Việc cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Ni-gien Lâu-xơn - một thành viên kỳ cựu và rất có uy tín của đảng Bảo thủ, ngày 7-5, lên tiếng cho rằng “đảo quốc sương mù” cần sớm từ bỏ tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa khoét sâu vào mâu thuẫn vốn tồn đọng bấy lâu trong nội bộ chính trường Anh...
Trong khi Thủ tướng Đa-vít Ca-mơ-rôn hy vọng nỗ lực cải cách EU để Anh có thêm ảnh hưởng và quyền hạn sẽ giúp duy trì tư cách thành viên của nước này sau cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào năm 2017, thì ông N.Lâu-xơn lại cho rằng, kế hoạch này sẽ không mang lại kết quả gì khi vấp phải quá nhiều phản đối. Theo ông này, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung ơ-rô (Eurozone) đã làm thay đổi toàn bộ EU trong bối cảnh khối này ngày càng quan liêu hơn. Vì vậy, Anh cần phải ra khỏi EU để khôi phục và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông N.Lâu-xơn khẳng định, việc từ bỏ EU sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho nước Anh, chứ không phải là thiệt hại.
![]() |
Ông Ni-gien Lâu-xơn - thành viên kỳ cựu và rất có uy tín của đảng Bảo thủ. Ảnh: Internet |
Mối bất đồng về vấn đề châu Âu vốn tồn tại từ lâu trong nội bộ đảng Bảo thủ của Anh. Nhiều thành viên của Đảng coi một EU hùng mạnh là mối đe dọa mang tính toàn cầu của Anh. Do vậy, không chỉ ông N.Lâu-xơn mà một số thành viên khác cũng có tư tưởng hoài nghi về kế hoạch cải cách EU của Thủ tướng Đ.Ca-mơ-rôn và cho rằng, việc Pháp cùng các nước thành viên EU chưa mở cửa hoàn toàn sẽ ngăn cản những cải cách kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Họ phản đối sửa đổi Hiệp ước của EU, đồng thời gây sức ép lớn đối với Thủ tướng Đ.Ca-mơ-rôn trong nội bộ đảng này. Lời tuyên bố nói trên của ông N.Lâu-xơn được coi là minh chứng mới nhất cho thấy, đảng có vai trò chủ chốt trong chính phủ liên minh ở Anh hiện nay cũng đang ngày càng chia rẽ về chính sách đối với EU.
Cũng phải nói rằng, nếu nước Anh rút khỏi EU, quốc gia này sẽ được một vài cái lợi trước mắt như tiết kiệm được khoảng 13 tỷ USD mỗi năm tiền đóng góp ngân sách vào EU, không còn bị ràng buộc trong chính sách nông nghiệp chung, do vậy thực phẩm của nước này sẽ trở nên rẻ hơn. Nước Anh cũng sẽ không phải lo lắng quá nhiều về khoản thuế giao dịch tài chính và từ từ thoát khỏi các quy luật tài chính của châu Âu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, rời khỏi EU có thể là lợi bất cập hại đối với Anh do nước này phụ thuộc quá nhiều vào châu Âu về thương mại khi kim ngạch thương mại với các quốc gia EU đã chiếm hơn một nửa tổng lượng giao dịch thương mại của Anh. Do vậy, nếu rời khỏi khối này, Anh có thể phải đối mặt với tình trạng nền kinh tế sa sút.
Trước đó, ông Đ.Ca-mơ-rôn cũng từng tuyên bố, ông không ủng hộ việc Anh rời khỏi EU và cảnh báo Anh có thể trở thành một quốc gia kiểu như "Đại Thụy Sĩ" nếu rời bỏ liên minh 27 thành viên này. Ông đã đưa ra kế hoạch nhằm tạo ra những thỏa thuận mới trong EU, giúp tạo điều kiện hơn cho Anh. Tuy nhiên, những thỏa thuận này hiện giờ vẫn chưa đạt được do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu. Mặc dù vậy, ông Đ.Ca-mơ-rôn vẫn tin tưởng rằng, sẽ có sự thay đổi về các hiệp định trong EU bởi trước đó đã có ba hiệp ước được thúc đẩy kể từ khi ông lên nắm quyền ở "xứ sở sương mù" năm 2010. Theo ông, tại thời điểm này, cái kết tốt nhất đối với Anh là nước này sẽ là "thành viên của một EU được cải cách”.
Thể hiện quan điểm về lời tuyên bố trên của ông N.Lâu-xơn, Văn phòng Thủ tướng Anh đã lên tiếng khẳng định, sẽ tìm mọi cách thuyết phục các nước EU mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ theo hướng linh hoạt và mang tính cạnh tranh. Theo Ngoại trưởng Uy-li-am Ha-gơ, Anh và một số thành viên EU có thể cùng nhau triển khai những cải cách đối với thị trường dịch vụ để bảo đảm mậu dịch tự do mà không cần tính đến các thành viên "bảo hộ" khác./.
Theo: qdnd.vn