ ngày 13-5 đã bắt đầu khởi động chương trình tập trận hải quân chung kéo dài hai ngày ngoài khơi bờ biển phía Đông của bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận với sự tham gia của một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới, được dự báo có thể đẩy mối quan hệ liên Triều lên mức căng thẳng mới.
Cách đây hai ngày, nhóm tàu chiến thuộc Hải quân Mỹ dẫn đầu bởi tàu sân bay USS Nimitz (CVN 68) có trọng tải 97.000 tấn đã cập cảng Bu-san, Hàn Quốc. Tàu sân bay USS Nimitz là một trong những tàu sân bay lớn nhất thế giới, tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, cũng như việc điều động trên biển quanh bán đảo Triều Tiên, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Ngoài ra, hoạt động tập trận lần này cũng có sự góp mặt của Liên đội không quân hạm số 11, các tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường Momsen, Preble và tàu tuần dương được trang bị tên lửa dẫn đường USS Princeton và USS Chonsin vô cùng tối tân của Mỹ. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đã huy động tàu khu trục Sejong Đại đế được trang bị tên lửa Aegis và tàu khu trục lớp DDH-II Chungmugong Yi Sunshin cho cuộc tập trận. Các quan chức quân sự Hàn Quốc tiết lộ, tàu khu trục của hai nước sẽ tiến hành một số bài diễn tập phòng không, chống tàu ngầm và phát hiện tên lửa.
![]() |
Tàu sân bay USS George Washington. Ảnh: Internet |
Trong khi đó, Triều Tiên đã lên án sự xuất hiện của tàu sân bay Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Bình Nhưỡng gọi cuộc tập trận mới nhất với Nimitz là "một hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng", có thể gây ra một vòng căng thẳng leo thang mới. "Đây là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với chúng tôi... Điều đó có thể đẩy bán đảo Triều Tiên tới bờ vực của chiến tranh hạt nhân", tờ Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên viết trong một bài xã luận số ra ngày 13-5. Hồi tuần trước, Triều Tiên cũng cảnh báo về bất kỳ hành động khiêu khích nào trong cuộc tập trận chung, nói rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng đáp trả nếu chỉ một quả đạn pháo rơi xuống biên giới biển tranh chấp với Hàn Quốc ở Hoàng Hải.
Cùng với hoạt động tập trận chung, Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Glin Đây-vi, ngày 13-5 đã nhắc lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tiến hành các bước đi phi hạt nhân hóa. Theo nhiều chuyên gia, đây có thể là một nước đi “vừa cứng, vừa mềm”, vừa tiếp tục duy trì thế răn đe và ngăn chặn, thay vì những nhượng bộ trước các hành động mà hai bên cho là “khiêu khích” của CHDCND Triều Tiên, song vẫn để ngỏ việc tìm kiếm một con đường hòa bình để giải quyết tình trạng căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, như những gì Oa-sinh-tơn và Xơ-un đã thống nhất trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê. Đây có thể là một lời giải thích thỏa đáng cho hành động duy trì tập trận chung giữa hai nước, bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của Triều Tiên.
Cũng phải nói rằng, Oa-sinh-tơn đang nỗ lực không ngừng nhằm thực hiện kế hoạch trở lại châu Á, khu vực có vị trí chiến lược và phát triển kinh tế sôi động nhất hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, Mỹ đặt nhiều hy vọng vào những đồng minh lâu bền của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì vậy, cuộc tập trận chung trong bối cảnh có thể khiến căng thẳng liên Triều tiếp tục dậy sóng không gì khác ngoài việc khẳng định một điều rằng, Mỹ đang muốn tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với Xơ-un, đặc biệt là hợp tác sâu rộng về quốc phòng nhằm có một chỗ đứng chắc chân trong khu vực.
Căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên gần đây đã có dấu hiệu giảm bớt sau khi cuộc tập trận Mỹ - Hàn kết thúc hồi cuối tháng 4 và một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Triều Tiên đã di chuyển 2 tên lửa tầm trung khỏi bệ phóng ở bờ đông. Tuy nhiên, với diễn biến mới này, nhiều chuyên gia dự đoán rằng, bán đảo Triều Tiên sẽ lại vấp phải một đợt sóng căng thẳng mới./.
Theo: qdnd.vn